Wednesday, April 1, 2015

Triệu người vui của Ngày 30 Tháng Tư

Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - Ông Thủ tướng Võ Văn Kiệt "bên thắng cuộc" trước đây công khai thú nhận, "Ngày 30 Tháng Tư có triệu người vui, có triệu người buồn". Là "bên thua cuộc", Chổi tôi đương nhiên nằm trong số "triệu người buồn" và suốt 39 năm qua, mùa Tháng Tư Đen như mõm chó mực nào cũng chỉ nghĩ tới cảnh tối thui; chỉ biết tui đây buồn mà quên phéng mất phía người vui.

Nay nghĩ lại, thấy mình "sống, học tập và lao động theo gương bác Hồ" như vậy là chưa đạt yêu cầu "mình vì mọi người", nên mùa "mõm chó mực" lần thứ 40 này, Chổi tôi hạ quyết tâm phấn đấu "em không buồn nữa chị ơi"; không thèm nhắc đến mặt tiêu cực tức "hậu quả nghiêm trọng" của biến cố phỏng hai hòn của người Miền Nam nữa, mà chỉ nhớ lại mặt tích cực tức những cái được của người anh em ngoài ấy mà bọn phản Kách mạng hay hát hát hay trên đài địt là "...Miền Bắc vô đây, bàn tay "lấy của" anh em". (1)

"Triệu người vui", ôi vui quá là vui, Chổi tôi không biết bắt đầu từ đâu cho đúng quy trình xả lũ. Thôi, tự cho phép khua đại. Bắt đầu từ khi đàn bò vào thành phố, ấy quên, đoàn giải phóng quân vào thành phố để "tiếp quản vùng địch tạm chiếm" lâu naỵ. Họ đứng đầy trên xe Molotova, anh nào cũng mang kính mát đen sì mà người ta quả quyết đó là chiến lợi phẩm vớ được trên đường bác cùng chúng cháu hành quân ào ào như thác đố qua các thị trấn cư dân đã bỏ của chạy lấy người. Chú bộ đội giải phóng nào cũng ngước mặt lên cao nhìn cảnh nhà lầu, thấy ăng ten TV dựng đầy, chê địch đâu cũng đặt sở chỉ huy thế này mà bỏ chạy cả. Rồi nhìn đâu cũng thấy đủ màu sắc rực rỡ, từ bảng hiệu cho đến xe cộ, quần áo; không đồng bộ một màu xám xịt như ngoài ấy là vùng được giải phóng từ 1954 đã xây xựng CNXH được 20 năm, ngoại trừ màu đỏ của cờ, và màu ngũ sắc của mấy chéo vải cắm trước cổng cơ quan trong những ngày lễ lớn của nước VNDCCH. 

Đó là ngày thứ nhất, Kách Mạng thấy thế là yên, nên sang ngày kế tiếp là xả láng vui. Chạy xe giữa đường phố, muốn dừng đâu thì dừng, đậu đâu thì đậu. Chắn là vì vui quá sướng quá mà họ quên tấp vào lề đường, chứ chẳng lẽ ngoài ấy cũng vô luật vô tắc như vậy. 

Rồi chẳng mấy hôm đã sáng mắt sáng lòng. Giấc mộng "Đại đồng" bác (Hồ) đòi "dẫn năm châu đến" đã tan tành mây khói, nhưng ước mơ "Đài, Đồng, Đạp..." của cháu nay thành hiện thực nhờ chút cặn bã tư bản Mỹ Ngụy để lại sau Đại thắng Mùa Xuân. Sài Gòn dưới thời Mỹ Ngụy kìm kẹp chưa bao giờ có cảnh chợ như Thành Phố Hồ Chí Minh quang vinh nhộn nhịp tấp nập "khách lạ" chạy bát nháo đi mua sắm radio, xe đạp, đồng hồ cũ...

Đó là vài nét chấm phá cảnh vui của triệu người vui ngoài đường. Còn kiểu vui của triệu người vui trong tiệm ăn quán uống thì "nổ" còn hơn pháo Tết khiến "bọn" xì dầu, tương ớt xưa nay vốn vô tư cũng phải phụt nắp ló ra nghe chuyện ngoài ấy TV chạy đầy đường, Cà rem ăn hết phải phơi khô... hay để nhìn cho được loại cà phê "cái nồi ngồi trên cái tách"... Người ta vui quá đến nỗi đang mặc quân phục với đầu nón cối vai quân hàm, chân mang cả dép râu nhảy cái tót lên ghế ngồi chò hỏ.

Đó là nơi công cộng. Ở chỗ riêng tư, có ông bác sĩ Bộ đội tìm đến nhà ông cậu "bắc kỳ ri cư" 54 ở Phú Nhuận chỉ vài ba ngày sau "Đại thắng..." giữa lúc gia đình chủ nhà đang "chịu tang" Phỏng (hai hòn): người con đang "rát" quá nằm khóc, nhưng "thấy người đói khổ thì thương", hơn nữa dầu nó có làm giặc thì cũng là cháu mình, nên thấy người khố rách áo ôm "từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay" lại càng thương hơn, nên cho anh chút quà có sẵn trong nhà. Ông bác sĩ Bội Đội mừng vui lắm; trước khi ra về, ông nói nhỏ như sợ người nào khác nào đó nghe được: "vào đây mới thấy ngoài ấy quá khổ".

Ai mà chẳng vui khi, thay vì phải bỏ của mình ra để cứu khổ Miền Nam vừa được giải phóng, Miền Bắc ta lại được lấy về đủ thứ và rất nhiều của họ. Nó ngược ngạo cái tinh thần của hai chữ Giải Phóng cao đẹp như vậy khiến người ta nói lái Giải Phóng thành Phỏng hai hòn cũng có cái lý của nó, xét theo lẽ công bằng và trung thực, như bác Hồ đã dạy, "Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi". 

Phải, nhờ giải phóng Miền Nam, mà Miền Bắc đỡ khổ, nên mấy chục triệu người ngoài ấy không vui sao được. Nhưng tình hình xây dựng CHXN trong 39 năm qua cho thấy... nếu còn sống đến bây giờ, chắc "nhà Kách Mạng lão thành" Võ Văn Kiệt "cập nhật" lại câu nói của ông 40 năm trước, thành:

Ngày 30 Tháng Tư hôm nay chỉ có ba triệu đảng viên CS còn ngoan cố là vui.


No comments:

Post a Comment