Thursday, April 2, 2015

Bất chấp lời hứa của thủ tướng, phong trào đình công lan rộng sang ngày thứ 8 liên tiếp


Cảnh sát cơ động giàn trận trong lúc công nhân khu công nghiệp Tân Hưng (Tiền Giang) bỏ ra về. Ảnh: Facebook Nguyễn Thiện Nhân
Bạn đọc Danlambao - Các cuộc đình công phản đối điều luật quái đản cho phép nhà nước tự ý ‘giữ hộ’ tiền công nhân đến năm 60 tuổi đã bước sang ngày thứ 8 liên tiếp. Bất chấp thông báo sẽ sửa luật bảo hiểm xã hội của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, làn sóng đình công từ Sài Gòn tiếp tục lan tỏa đến các tỉnh lân cận như Long An, Tiền Giang, Tây Ninh… 

Theo facebook Nguyễn Thiện Nhân, ngày 2/4/2015, toàn bộ khu công nghiệp Tân Hưng (Tiền Giang) – nơi có gần 50 ngàn công nhân đã đồng loạt bỏ ra về và không làm việc.

“Công nhân bỏ về hết, vắng tanh, chỉ còn loe hoe vài nhân viên văn phòng bị ép ở lại. Các công ty lớn như Dụ Đức, Simone, On accessories, Freeview, Hansae, Quảng Việt... công nhân đều bỏ về”, facebook Nguyễn Thiện Nhân cho biết.

Cuộc đấu tranh phản đối luật bảo hiểm xã hội cũng đã bắt đầu diễn ra tại Long An, Tây Ninh…, điều này cho thấy những lời hứa hão của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nhà cầm quyền CSVN đã không còn được ai tin tưởng.

Tại công ty Pou Yuen (Sài Gòn) – nơi đã khởi phát phong trào đình công từ hôm 26/3, truyền thông nhà nước nói rằng vào sáng ngày 2/4, hầu hết các công nhân đã quay trở lại làm việc sau khi nghe loa thông báo về lời hứa của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Dù vậy, lúc trưa cùng ngày, facebook Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Hơn phân nửa số công nhân Công ty Pou Yuen chưa chịu làm việc. Hàng trăm công an với nhiều xe đặc chủng vẫn vây quanh công ty, sẵn sàng bắt người”.


Công nhân Công ty On accessories đồng loạt đình công, bỏ ra về để phản đối luật bảo hiểm xã hội mới. Ảnh: Facebook Nguyễn Thiện Nhân

Trước đó, hàng ngàn côn an đã được huy động đến công ty Pou Yuen để đàn áp, bắt bớ những công nhân biểu tình ôn hòa hôm 1/4. Phóng viên Lao Động Việt có mặt tại hiện trường cho biết một số công nhân đã bị bắt và đánh đập, khiến nhiều người phẫn nộ xông đến giải vây.

Để đối phó với các cuộc đình công, bộ LĐTBXH còn ban hành công điện khẩn ra lệnh “xử lý cá nhân lợi dụng tình hình kích động, lôi kéo người lao động ngừng việc, đình công”.

Trong khi đó, ông Đặng Ngọc Tùng – chủ tịch tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không hề đứng về phía công nhận, mà thậm chí còn ngang ngược yêu cầu công nhân “không để kẻ xấu lợi dụng, kích động, xúi dục làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp và tình hình an ninh trật tự tại địa phương’'.

Bộ máy CA với quân số khổng lồ cũng đã được lệnh trực chiến tại những nơi có đông công nhân tập trung.

Hiện không rõ tình trạng của những công nhân bị CA bắt bớ trong những ngày đình công vừa qua.


No comments:

Post a Comment