Theo BBC-1 giờ trước
Theo kế hoach, một số nơi ở Việt Nam dự kiến đánh dấu 40 năm sự kiện 30/4 với bắn pháo hoa, duyệt binh v.v...
Hà Nội không nên tổ chức đánh dấu sự kiện 30/4 với quy mô quá tốn kém và nên quan tâm tới tâm lý muốn 'hòa giải' dân tộc của người dân, theo ý kiến của giới quan sát trong lúc ba miền ở Việt Nam đang rục rịch hay đã và đang chuẩn bị đánh dấu sự kiện thống nhất đất nước tròn 40 năm.
Trao đổi với BBC Việt ngữ hôm Chủ Nhật, nhân Tọa đàm Cuối tuần xem xét hành động chính sách của giới lãnh đạo Hà Nội gần đây và khả năng các kế hoạch tới đây, ngay sau khi xảy ra các sự kiện gây tranh cãi ở thủ đô từ vụ 'phá rối tưởng niệm Gạc Ma' hôm 14/3 ở Hồ Gươm, tới chiến dịch chặt hạ 6.700 cây xanh mới nhất, kỹ sư Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động xã hội, nói:
"Chúng ta cần phải thay đổi cách kỷ niệm 30/4 hàng năm đi và phải hướng tới sự hòa giải ở trong quốc gia của mình.
"Bởi vì nỗi đau của chiến tranh, nếu những người có quan tâm đến hoạt động ở trên mạng xã hội, người ta rất hiểu là bây giờ còn một bộ phận rất lớn những đồng bào của chúng ta đã phải xa Tổ quốc từ sau 1975, là họ vẫn còn cực kỳ đau đớn.
"Và họ cũng rất nhiều day dứt, rất nhiều mảnh đời ngang trái, và nhất là với sự phát triển của truyền thông hiện nay, những nỗi đau đấy, bây giờ họ được giải tỏa và họ được trao đổi tâm tư với những người trong nước.
"Cho nên ngày càng khối quần chúng ở trong nước bây giờ họ biết được thêm rất nhiều thông tin, mà về mặt tình cảm, họ có một cách nhìn khác đối với sự kiện 30/4/1975.
"Ngoài ra, những thông tin khác nữa liên quan đến con đường phát triển đất nước, đến con đường đi, đến việc có nên tiến lên Chủ nghĩa Xã hội hay không, hay là theo Chủ nghĩa Tư bản...
"Tôi nghĩ rằng thực sự về mặt chính trị, nếu chính quyền mà càng làm việc tổ chức 30/4 càng to, thì sẽ càng khoét thêm sâu sự hận thù, cũng như sự oán trách của người dân đối với chính quyền và đấy không phải là một cách hành xử khôn ngoan," kỹ sư Lân Thắng nói với Tọa đàm Cuối tuần của BBC.
'Đua nhau, tốn kém?'
Năm nay Việt Nam đánh dấu tròn 40 năm sự kiện quân đội Bắc Việt 'giải phóng miền Nam' và 'thống nhất đất nước'.
Hôm Chủ Nhật, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc hội, cũng nêu quan điểm về cách thức Hà Nội nói riêng và các địa phương khác trong cả nước tại Việt Nam hiện nay và tới đây nên tổ chức ra sao việc đánh dấu 40 năm sự kiện thống nhất đất nước.
Giáo sư Thuyết nói:
"Tôi cho rằng ý kiến của một số người dân cho rằng nên tính toán để làm sao mà chúng ta kỷ niệm sự kiện này một cách tiết kiệm nhất, nhất là trong hoàn cảnh kinh tế của nước ta cũng chưa phải là dư dả gì,
"Hoàn cảnh kinh tế của một số thành phố lớn nhưa là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cũng không phải dư dả gì.
"Mình còn rất nhiều việc phải lo cho người dân, tôi cho ý kiến đó rất là tỉnh táo.
"Và để tránh những hiện tượng tốn kém, rồi các địa phương đua nhau tổ chức tốn kém, tôi cho rằng Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ban Bí thư Trung ương Đảng và cụ thể là Chính phủ, cần phải chỉ đạo để làm sao tổ chức kỷ niệm đúng đắn, tiết kiệm nhất.
"Còn việc kỷ niệm các ngày chiến thắng, nhất là trong những ngày lễ chẵn 40 năm như thế này..., mà nó cũng không phản ánh một quan điểm gì trái với sự việc đang kêu gọi hòa giải dân tộc, việc chấm dứt chiến tranh ở nước ta (Việt Nam), tiến tới thống nhất Tổ quốc, thì đấy là một sự kiện lớn.
"Và nếu sống qua thời kỳ ấy, thì chúng ta mới biết sự kiện ấy to lớn đối với người dân chúng ta như thế nào, đối với đất nước, như thế nào.
"Chúng ta cũng không để cho những sai lầm từ năm 1975 đến giờ nó làm cho che mờ những ý nghĩa của những sự kiện như thế.
"Tôi cho là nên đánh giá mọi sự một cách công bằng," cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Việt Nam nói với Tọa đàm của BBC.
'Hóa giải hận thù'
Nhiều địa phương tại Việt Nam đang lần lượt tổ chức các sự kiện đánh dấu ngày 'miền Nam hoàn toàn giải phóng'.
Hiện tại các địa phương trong cả nước ở Việt Nam đang bước vào các tháng cao điểm chuẩn bị triển khai các kế hoạch đánh dấu tròn bốn chục năm quân đội Bắc Việt Nam 'giải phóng miền Nam' và 'thống nhất đất nước', 'thu non sông về một mối' với các hình thức, đầu tư, chi phí và chuẩn bị dài, ngắn khác nhau.
Bình luận về đợt đánh dấu sự kiện này năm nay ở các địa phương, nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo, nói với BBC trong một cuộc phỏng vấn gần đây:
"Tôi nghĩ bây giờ chiến tranh đã lùi cũng khá xa, đối với tất cả những bà mẹ Việt Nam mà có những người con hy sinh và chính nhiều người mẹ cũng hy sinh, theo tôi thì dù là ở phía nào, điều đấy chúng ta cũng phải tôn trọng và phải kính trọng các bà mẹ.
"Đấy là một bà mẹ có tính biểu tượng, một bà mẹ chung của Việt Nam, tôi nghĩ rằng nếu mà cứ phải làm bên này hay là bên kia, tôi thấy điều đó chúng ta lại hạn hẹp. Chúng ta, bên nào cũng muốn hòa giải, hòa hợp, nhưng mà thực chất nếu mà không khéo, lại càng khoét sâu ra những đường ranh.
"Mà điều đó có lẽ phải nghĩ về một điều gì đấy lớn hơn. Trước đây tôi cũng cho rằng là muốn hòa giải, thì trước hết là phải hóa giải.
"Mà trong hóa giải thì có hóa giải hận thù là điều đầu tiên. Vì con người, nếu mà cứ thù hận thì con người dân dần cái ác nó sẽ tăng lên.
"Và có nhiều sự không hay làm cho con người nhỏ bé đi. Thế thì tôi nghĩ vẫn phải nghĩ đến cái lớn. Tượng Bà mẹ Việt Nam ở Quảng Nam, tôi nghĩ đấy là một Bà mẹ chung cho tất cả chúng ta.
"Đấy là một biểu tượng của Bà mẹ Việt Nam thôi, tôi cho rằng ý đồ như thế, còn ở một đất nước chiến tranh như thế, thì người ta cũng muốn tôn vinh và ghi công những bà mẹ mà đến giờ, nhìn ra một góc độ của tôi, thì tôi thấy đó là tất cả các Bà mẹ không kể bên nào hết.
"Vì tất cả những người chết, những người ngã xuống đều là đứa con của Người Mẹ Việt Nam thôi," ông Nguyễn Trọng Tạo nêu quan điểm với BBC.
No comments:
Post a Comment