Monday, May 25, 2015

Di sản ông Hồ Chí Minh

Kính Hòa, phóng viên RFA
2015-05-25  
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại chiến dịch Biên giới (1950).
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại chiến dịch Biên giới (1950).- Ảnh tư liệu

Theo giấy tờ chính thức của chính quyền Việt nam thì ngày 19/5 vừa qua là sinh nhật của ông Hồ Chí Minh, người thành lập đảng cộng sản Việt nam và đưa đảng này lên cầm quyền cho đến nay. Thời gian của Tạp chí điểm blog hôm nay dành cho việc điểm lại con người và sự nghiệp của ông Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh

Ông Hồ Chí Minh được nói là sinh vào ngày 19/5/1890.

Đối với người Việt nam ông là một nhân vật gây nhiều tranh cãi trong mấy chục năm lịch sử vừa qua, và ngay cả ở thời điểm hiện nay.

Một bên thì suy tôn ông lên bậc thánh thần, rước cả tượng ông vào đền chùa để thờ. Bên kia thì xem ông là người có tội với dân tộc Việt nam vì đã đem chủ nghĩa cộng sản áp đặt lên đất nước này, và đôi khi người ta mô tả ông bằng những từ ngữ nặng nề nhất.

Đối với thế giới ông là một người Việt nam được biết đến nhiều nhất trong lịch sử hiện đại. Trước và sau ngày sinh lần thứ 125 trên giấy tờ của ông trong năm nay, một năm quan trọng vì là năm chẳn, nhiều blogger viết về ông.

Tác giả Lê Kỳ Sơn viết một bài rất công phu được nhiều trang blog cho đăng lại, mang tựa đề Chung quanh vấn đề nhận thức và đánh giá Hồ Chí Minh hiện nay. Trong bài này tác giả dùng những đại từ nhân xưng ở những ngôi thứ trọng thị nhất dành cho ông Hồ Chí Minh. Kết thúc bài tác giả viết rằng sau này, khi hận thù không còn nữa chắc chắn ông Hồ Chí Minh sẽ được đánh giá là một nhà yêu nước, và là một người anh hùng.

Nếu chỉ với một nội dung và cách tu từ như vậy thì đáng ra bài viết này của Lê Kỳ Sơn ắt hẳn sẽ được báo chí chính thống đăng tải. Không rõ tác giả có gửi cho mấy trăm tờ báo do đảng cộng sản Việt nam kiểm soát hay không, nhưng chỉ thấy bài viết này xuất hiện trên các trang blog độc lập.

Trong bài viết, Lê Kỳ Sơn dành ra phần cuối để nói về những khiếm khuyết của ông Hồ Chí Minh trong tư cách một nhà chính trị, một nhà cai trị. Theo tác giả thì ông Hồ Chí Minh có trách nhiệm trong việc không tạo được một tập quán pháp luật cho người dân Việt nam trong thời gian ông cầm quyền. Theo ghi nhận của tác giả, thì từ lúc lên cầm quyền ở nửa nước ở miền Bắc cho đến lúc mất, trong thời gian 15 năm, ông Hồ Chí Minh chỉ thông qua được 16 bộ luật.

"Cái cơ chế chính quyền ở Việt Nam, một mặt, loại trừ khả năng sáng tạo, mặt khác, lại tạo cơ hội cho cái Ác, cái Tham và cái Ngu tha hồ nảy nở. Trong cái cơ chế ấy, không ai có thể làm điều đúng hay điều tốt được, nhưng mọi đứa ác, mọi đứa tham và mọi đứa ngu đều có thể dễ dàng tác oai tác quái"-Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc

Khiếm khuyết thứ hai mà Lê Kỳ Sơn nói về Hồ Chí Minh là những kiến thức hạn hẹp của ông về kinh tế. Tác giả nói rằng ngay cả Tư bản luận là quyển sách nói về kinh tế của chủ nghĩa cộng sản, ông Hồ Chí Minh cũng không có điều kiện tìm hiểu sâu, và ông chưa bao giờ nhắc đến kinh tế thị trường trong những trước tác của ông.

Và điều cuối cùng là một viễn kiến về vai trò của khoa học kỹ thuật. Lê Kỳ Sơn viết rằng dù ông Hồ Chí Minh đã chứng kiến trong thời đại của ông sự phát triển của khoa học kỹ thuật nhưng ông ít nói về vai trò của nó.

Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc đăng lại một bài viết của ông về nhân vật lịch sử Hồ Chí Minh trên trang cá nhân của mình.

Ông nhận xét:

Với tư cách nhà cách mạng, ông Minh có thể vấp phải một số sai lầm, nhưng nói chung, các chính sách ông đưa ra nếu không đúng đắn thì ít nhất cũng có hiệu quả. Nhờ đó, ông trở thành nhà cách mạng thành công nhất ở Việt Nam trong thế kỷ 20: Ông đánh đuổi được thực dân Pháp và ông giành được chính quyền vào tay đảng của ông.

Không đồng ý với ông, thậm chí, căm thù ông, người ta cũng không thể phủ nhận những thành công vang dội ấy. Ông đã thành công ở chỗ tất cả các nhà cách mạng khác, trước ông, từ các nhà Cần Vương đến các nhà Duy Tân, từ Phan Bội Châu đến Phan Châu Trinh và tất cả các nhà cách mạng quốc gia khác, đều thất bại.

Ngoài ra Giáo sư Quốc cũng nói về quan điểm của ông thế nào là một nhà lãnh đạo tốt. Theo ông thì người Việt nam hay đánh giá một vị lãnh đạo bằng cách chăm chú vào những chi tiết cá nhân của người đó. Và cái đáng quan tâm là cái cơ chế chính trị của một vị lãnh đạo lớn để lại cho xã hội chứ không phải đời tư của họ. Giáo sư Quốc nói về cái mà ông Hồ Chí Minh để lại cho đời:

Về phương diện ý thức hệ, ông Minh chọn con đường xã hội chủ nghĩa. Đó là một lựa chọn có tính lịch sử; và vì có tính lịch sử, nó vừa là trách nhiệm của ông vừa không thuộc trách nhiệm của ông.

Nhưng việc lựa chọn cơ chế tổ chức guồng máy nhà nước thì hoàn toàn nằm trong tay ông. Chính ông là người quyết định nó, xây dựng nó và điều hành nó một thời gian dài. Có thể nói cái cơ chế ấy hoàn toàn là sản phẩm của ông. Là đứa con của ông.


Hồ chí Minh và Mao Trạch Đông (ảnh tư liệu)

Một tác giả khác là nhà báo Lê Diễn Đức cũng viết về ông Hồ Chí Minh.

Trong bài viết Hồ Chí Minh và di sản của ông, tác giả Lê Diễn Đức trích lại phần tố cáo thực dân Pháp trong bản tuyên ngôn độc lập năm 1945:

"Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.

- "Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu".

- "Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân".

- "Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều".

- "Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu".

- "Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng".

- "Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn".

"Tôi nghĩ Cụ Hồ Chí Minh là giỏi, nhưng cái giỏi ấy có đem lại hạnh phúc cho nhân dân không thì tôi nghi ngờ, khi mà ngay sau khi đảng của ông lên cầm quyền ở miền Bắc Việt Nam thì đã có hai triệu người bỏ vào Nam, và khi đảng ấy cầm quyền trên tòan bộ lãnh thổ quốc gia thì có thêm hàng triệu người nữa bỏ nước ra đi"-ông Phạm Nguyên Trường

Ông Lê Diễn Đức viết rằng những lời tuyên án thực dân Pháp cách đây 70 năm chính là hình ảnh của xã hội Việt nam ngày nay.

Xã hội ấy đang nằm dưới quyền cai trị của những hậu duệ tinh thần của ông Hồ Chí Minh.

Xã hội ấy nằm trong một cơ chế do ông Hồ Chí Minh tạo ra, hay nó chính là đứa con của ông như Giáo sư Nguyễn Hưng quốc đề cập. Giáo sư Quốc mô tả cơ chế đó như sau:

Cái cơ chế chính quyền ở Việt Nam, một mặt, loại trừ khả năng sáng tạo, mặt khác, lại tạo cơ hội cho cái Ác, cái Tham và cái Ngu tha hồ nảy nở. Trong cái cơ chế ấy, không ai có thể làm điều đúng hay điều tốt được, nhưng mọi đứa ác, mọi đứa tham và mọi đứa ngu đều có thể dễ dàng tác oai tác quái.

Trong một lần rao đổi với chúng tôi ông Phạm Nguyên Trường, một dịch giả sống tại Việt nam nói về ông Hồ Chí Minh:

Tôi nghĩ Cụ Hồ Chí Minh là giỏi, nhưng cái giỏi ấy có đem lại hạnh phúc cho nhân dân không thì tôi nghi ngờ, khi mà ngay sau khi đảng của ông lên cầm quyền ở miền Bắc Việt Nam thì đã có hai triệu người bỏ vào Nam, và khi đảng ấy cầm quyền trên tòan bộ lãnh thổ quốc gia thì có thêm hàng triệu người nữa bỏ nước ra đi.

Việt nam thế kỷ 21

Nước Việt nam của thế kỷ 21 vẫn được những nhà lãnh đạo của nó cho rằng cần phải theo đuổi chủ nghĩa Mác Lê Nin. Chủ nghĩa này chính là nền tảng của cái cơ chế chính trị xã hội đang điều khiển nước Việt nam, mà nói như Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc, là đứa con của ông Hồ Chí Minh.

Blogger Kami đặt câu hỏi Còn kiên định Chủ nghĩa xã hội và Chủ nghĩa Mác Lê Nin để làm gì? Kami trả lời trong phần kết của bài viết rằng sở dĩ những người cầm quyền ở Việt nam còn áp đặt một chủ nghĩa phản động như vậy lên đất nước Việt nam chẳng qua vì tham quyền cố vị.

Theo Kami thì sự kiên định đó của những người cộng sản tạo cho họ được sự độc quyền chính trị, và sự độc quyền chính trị này là vô cùng độc hại, dẫn tới trình trạng vô trách nhiệm và tham nhũng vô phương kiểm soát.

Một người khác cũng viết về sự độc quyền chính trị là ông Lê Công Giàu, một đảng viên cộng sản và từng giữ những chức vụ quan trọng trước đây. Ông Giàu viết một bài gửi đến đảng của ông đăng trên trang blog Bauxite Việt Nam. Trong đó ông nói rằng sự độc quyền luôn cản trở sự phát triển của xã hội.

Blogger Cánh Cò cũng viết về sự độc quyền chính trị đó:

Quyền lực cao và tuyệt đối làm cho một con người dù thông minh tới đâu cũng có khi quẩn trí. Quyền lực làm cho một nhà nước, chính phủ dễ dàng trở nên độc tài nhất là khi không có một công cụ dân chủ nào kiểm soát và kềm giữ sự quá trớn từ một chính sách đưa ra, đặc biệt với chính sách nhằm đối phó với người chống lại sự độc tài của chính phủ hay nhà nước đó.

"Quyền lực cao và tuyệt đối làm cho một con người dù thông minh tới đâu cũng có khi quẩn trí. Quyền lực làm cho một nhà nước, chính phủ dễ dàng trở nên độc tài nhất là khi không có một công cụ dân chủ nào kiểm soát và kềm giữ sự quá trớn từ một chính sách đưa ra"-Blogger Cánh Cò

Cũng trong tháng Năm này người ta thấy xuất hiện một bài báo trên báo chí chính thống ca ngợi một sinh viên ở Hà nội rằng thay vì nghe nhạc thì anh này nghe những bài giảng về chủ nghĩa Mác Lê Nin. Bài báo kết thúc bằng câu chuyện anh sinh viên nọ được kết nạp vào đảng cộng sản Việt nam.

Nhà báo kỳ cựu Lê Thọ Bình nhận xét về cơ chế đảng trong bậc thang xã hội, chính trị tại Việt nam trong một bài viết ngắn trên Facebook:

Trong các trường đại học không ít sinh viên đã nhìn thấy hoạt động đoàn là nơi dễ “thăng quan phát tài” hơn phấn đấu học giỏi. Ở các cơ quan nhà nước không ít người muốn lên trưởng phòng, bạn phải có cái thẻ đảng viên.

Một điều thú vị là trong hơn 20 năm qua những người cộng sản Việt nam lại muốn kết hợp sự độc quyền chính trị của họ với Kinh tế thị trường, mà Kinh tế thị trường lại đòi hỏi sự cạnh tranh chứ không phải sự độc quyền.

Và trong cuộc hôn nhân nhiều sóng gió đó người ta cũng thấy những nhà lãnh đạo cũng muốn họ có một hình ảnh khác. Người ta bàn tán nhiều đến việc ông Phó Thủ Tướng trẻ tuổi Vũ Đức Đam xuất hiện trên truyền hình Mỹ, có thể nói tiếng Anh thông thạo, và bình dân không quan cách. Blogger Viết từ Sài Gòn lại nhận xét là câu chuyện của ông Đam là một câu chuyện bình thưởng, nhưng nay nó xuất hiện ở Việt nam, lại được báo chí chính thống của Việt nam hết lời ca ngợi thì vô hình chung nó lại làm nổi bật lên hình ảnh mà tác giả gọi là ù ù cạc cạc của các vị lãnh đạo, hình ảnh tệ hại của nền giáo dục Việt nam đương đại.

Và cuối cùng trong tháng Năm này nhạc sĩ blogger Tuấn Khanh lại nhớ về một người bạn văn nghệ của mình là nhạc sĩ Lê Hựu Hà ra đi vào tháng năm, năm 2003. Trong bài viết ấy Tuấn Khanh nhắc lại chuyện nhạc sĩ tài hoa Lê Hựu Hà bạn vong niên của ông và những văn nghệ sĩ khác tại miền Nam sau năm 1975 được khuyến cáo phải sáng tác theo cái gọi là… “Nền Văn Hóa Mới.” Tuấn Khanh viết rằng đó là một nền văn hóa mà không ít người vẫn tự hỏi là nó sinh ra từ đâu và để làm gì?

Trong nền văn hóa ấy, nhạc sĩ Lê Hựu Hà chứng kiến việc người ta trưng thu những đĩa nhạc quí giá của âm nhạc thế giới như RollingStones, Beatles mà ông sở hữu. Và người nghệ sĩ chỉ còn cách bất lực nhìn người ta làm việc đó trong sự tuyệt vọng của men rượu, sự tuyệt vọng của kẻ chỉ uống rượu một lần duy nhất trong đời.

Nền Văn hóa mới ấy có phải cũng là di sản của ông Hồ Chí Minh?

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReadingBlogs/ho-chi-minh-legacy-05252015062300.html/05252015-ho-chi-minh-legacy.mp3

No comments:

Post a Comment