Công an TP.HCM vừa có văn bản giải trình về Dự thảo Phương án thu lệ phí cấp mới (đăng ký lần đầu tại Việt Nam) giấy đăng ký kèm biển số phương tiện cơ giới đường bộ tại TP.HCM sau khi có ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp TP.
Đảm bảo tương đồng với Hà Nội thu cao nhất
Theo đó, Công an TP.HCM đề xuất lệ phí cấp mới giấy đăng ký ô tô dưới 10 chỗ ngồi không kinh doanh vận tải hành khách tăng từ 2 triệu đồng như hiện nay thành 11 triệu đồng. Xe máy có giá trị từ 15 đến 40 triệu đồng, mức lệ phí cũng tăng từ 250.000 đồng đến 1 triệu đồng (xem bảng so sánh).
Đơn vị này cho hay cơ sở cho đề xuất trên là qua tham khảo mức lệ phí cấp lần đầu giấy đăng ký kèm biển số xe tại Hà Nội.
Theo Công an TP.HCM, Thông tư 127/2013 của Bộ Tài chính về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy đăng ký và biển số phương tiện cơ giới giao thông đường bộ giao HĐND TP.HCM và Hà Nội căn cứ biểu mức thu tại văn bản này để ban hành mức thu phù hợp với tình hình thực tế địa phương.
Tháng 12-2013, HĐND TP Hà Nội đã ban hành nghị quyết về vấn đề này, theo đó mức lệ phí khi cấp mới giấy đăng ký và biển số xe cơ giới đường bộ tiếp tục thu theo quy định trước đây với từng loại xe cơ giới (tức là mức cao nhất tại Thông tư 212/2010 của Bộ Tài chính).
Lệ phí đăng ký mới ô tô tăng năm lần theo văn bản giải trình về Dự thảo Phương án thu lệ phí cấp mới giấy đăng ký kèm biển số phương tiện cơ giới đường bộ tại TP.HCM?
|
Trong khi đó, đến nay TP.HCM chưa ban hành mức thu này mà đang áp dụng mức thấp nhất tại Thông tư 212.
Công an TP cho rằng Hà Nội và TP.HCM đều là hai thành phố lớn nhất nước cần có sự tương đồng trong việc thu các mức phí nên từ đó đề xuất tăng mức thu theo hướng lấy trung bình giữa mức thu cao nhất (20 triệu đồng của Hà Nội) và mức thu thấp nhất (2 triệu đồng).
Một giải pháp nhằm hạn chế xe cá nhân
Theo Công an TP.HCM, số lượng ô tô đăng ký mới chỉ chiếm 10% tổng số phương tiện đăng ký và 10% số tiền thu về cho ngân sách. Ngoài ra, đối tượng chịu ảnh hưởng của việc đề xuất tăng lệ phí là xe máy có giá trị từ 15 đến 40 triệu đồng (chiếm khoảng 80% số lượng phương tiện cơ giới đăng ký mới là 80% số tiền thu cho ngân sách).
Riêng ô tô dưới 10 chỗ ngồi không kinh doanh vận tải hành khách đăng ký mới chỉ chiếm khoảng 4% trên tổng số nên số đối tượng bị tác động bởi việc điều chỉnh mức thu này không nhiều.
“Loại phương tiện này có giá trị tương đối cao, trung bình trên 300 triệu đồng một chiếc nên thu phí đăng ký mới với mức 11 triệu đồng/chiếc không ảnh hưởng lớn đến đối tượng này”, Công an TP nêu.
Đơn vị này cho rằng việc điều chỉnh mức thu với đối tượng này từ 2 triệu đồng như hiện nay thành 11 triệu đồng giúp tăng nguồn thu cho ngân sách, sử dụng bù đắp cho các chi phí trong hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Công an TP nhận định việc điều chỉnh mức thu lệ phí cấp mới giấy đăng ký là một trong những giải pháp chống ùn tắc giao thông. “Một trong những giải pháp hữu hiệu để hạn chế phương tiện cá nhân là áp dụng mức thu cao nhất như tại Hà Nội. Tuy nhiên, đối chiếu tình hình thực tế tại TP thì phải có lộ trình. Nếu áp dụng mức thu cao nhất thì người dân sẽ phản ứng, mặt khác sẽ có xu hướng chuyển đăng ký tại các tỉnh, thành lân cận có mức thu thấp hơn sau đó sang tên di chuyển vào TP để tiết kiệm chi phí” - Công an TP phân tích.
Công an TP cho hay hai năm 2012-2013, qua công tác cấp mới giấy đăng ký kèm biển số, đơn vị này đã thu về cho ngân sách nhà nước hơn 715,4 tỉ đồng. Ngoài ra lệ phí cấp lại, đổi giấy đăng ký, cấp giấy đăng ký và biển số tạm thời, đóng lại số khung số máy thu được hơn 11,5 tỉ đồng.
Theo Thông tư 212, Công an TP được trích lại 65,1 tỉ đồng còn lại nộp ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, theo Thông tư 127 mới thì toàn bộ lệ phí nộp vào ngân sách trung ương.
Bảng so sánh dự thảo phương án lệ phí cấp mới giấy đăng ký và biển số xe tại TP.HCM và hiện hành
No comments:
Post a Comment