Saturday, April 4, 2015

World Bank cho Hoàng Anh Gia Lai 'vay tiền mờ ám'

HÀ NỘI (NV) - Một số tổ chức Phi Chính Phủ (NGO) vừa lên tiếng chỉ trích IFC (International Finance Corporation) của Ngân Hàng Thế Giới (WB) cho Hoàng Anh Gia Lai - một tập đoàn của Việt Nam, vay những khoản mờ ám.


Hình do Global Witness công bố về hoạt động xâm hại nhân quyền và môi trường của Hoàng Anh Gia Lai tại tỉnh Ratanakkiri, Campuchia hồi năm 2013. (Hình: Global Witness)


WB thành lập IFC nhằm hỗ trợ tài chính để thực hiện những dự án nhằm chấm dứt sự nghèo khổ, cùng cực và hỗ trợ xây dựng sự thịnh vượng. Từ tháng 6 năm 2009 đến tháng 6 năm 2013, IFC đã cho vay 36 tỷ Mỹ kim, thông qua các cơ sở tài chính trung gian tại những quốc gia đang phát triển. Khoản tiền này tương đương 50% đầu tư trực tiếp của WB vào y tế và gấp ba lần các khoản cho vay nhằm phát triển giáo dục.

Tuy nhiên theo các NGO tham gia soạn thảo báo cáo có tên “Những nỗi đau của người khác,” trên thực tế, khi cho vay, IFC đã không thẩm định kỹ càng các dự án xin vay tiền, không đánh giá đúng các nguy cơ mà những dự án này gây ra, thậm chí không biết phần lớn các khoản cho vay sẽ vào tay ai.

Cũng vì vậy, IFC trở thành nơi cung cấp tiền cho nhiều dự án xâm hại nghiêm trọng nhân quyền, như: cưỡng bức di cư, tước đoạt đất đai của dân chúng trong phạm vi tác động của dự án, tước đoạt sinh kế, tạo ra xung đột dẫn đến chết người tại nhiều quốc gia như: Việt Nam, Campuchia, Lào, Honduras, Guatemala, Ấn Độ.

Các NGO thực hiện báo cáo “Nhũng nỗi đau của người khác” đã chọn tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai như một bằng chứng để minh họa cho tố cáo của họ. Tập đoàn tư nhân này của Việt Nam đã dùng Dragon Capital Group làm trung gian, vay của IFC 27 triệu Mỹ kim để thâu tóm đất đai của nông dân tại tỉnh Ratanakkiri, Campuchia và dự án của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã làm nguồn nước tại đó ô nhiễm nghiêm trọng.

Các NGO này yêu cầu WB “đầu tư ít hơn với chất lượng cao hơn, phù hợp với các tiêu chuẩn về xã hội và môi trường của mình.” Các NGO còn yêu cầu IFC công bố danh tính của các khách hàng và các dự án được thực hiện thông qua môi giới.

Cũng cần nhắc lại rằng, tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã từng bị các NGO tố cáo vài lần vì những dự án xâm hại nhân quyền, gây nhiều tác hại cho dân sinh và môi trường.

Hồi tháng 11 năm 2013, Global Witness từng phát lời kêu gọi Deutsche Bank và IFC nên rút vốn khỏi tập đoàn này, bởi Hoàng Anh Gia Lai đã không thực hiện những cam kết giải quyết các vi phạm về nhân quyền và môi trường, tại cả Campuchia lẫn Lào.

Sau khi tiến hành điều tra về các đồn điền của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và Tập đoàn Cao su Việt Nam tại Campuchia và Lào, hồi tháng 5 năm 2013,.Global Witness công bố báo cáo mang tên “Những ông trùm cao su,” tố cáo hai tập đoàn, một của tư nhân và một của chính quyền Việt Nam đã gây ra những thiệt hại đáng về môi trường (phá rừng) và xã hội (cướp đất của nông dân) ở Campuchia và Lào.

Sau đó, phía tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã đưa ra một số cam kết, hứa hẹn sẽ giải quyết những vấn đề đó trong vòng sáu tháng. Cụ thể là sẽ ngưng phá rừng. Gặp những nạn nhân bị cướp đất, thảo luận với họ về cách thức giải quyết những vấn đề mà tập đoàn này gây ra.

Tuy nhiên Global Witness nhận định, tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã không thực hiện cam kết. Trong thực tế việc phá rừng lấy gỗ vẫn tái diễn. Những nông dân bị cướp đất vẫn chật vật trong việc tự mưu sinh.

Global Witness cho biết, họ đã tiếp cận dân chúng của bảy ngôi làng bị ảnh hưởng bởi các dự án của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Dân chúng của ba trong bảy ngôi làng cho biết, đại diện của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai chưa đến gặp họ. Còn dân chúng của bốn trong bảy ngôi làng thì cho biết, đại diện của tập đoàn này có đến gặp họ nhưng từ chối thảo luận về đất và rừng.

Ngoài ra, theo dân chúng của sáu trong số bảy ngôi làng bị ảnh hưởng, tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai vẫn tiếp tục đốn cây lấy gỗ ở bên trong và quanh các đồn điền cao su của họ. Khi phân tích các ảnh vệ tinh chụp trong tháng 7 và tháng 8, Global Witness nhận thấy, diện tích rừng quanh các đồn điền cao su của Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục bị thu hẹp.

Đến tháng 9, tuy Hoàng Anh Gia Lai đồng ý kiểm toán độc lập về các đồn điền cao su của tập đoàn này nhưng ngay sau đó lại từ chối và chuyển qua thực hiện các hoạt động quảng bá. (G.Đ)
04-03- 2015 4:39:38 PM

No comments:

Post a Comment