Thanh Trúc, phóng viên RFA
2015-05-14
Nhà anh Lô Văn Duy ở làng Cay-RFA files
Xã Nghĩa Lợi, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, có những làng nhỏ như Sỏi, Mít, Lùng, Cáo, Chảo, Chát vân vân…Cay là một trong tất cả 10 làng bản như thế.
Cuộc sống người dân Làng Cay
Làng Cay, sau này gọi là Tân Cay, có 77 hộ, 396 nhân khẩu, hầu hết là dân tộc Thanh hoặc Thái, sống trên vùng rừng núi giáp tỉnh Thanh Hóa , nhiều người không biết đọc biết viết.
Đối với anh Bảo, một người sinh sống gần đó, dân làng Cay có số phận cơ cực như cái tên của nó:
Ở đây nguyên là rừng núi, sau một thời gian dài bị phá, phá cây rồi lâm tặc rồi kiểm lâm cấu kết tranh nhau thì coi như bây giờ chỉ toàn là đồi trọc thôi. Ở đấy thì toàn bộ không có đường bê tông nào cả. Ở đây nắng thì hạn hán mà mưa thì lũ lụt, khó làm ăn lắm. Người dân ở đó chỉ có trồng cây dưa, cây mía, cây sắn thế thôi, chứ còn lúa thì rất hãn hữu, Dọc ven suối khai thác được cái gì đó, coi như được một ít nào đó thì trồng lúa thôi. Người dân ở đấy cũng rất vất vả, ngoài vụ mùa ra thì đi làm thuê.
Đã vậy, làng cũng khá là xa chợ, từ Cay bộ đến chợ, đến trung tâm thị xã phải hơn mươi, mười lăm cây mới tới:
Nguyên bản của nó là làng Cay, sau này người ta thấy từ Cay đắng chát quá người ta đổi thêm chữ Tân nữa, Tân Cay, Tân Sỏi, Tân Mít…cho nó khác khác đi thôi chứ mà bản chất của nó vẫn là Cay thôi chứ không có gì khác được.
Là địa phương nghèo mà lại ở vùng xa, làng Cay được chính phủ đưa về một số dự án hỗ trợ như Chương Trình 134 và Chương Trình 135. Anh Bảo giải thích:
Nơi nào nghèo khó thì coi như chính phủ đầu tư vào để xóa nhà tranh tre dột nát đi, tức là Chương Trình 134 đấy. Có nơi như vậy là 7 triệu, có nơi thì 20 triệu. Như vậy trong làng Cay này theo họ báo cáo thì một hộ là 6 triệu. Nhưng mà như dân trao đổi thì coi như chỉ nhận được 1.200.000 thôi. Đấu tranh mãi thì xóm trưởng đưa thêm 300.000 nhưng rất nhiều người bị trừ vào các khoản gọi là công ích và nghĩa vụ. Ủy ban xã họ trừ những khoản đó coi như một thành tích riêng của xã.
"Ở đây nguyên là rừng núi, sau một thời gian dài bị phá, phá cây rồi lâm tặc rồi kiểm lâm cấu kết tranh nhau thì coi như bây giờ chỉ toàn là đồi trọc thôi. Ở đấy thì toàn bộ không có đường bê tông nào cả. Ở đây nắng thì hạn hán mà mưa thì lũ lụt, khó làm ăn lắm"-Anh Bảo
Chương Trình 135 là đầu tư do địa phương, trong đó có sửa sang nhà, làm các công trình thủy lợi, xây dựng các công trình điện và đường xá, giải quyết những chế độ đối với dân nghèo, cho người dân nghèo nuôi bò. Thế nhưng theo tôi quan sát thì Chương Trình 135 là hầu như đường xá không thấy mà thủy lợi cũng không có gì ở đó cả.
Ông Vi Văn Thanh, người dân tộc Thanh, lên làng Cay từ năm 1983, nói rằng vì ông đi vay tiền để sửa sang nhà cửa trước đó nên đã không được hưởng chương trình 134 Chương Trình Xóa Nhà Tranh Tre Dột Nát:
Toi từ trước đến nay nỏ (không) có gì đâu, đi vay mượn thế thôi. Hồi trước được mấy cân muối với dầu với chi đó thôi, rồi từ thưở đó đến chừ không được cái chi hết. Tôi thì cũng không có gì, làm ăn chỉ chân tay thôi, nhà nước thì cũng không thấy hỗ trợ cái gì cả. Thực tế là nhà cửa coi như không có chi đâu.
Người dân Làng Cay
Dân Làng Cay hiền lành và cam chịu
Với bản tính đơn sơ của người dân tộc, lại cho rằng chữ nghĩa mình không có nhiều, ông Vi Văn Thanh nhìn sự bất công đối với gia đình ông bằng thái độ nhẫn nhịn, cam chịu:
Tôi cũng nỏ (không) khiếu nại, đại thể tùy xóm trưởng hay dân làng hay xã nếu mà đi kiểm tra hay đi rà soát hộ nghèo thì cứ đi vô tận nhà tận cửa mà rà soát. Đất đai này, gia đình có chi này, anh phải vô tận nhà coi như mới xét được. Tôi cũng không trách móc chi cả, cho thì cám ơn, không cho cũng cám ơn, không có thì đi vay mượn.
Với hộ gia đình chỉ đủ ăn đủ mặc như hộ ông Vi Văn Thanh, tiền nghĩa vụ hàng năm nộp cho xã cũng là điều đáng nói:
Nghĩa vụ tất nhiên năm mô cũng phải làm rồi, thuế hàng năm nhiều chứ, một năm 3 khẩu coi như ba bốn trăm nghìn. Nhà nước hỗ trợ chi? Hỗ trợ mà em có được chi mô.
Có vẻ như số tiền hỗ trợ xóa nhà tranh tre dột nát và tiền hỗ trợ xóa đói giảm nghèo mà cán bộ làng xã phân phối cho bà con không đồng đều, có nghĩa mỗi nhà mỗi khác, khiến nhiều người vừa thắc mắc vừa không hài lòng.
Ông Vi Văn Nam, cũng người làng Cay, được coi là hộ đặc biệt nghèo khó :
Nhà (đẹp nhất) của ông Lữ Xuân Tiệp xóm trưởng làng Cay
Nói chung là 34 (chương trình 134) 35 đó (chương trình 135) không hiểu sao mà em cũng bị trừ mấy phần trăm tiền nghĩa vụ, đâu có được bao nhiêu đâu. Một năm là em được hưỡng ba bốn trăm nghìn tiền 135, thế mới nói. Nếu thật sự xóa đói giảm nghèo với xóa tranh tre thì làng của bọn em nhà mô được nhiều thì 106 triệu, có nhà thì 20, 30 triệu đó. Em thì họ tính trung bình cho được 20. Nói chung họ không xác định được 20 triệu hay là 17 triệu hoặc là 15, 16 triệu chi đó. Họ chưa xác định được cho nên bọn em cũng chưa xác định là nhận số tiền đó, chưa đăng ký và chưa ký tên vào đó.
Em thì nói chung thuộc thứ nhất là hộ rất nghèo, thứ hai nữa là đặc biệt khó khăn, gà trống nuôi con, Đưa con đi học rồi cả ăn cả uống nữa rồi nộp tiền học cho con cho nên là đặc biệt khó khăn.
Về tiền nghĩa vụ các loại ở Làng Cay, anh Nam kể một năm anh phải đóng gần một triệu đồng:
Một năm cũng bảy tám trăm nghìn tiền nghĩa vụ, còn tiền hỗ trợ rồi tiền góp về các hộ nghèo, thứ hai nữa là hỗ trợ các lũ lụt, các thứ khác thì hai ba trăm (ngàn ) nữa, nói chung là gần một triệu thì em cũng nộp đủ cả trong một năm. Nộp cho xóm trưởng để làm cái gì thì em cũng đâu biết, nhưng mà xóm trưởng nói là hỗ trợ hội người mù này, hội lũ lụt này, hội gì lung tung … Thông báo lên cho làng, làng nộp thì em nộp theo em đâu biết gì đâu. Cuộc sống của em nói chung cũng khó khăn rồi, kiếm được đồng mô thì nuôi con nuoi cái vậy thôi chứ cũng không thắc mắc nhiều. Ai kêu em đi làm cái chi thì em làm cái đó, kể cả đi bốc phần chứ đừng nói là… Suốt ngày đi cuốc ruộng thuê rồi là bốc vác lung tung thôi, chứ còn lúc mô cũng mong chờ nhà nước thì bấu cái chi mà ăn. Họ thích cho ai thì họ cho thôi.
"Tôi cũng nỏ (không) khiếu nại, đại thể tùy xóm trưởng hay dân làng hay xã nếu mà đi kiểm tra hay đi rà soát hộ nghèo thì cứ đi vô tận nhà tận cửa mà rà soát. Đất đai này, gia đình có chi này, anh phải vô tận nhà coi như mới xét được. Tôi cũng không trách móc chi cả, cho thì cám ơn, không cho cũng cám ơn"-ông Vi Văn Thanh
Được hỏi tại sao người dân làng Cay lại nín nhịn hiền lành và có vẻ cam chịu quá mức như thế, anh Bảo cho rằng:
Kêu cũng không được, coi như dân người ta cũng đi vào tiêu cực, chán ngán, không muốn kêu ca lắm nữa.
Theo phản ảnh của bà con làng Cay, để xây nhà cho hộ nghèo theo Chương Trình 134, mỗi gia đình được nhà nước cấp 6.000.000 đồng. Tuy nhiên hộ ông Lô Văn Duy chỉ được cấp 1.200.000 đồng. Khi ông Duy nêu thắc mắc, cán bộ xóm đưa thêm 300.000 đồng.
Sáu hộ khác, trong đợt một cũng được cấp 1.200.000 đồng nhưng thay vì tiền thì lại qui thành vật liệu xây cất như ngói, sắt, thép, xi măng, đá cát vân vân.
Đến đợt hai, những người này được xã thông báo bổ sung thêm 300.000 đồng nhưng được cán bộ viết vào giấy là cấn trừ 300.000 đồng tiền xóa nhà tranh tre dột nát vào tiền nợ nghĩa vụ.
Ngoài ra, cũng có hộ được nhận 1.500.000 đồng trong đợt đầu và đến đợt hai thì được bổ sung thêm 500.000 đồng nữa.
Qua tiếp xúc và tìm hiểu của anh Bảo, sau khi nhận thấy những hộ thân cận với cán bộ đều được nhận 6.000.000 đồng, bà vợ của ông Lô Văn Duy đã xuống xã khiếu nại. Khi yêu cầu được xem danh sách và giấy tờ thì bà phát hiện gia đình mình cũng được hưởng 6.000.000 nhưng đã có ai đó giả mạo chữ ký để nhận tiền rồi. Từ đó đến giờ, bà Hương, vợ ông Duy, nhiều lần đi lại đòi tiền mà không được giải quyết.
Cũng có trường hợp một số gia đình không được thông báo về việc đến nhận tiền hỗ trợ đợt hai. Khi đến hỏi, cán bộ xóm trả lời là tiền đó đã trừ vào nợ nghĩa vụ rồi.
Còn Chương Trình 135 xóa đói giảm nghèo thì sao? Anh Bảo cho hay có nhà dù đã được bình bầu hộ nghèo để được cấp một con bò. Tuy nhiên khi trao bò thì người đó không được nhận với lý do đang nợ nghịa vụ nên bị cắt.
Mặt khác có nhiều hộ, đang còn nợ tiền nghĩa vụ, đã lên tới xã xin giấy chứng thực hộ nghèo nhưng xã không chứng mà còn hạch hỏi thêm những loại giấy tờ khác khiến dân làng phải trở đi trở lại rất nhiều lần.
Cán bộ địa phương nói gì trước phản ứng thầm lặng của bà con làng Cay? Ông Nguyễn Văn Quyết, chủ tịch xã Nghĩa Lợi, khẳng định không có chuyện bất cập hay sai trái trong khi thực hiện chương trình hỗ trợ của nhà nước .
Có nhiều chương trình hỗ trợ do Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc thực hiện, ông Nguyễn Văn Quyết nói, các khoản đóng góp nghĩa vụ thì được thu theo Nghị Quyết của Hội Đồng Nhân Dân Xã :
Bà con đồng bào thiểu số thì nhận thức họ cũng mức độ cho nên nếu cấp tiền mặt sợ họ ăn uồng nhậu nhẹt hết đi, họ cũng phải biết rằng cán bộ xóm chịu trách nhiệm đi mua xi măng, sắt , thép về cho họ. Coi như cấn trừ bằng hiện vật thì 1.200.000, còn lại 300.000 là nhận tiền mặt chứ còn không phải là chia ra nhiều lần
Chủ tịch xã Nghĩa Lợi
Chế độ chính sách của Đảng, Nhà Nước đưa về địa phương thì địa phương cũng chu cấp cho bà con đầy đủ thôi. Có một trường hợp, riêng một trường hợp thì có sự trùng lập ngẫu nhiên trong một năm như thế gia đình này có hai chế độ mà cán bộ chi trả nhầm lẫn thì thanh tra đã làm việc, đã có kết luận và đánh giá trách nhiệm bồi hoàn của một người.
Còn ngoài thì bao nhiêu chế độ là đầy đủ hết, không thiếu một ai, nhưng mà chế độ này là thuộc bên Mặt Trận người ta làm. Hỗ trợ cho nhà được triệu rưỡi, nhà hai triệu. Bên mặt trận tập hợp danh sách của các xóm chuyển sang cho Ủy Ban rồi Ủy Ban chịu trách nhiệm đi lĩnh tiền này về cấp phát cho bà con, nói tóm lại là đầy đủ.
Về số tiền 1.200.000 cấp trong đợt 1 nhưng được qui thành vật liệu xây dựng chứ không phải tiền mặt, ông chủ tịch xã Nghĩa Lợi giải thích:
Có chỉ đạo là bà con đồng bào thiểu số thì nhận thức họ cũng mức độ cho nên nếu cấp tiền mặt sợ họ ăn uồng nhậu nhẹt hết đi, họ cũng phải biết rằng cán bộ xóm chịu trách nhiệm đi mua xi măng, sắt , thép về cho họ. Coi như cấn trừ bằng hiện vật thì 1.200.000, còn lại 300.000 là nhận tiền mặt chứ còn không phải là chia ra nhiều lần. Số hộ nằm trong diện được xét 6 triệu thì cấp đủ 6 triệu, chỉ có một hộ trùng lập thì cán bộ đã chi lại cho đủ. Việc này đã có kết luận, không phải hộ nào cũng được 6 triệu mà địa phương không chi trả, cái đó là không có.
Ông chủ tịch Xã Nghĩa Lợi này còn khẳng định làng Cay đã thực hiện được tiêu chí xóa đói giảm nghèo do nhà nước đề ra:
Bây giờ tỷ lệ hộ nghèo đói không còn bao nhiêu nữ mà trình độ dân trí cũng được nâng lên. Cách đây 10 năm trong xóm đó chỉ có 3 cái nhà xây thôi,chứ mà đến giờ phải nói có đến 85% nhà xây. Tôi cam đoan một điều rằng có hai trường hợp, coi như bị cấp nhầm một trường hợp và cấp thiếu một trường hợp thì cái này là thanh tra đã làm, và Ủy Ban sắp tới sẽ kỷ luật cán bộ này và cho nghĩa. Còn riêng việc thanh toán lại cho dân thì đó là điều đương nhiên thôi.
Tuy nhiên theo anh Bảo, có người thân ở trong làng Tân Cay, chỉ mới một làng mà đã bao nhiêu chuyện bức bối và bao nhiêu người kêu ca, nếu tính cả 10 làng gồm Tân Sỏi, Tân Mít, Tân Lùng, Tân Cáo van vân với 70% là người dân tộc thì số dân nghèo đi kêu ca còn nhiều tới đâu.
Cái có thể nhìn thấy trước mắt những nơi này, anh Bảo mô tả, là sự chênh lêch giàu nghèo không phải giữa người làng với nhau mà là giữa dân làng với cán bộ. Điển hình nhà dân thì nhỏ bé tềnh toàng chứ nhà xóm trưởng làng Cay chẳng những là nhà xây mà còn to đẹp nhất làng.
Chuyện làng Cay ở Nghệ An tạm kết thúc ở đây. Thanh Trúc sẽ trở lại trong mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi thứ Năm tuần tới.
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/OverseasVietnamese/villagers-in-cay-village-05142015072758.html/05142015-villagers-in-cay-village.mp3
No comments:
Post a Comment