Thursday, April 2, 2015

Viên chức VN bị cấm để doanh nghiệp 'bao' đi ngoại quốc

HÀ NỘI (NV) - Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội CSVN vừa gửi một văn bản, yêu cầu viên chức trong ngành này không được tham dự những chuyến đi ngoại quốc do các doanh nghiệp tổ chức và đài thọ.

Văn bản vừa kể còn yêu cầu các cơ quan trong ngành Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội hạn chế tối đa việc tổ chức các đoàn ra ngoại quốc “học tập, khảo sát, tham khảo kinh nghiệm,” kể các việc tổ chức các đoàn ra ngoại quốc “học tập, khảo sát, tham khảo kinh nghiệm” liên quan tới những dự án hỗ trợ kỹ thuật, ODA hoặc các dự án có sử dụng ngân sách.


Ðoàn quan chức tỉnh Cao Bằng đến Tứ Xuyên, Trung Quốc để “khảo sát” Trung tâm khai thác kỹ thuật, công nghệ Thành Ðô. Mỗi ngày, trung bình có 6 đoàn từ Việt Nam đi “khảo sát” như thế. (Hình: Báo Cao Bằng)

Tình trạng sử dụng công quỹ để tổ chức các đoàn ra ngoại quốc “học tập, khảo sát, tham khảo kinh nghiệm” từng được cảnh báo là một sự lãng phí nghiêm trọng.

Hồi cuối năm 2013, Bộ Ngoại Giao CSVN công bố một thống kê, theo đó, năm 2012, có 3,780 đoàn của nhiều ngành, cấp thuộc chính quyền Việt Nam đi “công tác ở ngoại quốc.” Trung bình, mỗi ngày có tới sáu đoàn ra nước ngoài công tác.

Tuy nhiên vào thời điểm đó còn một thống kê khác, tổng hợp từ báo cáo của các ngành và các tỉnh, thành phố cho biết, năm 2012, số đoàn đi công tác ở ngoại quốc lên tới 5,800, vượt xa số liệu do Bộ Ngoại Giao báo cáo.

Ðến năm 2013, theo ngành ngoại giao CSVN, tuy số lượng đoàn của các ngành, cấp của nhà cầm quyền đi “công tác ngoại quốc” đã giảm 30% nhưng vẫn còn tới 3,200 đoàn đi công tác ở ngoại quốc. Một số cá nhân từng đảm nhận vai trò hướng dẫn cho các đoàn viên chức Việt Nam đi “công tác ngoại quốc” tiết lộ, những chuyến “công tác ngoại quốc” của các đoàn ra ngoại quốc “học tập, khảo sát, tham khảo kinh nghiệm,” chủ yếu chỉ là “săn hàng giảm giá.”

Cũng vì vậy, công chúng Việt Nam đã chỉ trích kịch liệt chuyện viên chức các cấp, các ngành lũ lượt dắt díu nhau đi công tác ngoại quốc. Ðó cũng là lý do khiến Bộ Chính Trị của Ðảng CSVN phải ban hành một chỉ thị nhằm “tăng cường quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài,” thủ tướng Việt Nam thì ra một chỉ thị yêu cầu phải “thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” bằng cách giảm tối đa các chuyến “học tập, khảo sát, tham khảo kinh nghiệm” ở ngoại quốc.

Theo quy định, ngân sách chi toàn bộ chi phí cho viên chức chính quyền đi công tác ở ngoại quốc. Trong đó có tới 20 khoản, kể cả tiền tiêu vặt (từ 55 USD đến 80 USD/ngày). Nếu đi công tác Châu Âu khoảng một tuần thì chi phí cho một viên chức không dưới 2,000 Mỹ kim.

Tuy nhiên sau đó, các viên chức CSVN vẫn lũ lượt đi ngoại quốc bằng tiền của doanh nghiệp, thông qua các chuyến ra ngoại quốc do các doanh nghiệp tổ chức và đài thọ.

Một điểm khác đáng lưu ý không kém là không chỉ lũ lượt kéo nhau đi công tác nước ngoài, các ngành, các cấp của nhà cầm quyền CSVN còn lũ lượt kéo nhau đến “công tác” ở nhiều vùng, nhiều nơi trong nước.

Cuối năm 2013, ông Vương Bình Thạnh, chủ tịch tỉnh An Giang, than, chỉ riêng năm 2013, An Giang phải tiếp 70 đoàn công tác của các cơ quan trung ương từ đảng, chính phủ, tới các bộ, các ngành. Có đoàn vào công tác tới ba tuần hoặc hơn một tháng. Chi phí ăn ở đi lại không chỉ lãng phí ngân sách trung ương mà còn tốn kém cho chính sách địa phương.

Có một thực tế là dù liên tục đi tới, đi lui ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam để nghiên cứu nhưng hoạt động của hệ thống công quyền Việt Nam vẫn rất tồi.

Khi công bố “Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014,” Chủ tịch Quốc Hội tuyên bố, vốn mà các quốc gia khác đồng ý cho vay không thiếu nhưng việc soạn thảo các dự án quá chậm, quá kém, tính khả thi không cao nên phía cho vay không đưa tiền.

Giai đoạn từ 2006-2010, nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đã đồng ý cho Việt Nam vay 31.7 tỷ Mỹ kim nhưng cuối cùng chỉ giải ngân được 13.8 tỷ. Còn giai đoạn từ 2011-2013, vốn ODA theo cam kết cho vay là 20.8 tỷ Mỹ kim nhưng chỉ giải ngân được 11.7 tỷ. (G.Ð)

04-02-2015 5:48:32 PM

No comments:

Post a Comment