Friday, May 15, 2015

Chống chọi với nắng hạn

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
2015-05-13
  
Những trại trồng ngô bị mất mùa do hạn hán
Những trại trồng ngô bị mất mùa do hạn hán- Files photos

Bình Thuận và Ninh Thuận là hai tỉnh có nhiệt độ nóng nhất Việt Nam trong mùa hè và cũng là hai tỉnh khô hạn nặng nề nhất Việt Nam bởi hai tỉnh này nằm trên vành đai xích đạo. Mọi thứ cây cối ở đây đều cháy khô vào mùa nắng, đất đai bốc bụi, nứt nẻ, sông suối cạn trơ đáy, chỉ có cây nem nhiệt đới có thể tồn tại qua mùa này nhưng loài cây này không thể dùng làm thức ăn. Những trang trại trồng nho, nuôi cừu, trồng táo xuất hiện trên vùng đất Phan Rang, Ninh Thuận giống như những khu vườn địa đàng bị bỏ quên trên sa mạc. Để trụ được với khí hậu khắc nghiệt, các chủ trang trại đã trải qua vô vàn khó khăn, gian khổ.

Giấc mơ “vườn địa đàng”

Ông Ba Mọi, chủ trang trại trồng nho Ba Mọi ở Phan Rang, Ninh Thuận, chia sẻ: “Ban đầu trồng nho ở Ninh Thuận chỉ có tính tự phát thôi, riêng tụi tôi thì mày mò, nghiên cứu hơi công phu. Thời Pháp người ta đã nghiên cứu trồng nho ở đây rồi. Đến năm 1960 chế độ cũ cũng có nghiên cứu trồng nho ở đây. Sau này chúng tôi tự phát trồng nho. Sau đó chừng năm năm, nhà nước mới phát triển, có kế hoạch trồng nho ở đây… Nói chung là chúng tôi thu nhập tốt…”.

Theo ông kể, trước đây chừng 20 năm, đất đai ở Phan Rang còn kém chất lượng hơn hiện tại rất nhiều, nhìn đâu cũng thấy mang mang một màu đất vàng pha thẫm cằn cỗi và thiếu vắng sự sống. Thỉnh thoảng có vài mái nhà lụp xụp nằm núp mình dưới bóng cây nem nhiệt đới, một loại cây duy nhất có thể trụ nổi qua mùa nắng.

Đa phần cư dân ở đây đi làm thuê, họa hoằng lắm mới có người cày xới vài mảnh ruộng gần dòng sông hoặc con suối nào đó. Đời sống khốn khó đã khiến phần đông cư dân tìm đường bôn tẩu xứ người để làm thuê làm mướn qua ngày đoạn tháng. Thời đó cũng không có điện, không có đường bê tông như bây giờ. Tối đến, rắn độc bò ra đường, nếu không may giẫm phải sẽ mất mạng. Thời đó không có internet.

Một lần lên thăm bà con ở thành phố, ngồi coi tivi, thấy người ở Nam Mỹ trồng một dây nho trong chậu cảnh và cho bò lên giàn làm bằng sợi thép che mát cả khoản sân, cảm giác như người tu lâu năm được chứng ngộ, ông mừng đến rơi nước mắt. Và từ đó ông nghiên cứu phương pháp, kĩ thuật trồng nho, tìm hiểu các loại giống nho và bắt đầu sự nghiệp chinh phục đất cằn của mình.

Đồng thời với quá trình chinh phục đất cằn của ông Ba Mọi, nhà nước cũng đưa ra chương trình cải biến đất cằn hái ra tiền để kêu gọi bà con trồng nho, trồng thanh long và trồng táo Nam Mỹ. Chương trình này thực hiện khá thành công, nhiều vườn nho ra đời nhưng vẫn chưa có đầu ra một cách mỹ mãn, chủ vườn nho cũng chỉ bán sỉ cho thương lái và cứ đến mùa thu hoạch thì đợi thương lái đến quyết định số phận.


Những ngôi nhà dân chịu nắng giữa trời. RFA

Riêng gia đình ông Ba Mọi vẫn chưa thu hoạch được lứa nho nào bởi ông vẫn đang mày mò nghiên cứu kĩ thuật và đặc tính cũng như chất lượng của từng loại giống. Bên cạnh đó, ông phác họa ra hàng chục dự án cho vườn nho, từ chuyện đào tạo người làm vườn lâu dài cho đến phục vụ du lịch nhà vườn, làm rượu vang nho, làm nước si rô nho và tạo ra những tour du lịch ghé thăm vườn nho…

Vấn đề khó khăn nhất của chủ các trang trại vẫn là tưới tiêu, nguồn nước khan hiếm, đất đai cằn cỗi, tưới bao nhiêu cũng không đủ, giá điện quá cao đã khiến nhiều người phải bỏ nửa chừng, phá sản. Bằng mọi giá phải thực hiện cho được giấc mơ biến trang trại thành vườn địa đàng du lịch, suốt gần mười năm trầy vi tróc vảy với giấc mơ, cuối cùng, ông Ba Mọi cũng có được một trang trại trồng nho, nuôi cừu, làm si rô nho và ủ rượu vang nổi tiếng Việt Nam. Khách du lịch đi qua Phan Rang, ghé thăm tháp Chàm, nếu không ghé thăm vườn nho Ba Mọi thì có vẻ như hết mất sự thú vị của chuyến đi.

Nắng hạn lấy đi niềm hy vọng

Nếu như vườn nho ông Ba Mọi hấp dẫn du khách bởi những giàn nho rộng bạt ngàn và chi chít trái, màu nho chín mọng làm mát mắt thì với nhiều chủ vườn nho, vườn táo khác, trang trại của họ luôn đối diện với phá sản bởi nắng hạn.

Một chủ trang trại tên Thiệp, chia sẻ: “Nói chung là thiếu nước thiếu trầm trọng. Thành phố Phan Rang Tháp Chàm thì có nước chứ các huyện thì phải mua nước về xài, nước do các xe chở đến. Chỉ có một con sông ở ngay thành phố. Còn lại, các huyện chỉ có hồ mương và sông nhỏ nhưng hồ và mương, sông nhỏ đã khô cạn hết rồi!”.

Theo ông Thiệp, với đà nắng hạn này, có thể chỉ còn vài trang trại nho và táo trụ nổi với thời tiết khắc nghiệt, sẽ có rất nhiều vườn nho, vườn táo héo dần và chết yểu bởi nhiệt độ quá cao. Trâu bò, dê cừu cũng không thoát khỏi tình trạng này. Hiện tại, các vườn nho đã xuất hiện dấu hiện chết yểu, trong đó có một số vườn nho rơi vào tình trạng chết cục bộ, không thể cứu vãn. Trong khi đó, nguồn nước ở các con sông đã cạn trơ đáy, thủy lợi ngưng hoạt động vì thiếu nguồn. Mọi chuyện trở nên phức tạp và tuyệt vọng đối với người nông dân.

Vần đề nước tưới tiêu cho nông nghiệp đang là vấn đề nhức đầu nhất hiện nay ở Phan Rang, suốt hơn hai tháng nay, chưa xuất hiện bất kì trận mưa nào, trong khi đó, cái nắng đặc trưng của miền nhiệt đới lại biểu hiện rõ nét nhất ở Phan Rang, mọi thứ cây cỏ gần như bị thiêu rụi dưới nắng trời. Nguồn nước đã cạn kiệt, ngay cả con người cũng thiếu nước để uống, có nhiều người phải chạy xe gần 10km, tìm ra một đoạn sông còn nước để mà tắm chứ không dám đụng đến nguồn nước dự trữ trong gia đình.

Một số gia đình giàu có thì kéo được nước máy, dùng nước thủy cục, và nhiều trang trại gắn máy bơm tưới tiêu vào ống nước thủy cục để tưới nho. Nhưng không phải ai cũng đủ giàu có để kéo ống nước thủy cục về nhà. Để có được nguồn nước sinh hoạt thoải mái, nhiều gia đình phải bỏ ra vài ba chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng để mua đường ống dẫn nước, thuê nhân công đào mương chôn ống phòng trộm mà kéo nước về nhà. Trong khi đó, với đời sống nghèo khổ của người dân nơi đây, số tiền vài chục triệu đồng là cả một gia sản lớn.

Nắng hạn vẫn đang ráo riết vây bủa vùng đất nghèo Phan Rang, những giấc mơ vườn địa đàng nơi mặt đất đầy nho ngọt, cừu, dê và tiếng chim cũng đang héo dần, tan dần theo nắng trời. Một mùa hè khô khốc, đỏ lửa đang kéo đến đất Phan Rang. Cầu nguyện Thượng Đế thương tình hãy ban cho vùng đất này một trận mưa làm mát cỏ cây!

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/fight-to-drought-05132015111415.html/05132015-fight-to-drought.mp3

No comments:

Post a Comment