Wednesday, April 1, 2015

Ðình công của công nhân Sài Gòn có thể lan rộng

04-01- 2015 6:10:17 PM
Việt Hùng/ Người Việt
(Tường trình từ Sài Gòn)

SÀI GÒN (NV) - Hôm mồng 1 tháng 4 năm 2015, nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn đã tăng cường hơn 500 công an, an ninh, dân phòng, chiếm giữ khu vực trước công ty Pou Yuen, ngã tư cầu vượt Quốc Lộ 1-Tỉnh lộ 10, phường Tân Tạo, Quận Bình Tân và ngăn chặn không cho các công nhân kéo đi biểu tình.

 
Công nhân tụ tập trên quốc lộ 1A, tiếp tục cuộc đình công. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)

Các xe tải đi trên quốc lộ 1 hướng về phía công ty Pou Yuen đều bị ngăn chặn, làm tắc nghẽn giao thông trên toàn khu vực xung quanh phường Tân Tạo, Bình Tân.

Cuộc đình công này đã sang ngày thứ 8, và có nhiều dấu hiệu sẽ trở thành cuộc biểu tình qui mô lớn, khi các công nhân của các khu công nghiệp khác như Tân Tạo-Tân Bình, Vĩnh Lộc-Hóc Môn, Ðức Hòa-Long An, Amata-Ðồng Nai,... đều đồng tình hưởng ứng đình công.

Hôm 31 tháng 3 năm 2015, thứ trưởng Bộ Lao Ðộng, ông Doãn Mậu Diệp, đã đến trò chuyện với các công nhân và hứa với công nhân là sẽ kiến nghị cho người lao động có hai cách lựa chọn, nhận trợ cấp một lần hoặc có thể tích lũy. Tuy nhiên, công nhân sớm hiểu ra đây cũng chỉ là “sẽ kiến nghị” chứ không có cam kết rõ ràng.

Hôm 1 tháng 4, loa phóng thanh của công ty Pou Yuen liên tục phát “Lời kêu gọi” của ông Ðặng Ngọc Tùng, chủ tịch Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam, kêu gọi công nhân yên tâm trở lại làm việc.

Trong đó có đoạn: “Sau năm 2015, kiến nghị Quốc Hội sửa việc chi trả trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần theo hướng để người lao động tự chọn hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần như cũ hoặc thực hiện theo Luật Bảo Hiểm Xã Hội năm 2014.”


Rất đông công an chiếm ngã tư dưới chân cầu vượt Quốc lộ 1-Tỉnh lộ 10, không cho công nhân đến đây biểu tình. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)

Ðặc biệt hơn, là đoạn: “Không để cho kẻ xấu lợi dụng, kích động, xúi giục làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp và tình hình an ninh trật tự tại địa phương.”

Thế nhưng bất chấp những lời kêu gọi sáo rỗng kia, các công nhân vẫn tiếp tục đình công và kéo nhau đi biểu tình, nhưng vấp phải sự ngăn chặn của công an.

Một công nhân tên Nguyễn Văn Hóa cho biết: “Hôm qua có ông thứ trưởng đến để trấn an chúng tôi, bảo chúng tôi không nên nghe các thành phần xấu xúi giục đi biểu tình. Nhưng rõ ràng là không ai xúi chúng tôi cả. Chúng tôi chỉ muốn đấu tranh vì quyền lợi của mình mà thôi.”

Anh Hóa cho biết thêm: “Lẽ ra chính quyền phải tạo điều kiện thuận lợi để cho chúng tôi làm ăn sinh sống, đằng này chúng tôi bi o ép đủ thứ. Giới chủ thì bắt tăng ca, chính quyền thì không chịu trả tiền bảo hiểm xã hội. Ðời công nhân chúng tôi đã quá khổ rồi. Chúng tôi không còn gì để mất, hay sợ sệt gì nữa. Chúng tôi phải nói lên tiếng nói của mình.”

Chị Trần Thị Thu Hương (công nhân khu A) cho biết: “Ðiều luật BHXH mới qui định đến 55 tuổi mới cho lãnh. Nếu thân chủ đã mất thì con cái được lãnh, với điều kiện con phải dưới 18 tuổi. Giả sử như tôi năm nay 27 tuổi, con tôi cũng đã 8 tuổi, năm tôi 55 tuổi thì con tôi cũng đã 36 tuổi rồi, ai cho nó lãnh tiền BHXH của tôi?”


Công an có mặt khắp nơi và sẵn sàng đàn áp. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)

Còn công nhân Trần Anh Tùng phẫn nộ: “Rõ ràng qui định mới này là hành động ăn cướp của chính quyền. Ðầu tiên là giam giữ tiền của chúng tôi một cách lâu dài. Sau đó là gì nữa thì chưa biết?”

Anh cho biết thêm: “Với tình trạng lạm phát tăng cao như hiện nay. Ðến lúc tôi 60 tuổi chắc số tiền BHXH của tôi không đủ để mua được gói mì tôm.”

*Ngân khố quốc gia cạn kiệt

Với hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay, để thay đổi một điều luật, bộ luật thì phải do Quốc Hội thông qua. Các công nhân hiểu được điều này, nên hầu hết đều không đồng tình với lời hứa “sẽ kiến nghị” của chính quyền.

Trên trang facebook của Luật Sư Lê Công Ðịnh, trích lại bài báo nói về “Nguy cơ vỡ bảo hiểm xã hội sớm” đăng trên báo Người Lao Ðộng ngày 25 tháng 5 năm 2014 với lời bình luận:

“Ðây chính là một trong các nguyên nhân sửa đổi Luật Bảo Hiểm Xã Hội, khiến gây bất bình rộng khắp. Ngoài ra, còn một nguyên nhân quan trọng hơn, đó là ngân khố quốc gia đã cạn kiệt nên đành phải chiếm dụng vốn của người lao động cả nước trong nhiều năm.”

Các báo trong nước đều không đưa tin về vụ biểu tình của công nhân. Hoặc có đưa, nhưng chỉ đưa theo hướng có lợi cho chính quyền. Như hôm 31 tháng 1 năm 2015, báo điện tử VNExpress đã chạy dòng tin “Ðối thoại với thứ trưởng, công nhân hứa quay lại làm việc.” Tuy nhiên thực tế ngày 1 tháng 4, các công nhân vẫn tiếp tục đình công.

Tuy nhiên, chúng tôi ghi nhận tại hiện trường ngày 1 tháng 4, hơn 500 công an, cảnh sát đã được huy động để chiếm giữ những khu vực mà mấy ngày trước các công nhân làm nơi biểu tình. Bởi vậy cuộc biểu tình không thể diễn ra.

Khoảng 12 giờ trưa, vì trời nắng nóng, các công nhân đã ra về và hẹn nhau ngày mai, 2 tháng 4 năm 2015, biểu tình.

“Chúng tôi sẽ không từ bỏ ý định biểu tình và đình công, khi quyền lợi của chúng tôi bị xâm hại một cách trắng trợn,” công nhân Ðào Văn Thắm tuyên bố như vậy.

1 comment:

  1. Đời công nhân đã quá khỗ rồi ,họ còn muốn gì nửa đây?

    ReplyDelete