Saturday, April 4, 2015

Thêm hai scandal về các dự án phát triển hạ tầng tại VN

HÀ NỘI (NV) - Ngân Hàng Thế Giới (WB) cấm công ty Louis Berger Group (LBG) tham gia vào các dự án dùng vốn của WB để thực hiện. Còn chính phủ Nam Hàn thì bắt đầu điều tra tập đoàn POSCO. 


Dự án Giao Thông Đô Thị Hà Nội đứng đầu danh sách đen của WB. (Hình: TBKTSG)

Công ty LBG của Hoa Kỳ và tập đoàn POSCO của Nam Hàn gặp rắc rối cùng vì dính líu đến các dự án hạ tầng tại Việt Nam.

Công ty LBG là nhà thầu đảm nhận vai trò tư vấn cho hai dự án có tên là “Giao thông nông thôn 3” và “Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên ở Đà Nẵng.” Hai dự án này sử dụng khoảng 500 triệu Mỹ kim của WB.

Theo WB, có dấu hiệu LBG đã hối lộ cho các viên chức Việt Nam nên LBG bị cấm tham gia vào các dự án dùng vốn của WB để thực hiện trong vòng một năm. WB còn chế tài cả tập đoàn mẹ của LBG là Berger Group Holdings (BGH). WB còn đặt định một số hạn chế đối với BGH khi tập đoàn này tranh thầu các dự án thực hiện bằng vốn của WB bởi BGH không giám sát hoạt động của LBG nên phải chịu trách nhiệm về các hành vi sai trái của LBG. WB cũng đã yêu cầu LBG tự điều tra về các sai phạm và báo cáo cho WB biết.

Cũng vào thời điểm này, tờ Korea Times loan báo, giới hữu trách Nam Hàn vừa khám xét tư gia của ông Chung Dong-hwa, cựu phó chủ tịch tập đoàn POSCO.

POSCO bị cáo buộc là đã thông đồng với một số đối tác ở Việt Nam để nâng chí phí thực hiện dự án xây dựng các đường cao tốc tại Việt Nam trong giai đoạn từ 2009 đến 2012. Khoản chênh lệch giữa thực chi và khai khống lên tới 10 tỷ Won (khoảng 200 tỷ đồng Việt Nam) được POSCO đưa vào quỹ đen.

Giống như trước đây, các viên chức Việt Nam có liên quan đến hai scandal vừa kể đề khẳng định, các dự án dính líu đến LBG và POSCO đều thực hiện đúng thủ tục và trình tự quy định, chưa thấy dấu hiệu nào cho thấy có sai phạm.

Tại Việt Nam, những vụ nhận hối lộ để giao các dự án thực hiện bằng vốn vay từ những tổ chức tài chính quốc tế và chính phủ một số quốc gia, cho các nhà thầu ngoại quốc, chỉ bị khởi tố, điều tra khi bị cắt hoặc bị dọa cắt viện trợ hay ngưng cho vay.

Đó cũng là lý do mà hồi trung tuần Tháng Giêng, ở hội nghị “Tăng cường quản trị thúc đẩy phát triển tại Việt Nam,” WB từng công bố, Việt Nam xếp thứ hai về các khiếu nại tham nhũng.

Trong 20 quốc gia có nhiều khiếu nại về tham nhũng nhất, Việt Nam chỉ thua Ấn Độ. Theo WB, đa số khiếu nại về tham nhũng tại Việt Nam mà họ nhận được liên quan đến các dự án giao thông và cấp nước, kế đó là các dự án nông nghiệp và năng lượng.

Lúc đó, ông Anders Hjorth Agerskov, đại diện của WB, cho biết thêm, khu vực Đông Á-Thái Bình Dương là nơi có tỉ lệ dự án bị khiếu nại về gian lận, tham nhũng cao thứ hai trên toàn cầu (dẫn đầu là Châu Phi) và Việt Nam được coi là “điểm nóng” tại khu vực Đông Á-Thái Bình Dương. Đáng lưu ý là ông Agerskov nhấn mạnh, có thể những con số mà WB công bố vẫn chưa phản ánh toàn bộ thực tế.

Các chuyên gia cho rằng, điểm yếu nhất khiến tham nhũng tại Việt Nam trở thành nghiêm trọng và nan giải là lề lối quản lý những dự án sử dụng vốn vay.

Trong ba thập niên vừa qua, Việt Nam nhận được các cam kết tài trợ trị giá khoảng 80 tỷ Mỹ kim. Phần lớn nguồn tiền khổng lồ này được phân bổ cho các dự án phát triển hạ tầng kinh tế như: phi trường, cảng biển, đường sá... Trên thực tế, những biểu hiện gian lận, tham nhũng tại các dự án đó đang khiến giới tài trợ lo ngại.

Tại hội nghị vừa kể, ông Trần Đức Lượng, phó tổng thanh tra chính phủ Việt Nam, thú nhận, việc phát hiện, xử lý hối lộ - tham nhũng chưa tương xứng vì các dự án sử dụng vốn ODA thường có quy mô lớn, phức tạp về kỹ thuật và được thực hiện trong một thời gian dài với sự tham gia của nhiều bên.

Một nguyên nhân quan trọng khác khiến các dự án sử dụng vốn vay thường phát sinh gian lận, hối lộ - tham nhũng là việc xem các khoản vay ODA như viện trợ không hoàn lại hoặc “đời mình chưa phải lo trả,” nên không chú trọng tới yêu cầu phải sử dụng khoản vốn đó sao cho có hiệu quả.

Viên phó tổng thanh tra chính phủ Việt Nam còn đề cập tới một nguyên nhân nữa là những nhân vật đứng đầu các bộ, ngành, địa phương lo ngại việc công bố, xử lý các sai phạm sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ ngoại giao và chính sách hợp tác phát triển với giới tài trợ, thành ra chuyện chống gian lận, hối lộ - tham nhũng ở các dự án sử dụng vốn ODA không đến đâu. (G.Đ)
04-03-2015 5:00:22 PM

No comments:

Post a Comment