Sunday, March 22, 2015

Vì sao người dân sợ công an đến vậy

Tin Đa Chiều - 4:20 PM - 20/03/2015
Ở Việt Nam lực lượng công an có nhiệm vụ bảo vệ cuộc sống của người dân, nhưng thực tế người dân lại rất sợ công an, nhiều người mỗi khi gặp công an là có cảm giác bất an dù chẳng có lỗi gì. Vậy vì sao người dân lại sợ công an đến vậy.
cong an
Một điều nhiều người nhận thấy là ngày càng có nhiều vụ công an lộng hành đánh dân đến chết, các vụ án này hàng ngày đều có mặt trên các mặt báo. Người bị đánh thì kinh hoàng, người chứng kiến thì sợ hãi, người xem tin tức thì tự nhủ mình cần cẩn thận khi gặp phải công an.
Thử điểm qua một số sự việc công an hành hung dân trên các mặt báo:
Con trai GĐ công an đánh dân, người dân sợ hãi không dám nói
Sự việc diễn ra vào ngày 25/2 ở Cà Mau, Nguyễn Văn Kiệt con trai Đại tá Nguyễn Văn Tươi là Giám đốc CA Tỉnh Cà Mau, chạy xe máy chở theo một bạn nữ, khi chạy tới gần Trường PTTH Võ Thị Sáu ở đường 3/2 thì va chạm xe với một đôi nam nữ khác, đôi bên xảy ra cãi nhau.
Kiệt gọi thêm đám bạn đến tấn công đôi nam nữ này, bị tấn công đôi nam nữ vứt cả xe bỏ chạy, nhưng người nữ chậm chân hơn nên bị nhóm của Kiệt đuổi kịp và đánh tới tấp. Bất bình khi thấy cô gái sức yếu lại bị đám thanh niên đánh, hai người dân gần đấy đến can ngăn, lập tức bị nhóm của Kiệt đánh trọng thương phải nhập viện, những người khác chứng kiến chỉ im lặng không dám lên tiếng vì sợ rước họa vào thân.
Sau khi sự việc xảy ra phóng viên đến tìm hiểu vụ việc thì người dân nơi đây sợ hãi nói: “Chúng tôi muốn được yên thân, không biết gì đâu, nói ra nói vào phiền phức lắm. Với trường hợp này, im lặng là cách tốt nhất”, “dân lao động như tụi tui biết gì, sợ lắm?!”
Công an bắt người rồi thông báo đã chết vì tự tử
Tháng 8/2014 CA TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh bắt giữ Nguyễn Văn Sửu vì tình nghi trong một vụ án khác. Thế nhưng sau đó anh Sửu đã chết và CA thông báo là chết do treo cổ tự tử.
Tuy nhiên gia nạn nhân không đồng ý với cách giải thích của công an, bởi vì không thể treo cổ trên khung cửa sổ cao chưa tới đầu người được.
Hàng trăm người đã khiêng quan tài đến trước trụ sở UBND phường Bình Ngọc, TP Móng Cái yêu cầu được gặp những người có trách nhiệm giải quyết vụ việc, làm rõ cái chết của nạn nhân, nhưng không giải quyết được gì.
Việc công an đánh chết người rồi thông báo nạn nhân tự tử xảy ra nhiều ở Việt Nam, cũng gây ra tranh cãi trong nhiều năm qua, nhưng cho tới nay chưa có vụ việc nào được giải quyết. Và nhiều người dân cứ thấy bóng dáng công an là có cảm giác bất an trong người.
Công an đánh chết dân, luật sư gặp áp lực
Một vụ án gây chấn động dư luận khác ở Phú Yên là vụ án 5 công an dùng dùi cui đánh chết anh Ngô Thanh Kiều. Luật sư Võ An Đôn đứng ra bào chữa cho gia đình nạn nhân đã phát biểu với Báo Dân Trí rằng: “Tôi quá xót xa, đau lòng trước cảnh hai đứa trẻ mồ côi, trong đó cháu bé sinh ra mà chưa bao giờ được nhìn thấy mặt cha, trong khi gia đình lại quá nghèo. Hơn nữa, tôi rất bức xúc trước hiện tượng có nhiều nghi can, bị can chết bất thường tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ
Tôi bị rất nhiều áp lực. Trước hết là áp lực từ những người thân trong gia đình, bạn bè, kể cả đồng nghiệp nói rằng không nên làm vụ này vì công việc rất khó khăn, vì đụng đến lực lượng công an, tính mạng cũng nguy hiểm. Tuy nhiên, tôi không lo sợ những điều đó vì động lực lớn nhất của tôi là bảo vệ công lý”.
Đánh người chấn thương còn thách thức
Nhiều người dân TP Huế vẫn chưa quên sự việc 2 công an đánh một em học sinh tên Tây vào tháng 2 năm ngoái.
Bà Nguyễn Thị Vân, sống ở đường Điện Biên Phủ, là người chứng kiến vụ việc, thuật lại với PV Báo Petrotimes“Tôi là người chứng kiến từ đầu đến cuối, sau khi ép xe vào lề đường trước nhà tôi, 2 công an đã đánh mạnh vào đầu của em học sinh tên Tây khiến em gục ngay tại chỗ. Cú đánh mạnh lắm tôi nghe rất rõ nó làm cái bụp, gãy dùi cui luôn mà.
Chưa dừng lại ở đó, 2 ông  này còn bắt đưa người bị đánh về Công an phường Trường An, nhưng người dân chúng tôi không cho đi, cuối cùng họ phải gọi Công an TP Huế về hiện trường xử lý vụ việc”.
Bà Vân thuật lại: Sau khi đánh, Thượng úy Phan Lê Phú còn thách thức người dân, lấy tay chỉ vào túi áo có đeo bảng tên nói: Gọi nhà báo đi, Phú đây, Phú đây.
Trung tá công an đánh chết người
Chiều ngày 28/2/2011 ông Trịnh Xuân Tùng đi xe ôm ra bến xe Bát Giáp, đến nơi ông bỏ mũ bảo hiểm ra để gọi điện thoại, thì bị lực lượng Công an phường Thịnh Liệt lập biên bản xử phạt vì không đội mũ bảo hiểm. Không đồng ý với quyết định của công an, ông Tùng đã có lời giải thích với công an, đáp lại ông bị trung tá công an Nguyễn Văn Ninh dùng dùi cui đánh vào gáy.
Sau đó ông Ninh cùng một nhóm dân phòng khác cũng xông vào đánh ông Tùng túi bụi, rồi còng tay đưa về trụ sở CA Phường. Đến tối ông mới được CA đưa đến bệnh viện Việt Đức trong tình trạng trật hai đốt sống cổ dẫn đến liệt tứ chi, liệt cơ hô hấp , sau 6 ngày điều trị ông đã tử vong.
Khi công an trở thành “anh hùng núp”
Có lẽ không đâu trên thế giới như ở Việt Nam, công an giao thông không đứng ra ngoài để giữ trật tự giao thông, mà phải núp vào bóng tối hay góc khuất để rình bắt người vi phạm luật giao thông. Đến khi bắt được rồi thì cũng chỉ muốn được tiền rồi lại cho đi.
Bản thân người viết cũng từng bị CA giao thông ở SG giữ vì vi phạm luật giao thông , lúc đó người viết muốn công an viết biên bản để nộp phạt, thế nhưng công an chỉ muốn nộp phạt luôn chứ không có biên bản, nhưng vì người viết muốn phải có biên bản, nên công anh phải viết biên bản với thái độ lộ rõ là rất khó chịu.
Bốn từ “công an nhân dân” với ý nghĩa rằng công an là của dân và để phục vụ nhân dân Nhưng giờ đây bốn từ này cần được hiểu ngược lại, khi mà lực lượng công an sống nhờ tiền thuế của người dân đóng góp nhưng hoàn toàn không phục vụ nhân dân, và người dân ngày càng áp cảm và bất an mỗi khi gặp công an.
Ánh Sáng

No comments:

Post a Comment