Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng
Hoài Hương-VOA
01.04.2015
Việt Nam sẽ nhận 1 tỉ đôla tiền viện trợ phát triển ODA để tài trợ cho 7 dự án về năng lượng, cơ sở hạ tầng, giáo dục và môi trường.
Tờ Tuổi Trẻ hôm nay tường thuật rằng văn kiện ngoại giao về khoản viện trợ này đã được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Bùi Quang Vinh và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Hiroshi Fukada ký tại Hà nội hôm thứ Ba.
Khoản tiền viện trợ chính thức dành riêng cho năm tài chánh 2014 –bắt đầu từ ngày 1 tháng Tư năm ngoái tới ngày 31 tháng Ba năm nay, nay đã sẵn sàng để được giải ngân trong năm 2015, theo điều kiện của thoả thuận đã được hai bên ký kết.
Vốn ODA mới cấp là nhằm giúp Việt Nam thực hiện 7 dự án, trong đó có dự án xây nhà máy điện Thái Bình 1- có kinh phí lên tới 9,87 tỉ yen –tương đương với 82,5 triệu đôla, và một mạng lưới phân phối điện tốn kém 249 triệu đôla.
Một phần lớn ngân khoản (14,91 tỉ yen và 1,06 tỉ ye) sẽ được dành riêng cho hai hệ thống cung cấp điện cho tỉnh Đồng Nai ở miền Nam, và thành phố Hạ Long ở miền Bắc.
Các dự án khác gồm có xây đường cao tốc Bắc Nam – đoạn nối liền Bến Lức ở Long An với Long Thành, một dự án để nâng cấp khả năng ứng phó với Biến đổi Khí hậu, và dự án cải thiện khả năng đào tạo và nghiên cứu khoa học tại trường Đại học Cần Thơ.
Nhật Bản đã cung cấp vốn ODA cho Việt Nam trong 20 năm qua, tờ Tuổi Trẻ trích lời Đại sứ Nhật tại Việt Nam Hiroshi Fukada nói rằng ngân khoản mới nhất chứng tỏ sự hỗ trợ của Nhật Bản không chỉ dành riêng cho các dự án xây dựng cơ cấu hạ tầng để phát triển hệ thống giao thông, mà còn dành cho các lĩnh vực khác chẳng hạn như giáo dục.
Trang mạng VNA tường thuật rằng trong lễ ký kết hôm 31 tháng Ba, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh bày tỏ sự cảm kích của Việt Nam đối với sự giúp đỡ của chính phủ Nhật Bản trong hai thập niên qua, và hy vọng rằng Nhật Bản sẽ tiếp tục giúp Việt Nam trong tương lai.
Nguồn tin của chính phủ Việt Nam cho hay từ năm 1992, chính phủ Nhật Bản đã cung cấp tổng cộng 2,5 nghìn tỉ yen, tương đương với 20,9 tỉ đôla tiền ODA cho Việt Nam.
Tờ The Wall St. Journal hôm 30 tháng Ba nói rằng trong mấy năm gần đây, Việt Nam là nước nhận nhiều vốn ODA của Nhật Bản nhất, và điều đó phản ánh những kỳ vọng rất cao mà Nhật Bản đặt vào Việt Nam, trong tư cách là một thị trường, một trung tâm sản xuất, và một nước đối trọng với Trung Quốc.
Tờ báo lưu ý rằng chính phủ của Thủ Tướng Shinzo Abe còn nâng sự trợ giúp dành cho Việt Nam lên một tầm cao mới, bằng cách đồng ý cung cấp các tàu tuần tiễu cho lực lượng tuần duyên Việt Nam hồi năm ngoái. Tuy nhiên làm việc với chính phủ cộng sản Việt Nam, Nhật Bản phải đối đầu với những thách thức đầy khó khăn có liên quan tới môi trường doanh thương, vị thế tài chính yếu kém và một bộ máy hành chính cồng kềnh.
Trả lời câu hỏi của phóng viên WSJ vì lý do gì Nhật Bản giúp Việt Nam nhiều như vậy, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Hiroshi Fukada trả lời: “Việt Nam đã trở thành một nước quan trọng hơn đối với Nhật Bản, xét tình hình an ninh tại Biển Hoa Đông và Biển Đông.” Ông Fukuda nói Việt Nam và Nhật Bản chia sẻ chung những quyền lợi và cả hai bên hiểu rằng hai nước cần hợp tác để duy trì hoà bình và ổn định trong khu vực, đặc biệt là an ninh biển.
Theo Đại sứ Nhật Bản, nhược điểm lớn nhất của Việt Nam là lĩnh vực công nghiệp cơ bản. Ông nêu ví dụ trong công nghiệp sản xuất xe hơi, công ty Toyota sản xuất hơn 30,000 chiếc tại Việt Nam, nhưng đa số các linh kiện đều phải nhập khẩu từ Thái Lan. Thị trường nội địa chỉ có thể cung cấp ít hơn 5% mà thôi.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Ban Việt ngữ-VOA hôm qua, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, một chuyên gia về Chính trị và Bang giao Quốc tế thuôc Viện Đại học George Mason, nói về những nhược điểm của Việt Nam như sau:
“Việt Nam thì tôi thấy yếu nhất là về kinh tế nó không được bền vững, nói là phát triển nhưng mà những cái SOEs, là công ty nhà nước, tự bản chất của nó, là nó thua lỗ, nó là ổ để tham nhũng thì không cải tổ cái đó thì kinh tế nó không thể nào phát triển được. Thứ hai là phải có đầu tư tư nhân, đầu tư lâu dài như vậy thì nó đòi hỏi một khung cảnh pháp lý nào đó, một môi trường chính trị thoải mái. Nhưng quan trọng nhất, theo tôi, là phải có thống nhất chỉ huy. Việt Nam hiện nay thì tôi không thấy có cái thống nhất chỉ huy đó, không có quân trị quân nhậm.”
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng những đấu đá tranh giành quyền lực trong giới lãnh đạo cấp cao Việt Nam cũng có ảnh hưởng tới sự phát triển của Việt Nam. Trả lời câu hỏi của Ban Việt Ngữ VOA liệu ông có nghĩ những sự giằng co ở các cấp cao nhất đã ảnh hưởng tới chính sách kinh tế và chính sách đối ngoại của Việt Nam? Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói:
“Đúng! Cái chính sách quyết định căn cứ vào sự đồng thuận thì sự đồng thuận đó chỉ dựa trên mẫu số chung nhỏ nhất mà thôi, thì chính sách ngoại giao không đạt được đột phá cần thiết.”
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam nói điều cần thiết là Việt Nam phải phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có như thế mới có thể phát triển các công nghiệp ở trong nước. Ông Fukuda nói có khả năng các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản sẽ sang Việt Nam để giúp các công ty Việt Nam.
Hãng thông tấn Reuters hôm nay trích lời Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nói rằng Việt Nam cần đẩy mạnh tiến trình tư hữu hoá các công ty quốc doanh để cải thiện thành tích và môi trường kinh doanh của Việt Nam.
No comments:
Post a Comment