Monday, May 25, 2015

Chợ Đầm, Nha Trang sẽ bị phá

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
2015-05-25
Cổng vào chợ Đầm, Nhà Trang
Cổng vào chợ Đầm, Nhà Trang- RFA
Chợ Đầm, Nha Trang sẽ bị đập phá, đó là điều chắc chắn trong thời gian tới bởi nhà cầm quyền thành phố này đã quyết tâm xây dựng một khu chợ mới nằm bên trong và đã có những văn bản cụ thể về quyết định này. Lý do nhà cầm quyền đưa ra để đập bỏ chợ Đầm là nó đã xuống cấp và cần một khu chợ mới khang trang, thuận tiện hơn. Tuy nhiên, với bà con tiểu thương chợ Đầm, đây là một hung tin, nó sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống bà con tiểu thương cũng như mỹ quan thành phố. Đối với hầu hết người dân Nha Trang, đập bỏ chợ Đầm là một việc hoàn toàn vô lý.
Chị Huệ, một tiểu thương bán các loại khô hải sản như mực khô, cá khô, sâm biển khô tại chợ Đầm đã hơn hai chục năm nay, chia sẻ: “Nó xây chợ xong rồi nó dời vô hết rồi đóng lại từ đầu. Ngày xưa thì bên mình sang lại của người ta rồi đóng thuê thôi. Giờ nhà nước bán lại cho Sông Đà, nó thuê lại 50 năm, họ bỏ tiền ra họ xây rồi họ bán lại. Lô ở tầng dưới toàn tiền tỷ không à, tầng trên thì vài trăm triệu. Có người họ mới sang lô trong chợ mấy trăm triệu năm ngoái, họ thế chấp nhà cửa để sang kiếm sống nhưng mới một năm à, giờ mà vô chợ mới thì.. nghe nói tiền không nên người ta…”
Theo chị Huệ, việc đập bỏ đi chợ Đầm hiện tại là quá phí, bởi khu chợ này vẫn còn sử dụng rất tốt, chưa thấy bất kì dấu hiệu xuống cấp nào, hơn nữa, về mặt thẩm mỹ, đây là khu chợ đẹp, tạo được không gian mua bán hài hòa, mang đậm nét của một khu chợ du lịch. Ngay cả kiến trúc chợ và địa thế tọa lạc của nó, có thể nói rất khó để tìm đâu ra một không gian đẹp và sầm uất như hiện tại.
Nó xây chợ xong rồi nó dời vô hết rồi đóng lại từ đầu. Ngày xưa thì bên mình sang lại của người ta rồi đóng thuê thôi. Giờ nhà nước bán lại cho Sông Đà, nó thuê lại 50 năm, họ bỏ tiền ra họ xây rồi họ bán lại. Lô ở tầng dưới toàn tiền tỷ không à, tầng trên thì vài trăm triệu
Chị Huệ
Và chuyện đáng bàn hơn cả là giới tiểu thương buôn bán lâu năm ở đây đã quen với khu chợ này. Mà với người mua bán hay với bất kì người nào yêu công việc, coi trọng công việc đều rất coi trọng cảm giác công việc. Để thay đổi cảm giác chợ mà buôn bán ổn định, có lẽ phải tốn rất nhiều thời gian, đó là chưa muốn nói đến chi phí thu dọn hàng hóa, dời chợ. Mọi việc đang ổn định, tự dưng phải phát sinh rất nhiều khoản chi phí để rồi sau đó tìm cách ổn định trở lại là một chuyện hết sức mệt mỏi với bà con tiểu thương nơi đây.
Chợ mới được xây dựng phía sau gian hàng khô sặc
Chợ mới được xây dựng phía sau gian hàng khô sặc
Riêng về vấn đề chợ Đầm xuống cấp, đó là nói trên lý thuyết chứ chưa có bất kỳ văn bản giám định kiến trúc nào khẳng định chợ Đầm bị xuống cấp. Trong khi đó, với chỗ buôn bán hiện tại trong chợ, bà con tiểu thương chỉ trả một mức thuế vừa phải theo định kỳ hằng tháng bởi trước đó, bà con đã đóng khoản tiền mua chỗ với giá tương đương với ba lượng vàng để được ngồi bán trong chợ.
Hiện tại, khi xây dựng khu chợ mới, số tiền đóng mua chỗ ở chợ cũ hoàn toàn bị mất đi, bà con tiểu thương lại một lần nữa đóng tiền mua chỗ mới. Mức giá cũng không thấp chút nào, các sạp ở chợ mới dao động từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng, những lô mặt tiền có giá trên một tỉ đồng. Và để duy trì việc mua bán, không còn cách nào khác là phải đóng khoản tiền này. Nhà cầm quyền bắt buộc bà con tiểu thương phải đóng khoản tiền này với lý do đây là chi phí xây dựng chợ.
Điều này gây bức xúc và bất bình đối với hầu hết bà con tiểu thương. Bởi vì khi đóng khoản tiền môn bài trong chợ Đầm hiện tại, người ta đã nói miệng là giá trị sử dụng sạp bán hàng lâu dài, đến bao giờ chợ cháy hoặc chợ xuống cấp trầm trọng, buộc phải giải tán thì mới ngưng.
Nhưng hiện tại, chợ Đầm vẫn còn ổn định, vững chắc, nhà nước lại cho xây khu chợ mới rồi sau đó bán lô. Nếu tính từ khoản tiền bán lô, khu chợ mới sẽ tạo ra khoản lãi khá lớn cho nhà đầu tư. Trong khi đó, khu chợ cũ lại bị đập phá đi. Sự đập phá này chẳng khác nào xóa sạch dấu vết tài chính mà bà con tiểu thương đã đóng vào để được ngồi buôn bán ở đây.
Hơn nữa, chợ, nhà trường, bệnh viện là những công trình phúc lợi xã hội, nó phải do nhà nước xây dựng để phục vụ đời sống nhân dân chứ không phải xây dựng lện để lấy tiền từ túi nhân dân bỏ vào túi của một nhóm người nào đó cho đầy căng ra, phần khổ thì nhân dân tự gánh chịu. Chính vì suy nghĩ như vậy và quá bất bình trước việc làm có tính mờ ám, gây bất lợi cho nhân dân của ban quản lý chợ cũng như chính quyền địa phương mà bà con tiểu thương quyết đấu tranh đến cùng để giữ lại chợ Đầm hiện tại.
Một kiểu hốt hụi non
Chị Thủy, tiểu thương chợ Đầm, chuyên buôn bán các loại trái cây, búc xúc chia sẻ với chúng tôi: “Tiểu thương phản đối nhưng không qua nổi đâu vì dự đâp mà. Nó xây các sạp ở mặt tiền đều là cả tỷ, một tỷ mấy. Hai vợ chồng em đến buôn bán ở chợ này cũng mười mấy năm. Nhưng nghề khó khăn không có mua nổi, mấy người như em bỏ cuộc rồi. Đấu tranh mấy lần rồi nhưng giờ hết đấu tranh được rồi. Nói chung giờ không biết đến lúc đó thì làm sao mà sống nhưng giờ mình khó khăn quá, không mua được vựa để bán lớn hơn.”
Theo chị Thủy, cách làm của ban quản lý chợ cũng như nhà nước về vấn đề thay đổi chợ chẳng khác nào chơi trò hốt hụi non, sau đó làm bể hụi để chẳng ai còn nợ ai. Đây là thái độ không được nghiêm túc và cũng thiếu vắng sự tử tế, nếu không muốn nói là quá tráo trở và không sòng phẵng.
Nó xây các sạp ở mặt tiền đều là cả tỷ, một tỷ mấy. Hai vợ chồng em đến buôn bán ở chợ này cũng mười mấy năm. Nhưng nghề khó khăn không có mua nổi, mấy người như em bỏ cuộc rồi. Đấu tranh mấy lần rồi nhưng giờ hết đấu tranh được rồi
Chị Thủy
Bởi lẽ, nếu tử tế, sòng phẵng, người ta đã không đập bỏ khu chợ Đầm tròn hiện tại để khỏi tốn một khoản tiền xây dựng vô lý. Bởi tiền xây dựng chợ chắc chắn là tiền trích ra từ ngân sách nhà nước mà sâu xa một chút, đó là tiền thuế, tiền mồ hôi của nhân dân. Và nếu tử tế, người ta sẽ không bán chỗ ở chợ mới xây dựng mà phải thuyên chuyển chỗ mua bán cho bà con tiểu thương nhằm đảm bảo không làm tổn hại đến bà con và không làm bà con mất trắng khoản tiền đã đóng ở chợ cũ.
Nhưng ở đây, không có sự sòng phẵng, việc xây dựng chợ mới đã lộ rõ ý đồ dùng tiền ngân sách nhà nước giao cho nhà đầu tư xây dựng chợ để rồi sau đó bán lô, số tiền bán lô này sẽ đội lên nhiều lần so với số tiền đầu tư nhưng nó sẽ không bao giờ được công khai thông báo sẽ dùng làm gì, sẽ đi về đâu, Nếu có ai hỏi, người ta sẽ trả lời là nộp vào ngân sách nhưng không bao giờ có con số cụ thể.
Hiện tại, với cách làm việc như đang thấy, hệ quả chắc chắn phải xãy ra là số tiền cọc của bà con tiểu thương ở chợ cũ hoàn toàn bị mất đi. Và để tiếp tục duy trì việc mua bán, bà con lại phải tốn một khoản tiền khá lớn để mua chỗ mới. Điều làm bà con thắc mắc là hằng tháng, bà con vẫn đóng thuế môn bài để duy trì hoạt động chợ, sung vào công quĩ nhằm tái xây dựng những công trình phúc lợi xã hội. Vậy số tiền đặt cược trước đây đã đi về đâu và số tiền mua chỗ mới sẽ dùng làm gì?
Đó là những câu hỏi cần được trả lời rõ ràng, minh bạch trong lúc này của bà con tiểu thương chợ Đầm!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

No comments:

Post a Comment