Monday, March 16, 2015

Tranh đấu công khai cho Tự Do - Dân Chủ - Nhân Quyền

Người Quan Sát (Danlambao) - Trang web nhanquyen2015.net, nơi đăng tải Lời kêu gọi tham gia Chiến Dịch Tranh Đấu cho Tự Do - Dân Chủ - Nhân Quyền 2015 và "Thư ngỏ gửi Hội đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc và các Cơ chế Nhân quyền Quốc Tế về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam và chiến dịch Vận Động Tự Do - Dân Chủ - Nhân Quyền 2015 cho Việt Nam" đã nhận được hơn 3000 chữ ký sau 5 ngày phát động. Lần đầu tiên, một cuộc tranh đấu công khai được mở ra rộng khắp, sau 40 năm người Cộng sản đánh chiếm miền Nam đẩy đất nước vào tình trạng suy thoái, đạo đức xuống cấp, con người vô cảm.

Lần đầu tiên, cuộc tranh đấu của người Việt khắp nơi, không phân biệt trong hay ngoài nước được tổ chức để chứng minh cho thế giới thấy rằng: Việt Nam không chỉ là quốc gia có nhiều cảnh đẹp, con người hiền hòa, có chỉ số kinh tế tăng trưởng hấp dẫn… như lời chính phủ quảng cáo. Việt Nam là một quốc gia có nhiều vi phạm về tình trạng nhân quyền. Việc lạm dụng luật pháp để sách nhiễu, đánh đập, bắt giữ và cầm tù những người bất đồng chính kiến thể hiện ôn hoà là có thật. Và thế giới sẽ phải thấy điều này qua cuộc tranh đấu công khai năm 2015.

Nếu các bạn trong thôn quan sát kỹ sẽ thấy, các nhóm xã hội dân sự hoạt động tại Việt Nam, các nhóm hành động vì nhân quyền bên ngoài và các cá nhân chủ xướng đứng tên trong Thư Vận Động lần này bao gồm 27 hội đoàn và hơn 160 cá nhân đã công khai bày ra một mặt trận mới, mời gọi những người tham gia dần dần vượt ra khỏi sợ hãi để chạm tay vào thứ tự do thật sự mà họ muốn thấy, muốn được sống trong bầu không khí dân chủ đó.

Mặt trận công khai ấy được mở ra, với những tuyên bố rất rõ ràng với thế giới:

Chúng tôi, những người dân Việt Nam chính thức thông báo đến Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (HĐNQ-LHQ) rằng nhà nước Việt Nam từ sau khi tham gia làm quốc gia thành viên của HĐNQ-LHQ cho đến nay nhân quyền tại Việt Nam vẫn tiếp tục bị chà đạp; luật pháp Việt Nam vẫn không công nhận các quyền tự do cơ bản theo đúng luật nhân quyền quốc tế, điển hình là các điều khoản 79, 88, 258 của Bộ Luật Hình Sự. Do đó, chúng tôi không thể lên tiếng bày tỏ ôn hòa các quan điểm, chính kiến, phê bình chính phủ của mình mà không bị còng tay, tống giam, bịt miệng. Vì thế chúng tôi phải chọn tranh đấu cho tự do, nhân quyền của mình với đối tác là HĐNQ-LHQ.

Trong năm 2015, người Việt chúng tôi trong và ngoài nước, sẽ có những cuộc biểu tình, tọa kháng, thắp nến, tuyệt thực ôn hòa.

Tại Việt Nam:

a/ Nếu chúng tôi bị đàn áp, bắt giam, bịt miệng thì HĐNQ-LHQ hãy xem như đó là bằng chứng sống thực bằng chính sinh mạng của chúng tôi, rằng Việt Nam thực sự vẫn chưa có tự do nhân quyền, và HĐNQ-LHQ cần tái cứu xét tư cách thành viên của Việt Nam, có phản ứng mạnh mẽ hơn với các biện pháp chế tài cụ thể đối với nhà cầm quyền Việt Nam. Và xin các tòa đại sứ tại Việt Nam lên tiếng phản đối nhà nước Việt Nam, xét lại những đàm phán, ký kết thương mại, kinh tế, viện trợ đối với Việt Nam; yêu cầu được tiếp xúc, vào trại giam thăm các tù nhân lương tâm; và áp lực nhà nước Việt Nam phải trả tự do cho tất cả những người tranh đấu vì tự do, dân chủ, nhân quyền.

b/ Nếu như vì sự cảnh báo này đến các tòa đại sứ, các cơ chế nhân quyền và HĐNQ-LHQ, mà nhà nước Việt Nam chùn tay, không trấn áp những người tham gia tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền trong năm 2015, thì hãy xem đây là bằng chứng hiển nhiên về vai trò quan trọng và hữu hiệu của quốc tế, của các cơ quan nhân quyền thế giới trong sứ mạng cao cả bảo vệ tự do - nhân quyền của người dân tại các nước độc tài. Chỉ có trong bóng tối, tội ác mới dễ dàng tiếp diễn. Sự quan tâm theo dõi của quốc tế sẽ giúp bảo vệ sinh mạng của chúng tôi - những người tham gia chiến dịch tranh đấu ôn hòa cho tự do, dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam.

Rất đàng hoàng, dõng dạc và ôn hoà – những người đi đầu đã nắm tay nhau bước ra khỏi sợ hãi và mời gọi bạn đồng hành.

Tôi đã ký, đã chạm vào nỗi sợ của mình bằng cách đối diện để vượt qua nó.

Các bạn thì sao?

Góp sức, chung tay, chúng ta cùng thay đổi Việt Nam nhé mọi người.



No comments:

Post a Comment