Wednesday, May 20, 2015

Hãy nhìn thẳng sự thật, đừng ru ngủ nữa

Theo NLĐO-20/05/2015 12:58

Tự hài lòng và tự mâu thuẫn là những gì thể hiện qua báo cáo của Tổng cục Du lịch vừa công bố

Hơn 94% khách du lịch đánh giá du lịch ở Việt Nam tốt và quá tốt. Con số này vừa được Tổng cục Du lịch công bố có thể làm những ai lạc quan nhất cũng phải ngỡ ngàng. Làm du lịch như thế này mà được du khách đánh giá cao thế? Chẳng mấy chốc Việt Nam đã trở thành thiên đường du lịch?
Thích tung hô...
Nhìn vào cách khảo sát của Tổng cục Du lịch chúng ta đã thấy nhiều điều không ổn. Tổng cục Du lịch phát phiếu khảo sát, các công ty lữ hành và các Sở Văn hóa thể thao và du lịch thực hiện. Nói cách khác, khảo sát trên chỉ lòng vòng trong “nhà” ngành du lịch. “Chẳng có công ty lữ hành nào lại báo cáo rằng khách du lịch chê mình quá tệ. Và cũng chẳng có Sở Văn hóa thể thao và du lịch nào nói rằng khách đánh giá du lịch tại địa phương mình kém. Những con số tự sướng này chỉ dùng để các công ty lữ hành, các sở và tổng cục tâng bốc nhau chứ thực tế tình hình du lịch thời gian qua quá bi đát” - bạn đọc Thành Nhân, nói thẳng.
Nhìn ở góc độ khác, nhiều bạn đọc cho rằng chúng ta đừng vội mừng về cách đánh giá trên của khách du lịch. Có nhiều lý do để họ làm việc này và không loại trừ khả năng họ khen chỉ vì lịch sự. Ngay cả những quốc gia có ngành du lịch phát triển mạnh như: Thái Lan, Singapore, Mỹ... cũng không tìm ra nổi tỉ lệ đánh giá tốt như thế chứ nói gì Việt Nam.
 Hãy nhìn thẳng sự thật, đừng ru ngủ nữa
Du khách luôn bị chèo kéo, làm phiền. Ảnh: Long Phiên
Bạn đọc Trần Thành Phong, lo lắng: “Nghe Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Nguyễn Văn Tuấn nói sẽ dùng kết quả điều tra này để đưa ra những chính sách phù hợp thu hút khách quốc tế, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành mà thấy quá e ngại. Con số này đầy nghi ngờ, không thực thì làm sao dựa vào đó mà hoạch định chính sách cho ngành. Còn nếu con số này mà chính xác thì có lẽ ngành du lịch của ta chẳng cần phải làm gì nữa. Quá tốt đẹp”.
Bạn đọc Mạnh Hà phân tích ra những mâu thuẫn từ ngay trong báo cáo trên. “Nếu hơn 94% khách đánh giá tốt và quá tốt thì tại sao tỉ lệ khách trở lại Việt Nam chỉ có chưa đến 33% và trở lại lần thứ hai chỉ 18,1%. Đáng ngại hơn, trong 4 tháng đầu năm 2015, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 12,2% so với cùng kỳ năm trước và đây là tháng thứ 11 liên tiếp, khách quốc tế đến Việt Nam sụt giảm. Mâu thuẫn. Khó hiểu?”.
... Và lờ đi yếu kém
Nói về yếu kém của ngành du lịch Việt Nam thì quá nhiều và ai cũng có thể chỉ rõ. Bạn đọc Trần Quang Dinh, liệt kê: “Qua thực tế cũng như thông tin từ các cơ quan truyền thông, khách du lịch ngoại thường thất vọng chúng ta ở mấy điểm: Cơ sở hạ tầng kém; những điểm đến “nghèo” về cách phục vụ; móc túi, giật đồ còn nhiều; chèn ép về giá cả vẫn còn phổ biến...”.
Bạn đọc này kể thêm: Tôi có người anh trai ở Mỹ. Lần đầu về nước anh mời cả gia đình đi du lịch Mũi Né. Trúng dịp cao điểm, không còn phòng chúng tôi phải thuê lều ngủ trong khu du lịch. Người quản lý không đăng ký tạm trú tạm vắng nên khi cơ quan chức năng kiểm tra thì phát hiện anh tôi là người nước ngoài nên đòi xử phạt. Nói với người quản lý thì người này bảo do chúng tôi không khai báo. Tranh cãi hồi lâu người này đòi kêu bảo vệ trục xuất cả gia đình... Thế là cạch. Những lần về sau anh em tôi cứ về quê vui chơi với bạn bè, sông nước. Ngược lại, trong chuyến qua thăm anh tôi bên Mỹ cuối năm 2014, bố mẹ tôi hết sức hài lòng về các điểm du lịch được đến: chu đáo, lịch sự và cực kỳ mến khách”.
1
Làm du khách hài lòng để có thể trở lại Việt Nam là bài toán khó cho ngành du lịch. Ảnh: Long Phiên
Chúng ta được thiên nhiên ưu đãi, nhưng chẳng biết cách khai thác hợp lý để thu hút du khách. Có phong cảnh đẹp chỉ là 1, cần phải làm cho phong cảnh đó trở thành 2, 3 bằng cách thiết kế dịch vụ, xây dựng hạ tầng tôn tạo vẻ đẹp đó. Những bãi biển đẹp ở Mũi Né, Nha Trang, Quảng Nam... hiện nay chúng ta đã làm được gì để thu hút khách du lịch? Nạn chặt chém khách bao nhiêu năm rồi không dẹp nổi; cảnh đẹp thiên nhiên bị tàn phá không thương tiếc; bãi biển xinh đẹp thì cấp phép xây dựng ồ ạt chắn mất tầm nhìn. Còndịch vụ du lịch thì lôi thôi hết mức. Trong báo cáo trên cũng nói rõ “chi phí vui chơi giải trí chỉ chiếm 3,56% tổng chi phí bình quân một lượt khách có nghỉ qua đêm tại cơ sở lưu trú” cũng đã phản ánh thực tế như thế nào.
“Thấy rõ yếu kém để nhanh chóng khắc phục, phát huy tối đa những tiềm năng du lịch là bài toán kinh tế của hầu hết các quốc gia làm du lịch. Thế nhưng chúng ta thì ngược lại, luôn tự bằng lòng với những con số không đáng tin cậy và rất “sẵn lòng” bỏ qua những yếu kém trí mạng. Chừng nào mà các quan chức, các cơ quan quản lý du lịch ngồi lại chịu phân tích những yếu kém của ngành mình thì mới có hy vọng du lịch thay đổi” - bạn đọc Thanh Lãng bày tỏ.
Phạm Hồ

No comments:

Post a Comment