Tuesday, March 3, 2015

Tại sao liên minh không phải là một chọn lựa?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2015-03-03
000_Was8869550.jpg

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) tiếp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tại Washington DC hôm 02 tháng 10 năm 2014 (ảnh minh họa). AFP PHOTO / Mandel NGAN

Việt Nam có nên liên minh với nước khác để tự bảo vệ cho chính mình hay không là câu hỏi đang cần được trả lời nhất trong hoàn cảnh hiện nay khi Trung Quốc tiến hành xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo trên vùng biển đang tranh chấp, trong đó có các đảo mà nước này chiếm đóng trái phép của Việt Nam.

Việt Nam vẫn còn cơ hội?

Trong thời gian gần đây khi Trung Quốc công khai xem thường dư luận thế giới cho xây dựng quy mô một loạt những đảo nhân tạo lớn trên các dãy đảo đá tại quần đảo Trường Sa. Những căn cứ này có khả năng biến thành cứ điểm quân sự uy hiếp cả một vùng Biển Đông rộng lớn đang có tranh chấp với nhiều nước trong đó có Việt Nam.

Quyết tâm chiếm trọn trung tâm vùng biển của Trung Quốc không phải đến bây giờ, sau khi kinh tế trở nên vững mạnh Bắc Kinh mới nảy sinh ý đồ mà đã từ lâu, ít nhất là năm 1988 khi xua quân đánh chiếm quần đảo Gạc Ma của Việt Nam thì mục tiêu này đã được đặt ra. Từ đó đến nay, thời gian ưu đãi thêm cho nước này cộng với thái độ lưỡng lự của Việt Nam khiến sự ham muốn chiếm đóng trọn vẹn khu vực tranh chấp, tức là chiếm trọn túi dầu khổng lồ của vùng Biển Đông không còn yếu tố nào cản trở.

"Theo tôi việc liên kết với các nước có cùng lợi ích trong khu vực Biển Đông là sự cần thiết. Có lẽ sự cần thiết này không phải bây giờ nó mới đặt ra mà ngay từ khi những động thái đầu tiên của Trung Quốc khi đưa dàn khoan HD 981 vào vùng biển của chúng ta. "-PGS Hoàng Ngọc Giao

Hầu hết các chuyên gia quân sự cũng như các tờ báo quốc phòng của thế giới đều đánh giá sự quyết đoán này là cách mà Trung Quốc phủ đầu các nước nhỏ khi công khai thực hiện kế sách đưa mọi chuyện vào sự đã rồi khiến việc chống đối của các nước ngày càng yếu ớt thêm. Trong vòng vài năm tới Bắc Kinh hoàn toàn khống chế cả một vùng Biển Đông mà không một nước nào có thể lên tiếng chứ đừng nói là hành động cụ thể ngoại trừ một nước duy nhất có khả năng ngăn chận sự tham lam ấy là Việt Nam.

Việt Nam vẫn còn cơ hội nếu quyết định ngay từ bây giờ công khai tuyên bố liên kết với các nước trong vùng và sẽ tiến tới liên minh với các nước lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn quốc và Úc hầu mượn sức của liên minh sẵn có này ngăn chặn vòng đai pháo đài nổi đang thắt chặt chung quanh mình.

Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất cam kết không liên minh quân sự, không dựa vào nước này để chống nước kia, Ukraina cũng đã từng như thế khi nền chính trị luôn bị con gấu Nga khống chế, áp lực lên phần đất này.

Tuy nhiên Ukraina đã thấy dã tâm của Nga và quốc hội nước này đã mạnh dạn quyết định bãi bỏ cam kết tự mình trói mình ấy.

Vào ngày 23 tháng 12 năm 2014 Quốc hội Ukraina đã có số phiếu áp đảo 303/ 8 ủng hộ bãi bỏ quy chế không liên kết mà nước này đã thông qua vào năm 2010 lúc ấy dưới sức ép của Nga nhằm ngăn cản Ukraina gia nhập NATO.

Việt Nam hoàn toàn có thể tự mình quyết định như Ukraina nếu đủ can đảm vượt qua vòng vây vô hình của điều được gọi là 16 chữ và 4 tốt buộc chặt bước đi trong nhiều thập niên qua.


Vùng đảo Gạc Ma nhìn từ trên cao, ảnh minh họa chụp hôm 15/5/2014.

Với quan hệ ngày càng mở rộng, Hoa kỳ chắc chắn đón nhận Việt Nam như một thành viên tích cực để sức mạnh Trung Quốc bị chặn đứng ngay tại cửa ngõ châu Á Thái Bình dương. Các nước khác như Nhật Bản, Philippines hay Hàn Quốc sẽ ủng hộ nhanh chóng quyết định này vì họ biết rõ khả năng của Việt Nam trong vai trò cản bước chân nam tiến của Trung Quốc trong hàng ngàn năm qua.

Phó GSTS Hoàng Ngọc Giao, nguyên Vụ trưởng Ban biên giới Chính phủ chia sẻ Việt Nam nên liên kết với các nước trong khu vực trước khi có một quyết định nào đó nhằm khẳng định quyết tâm của mình:

“Theo tôi việc liên kết với các nước có cùng lợi ích trong khu vực Biển Đông là sự cần thiết. Có lẽ sự cần thiết này không phải bây giờ nó mới đặt ra mà ngay từ khi những động thái đầu tiên của Trung Quốc khi đưa dàn khoan HD 981 vào vùng biển của chúng ta thì nó đặt ra sự cần thiết là ngoài nỗ lực đấu tranh bằng ngoại giao, đấu tranh bằng pháp lý thì Việt Nam cần phải có sự liên kết hợp pháp với các nước khác như Philippines, Malaysia hay các nước trong ASEAN để làm sao thúc đẩy tiếng nói của các nước nhỏ trong vùng Biển Đông để hạn chế, kiềm chế chính sách bành trướng xâm lược xuống phía Nam của Trung Quốc.”

Vì sự sống còn của chính mình

Cái bóng của Trung Quốc dù sao cũng không thể xóa đi trong một lúc, tuy nhiên cái bóng ấy tự nó sẽ nhạt dần khi quyết tâm của Việt Nam mạnh lên vì sự sống còn của chính mình. Đại tá Nguyễn Đăng Quang cho rằng Việt Nam có thể tự bảo vệ mình mà không sợ va chạm vào cam kết, ông cho biết:

“Tôi cho rằng cái chủ trương không liên minh với nước nào đó để chống lại nước thứ ba thì cũng có thể hiểu là Việt Nam có thể sẵn sàng liên minh với một nước khác để bảo vệ chủ quyền đất nước thì cái đó là điều bình thường thôi, Việt Nam nên làm theo điều đó miễn là Việt Nam không liên minh với nước A để chống lại nước C, thế nhưng tôi sẵn sàng liên minh với nước B để bảo vệ chủ quyền đất nước thì đó là quyền hạn và là điều nên làm.”

Trong khi đó Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã Hội Việt Nam cho rằng quan niệm không liên minh đã lỗi thời vì hành vi xây đảo nhân tạo của Trung Quốc có thể sánh với việc kẻ cướp đã vào nhà:

"Cứ chơi bài ngửa, chỉ liên minh với Mỹ thôi chứ ASEAN như một bị khoai tây chẳng ý nghĩa gì đâu. Duy nhất trên hành tinh này chỉ có mình Mỹ thôi. Mở rộng quan hệ hợp tác với Mỹ mở toang cánh cửa ra. Phải tiến tới quan hệ Mỹ Việt mà trên bạn bè dưới liên minh. "-Thiếu tướng Lê Văn Cương

“Quan niệm không liên minh với nước nào khác để chống lại nước thứ ba đã lỗi thời rồi. Khi kẻ cướp nó đã vào đến sân nhà mình mà người trong nhà nói rằng không, chúng tôi không cần hàng xóm láng giếng giúp đỡ gì cả, tự tôi tôi sẽ chiến đấu thôi. Mà bằng cách nào? Bằng cách tôi nhân nhượng nó, tôi hòa hoãn với nó tôi cứ lùi dần lùi dần lùi đến độ để thế giới người ta nghi ngờ không biết Việt Nam có định chiến đấu chống lại Trung Quốc hay không thì làm sao người ta ủng hộ mình?”

Hoa Kỳ dù vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết nhưng quyết tâm trở lại Châu Á Thái bình dương của Nhà Trắng không phải là lời nói suông nhằm đe dọa Trung Quốc. Những hành động cụ thể của Hoa Kỳ trước hai đồng mình lâu đời là Nhật Bản và Philippines trong những năm qua có thể cho Việt Nam thấy chính sách đối ngoại sáng suốt là chìa khóa làm cho đất nước vững chãi trước dã tâm của nước lớn để từ đó có thêm thời gian và tiền bạc để phát triển đất nước, thay vì phải đối phó nhiều mặt cả ngoài lẫn trong như hiện nay.

Thiếu tướng Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Bộ Công an khẳng định sức mạnh ấy của Hoa Kỳ, đất nước duy nhất ông cho là có thể đứng mũi chịu sào trước phương Bắc:

“Thật ra mà nói thì thế này, cứ chơi bài ngửa, chỉ liên minh với Mỹ thôi chứ ASEAN như một bị khoai tây chẳng ý nghĩa gì đâu. Duy nhất trên hành tinh này chỉ có mình Mỹ thôi. Mở rộng quan hệ hợp tác với Mỹ mở toang cánh cửa ra. Phải tiến tới quan hệ Mỹ Việt mà trên bạn bè dưới liên minh, cứ nói thẳng như thế.

Trung Quốc rất sợ Mỹ. Trên hành tinh này Trung Quốc chỉ sợ Mỹ thôi. Bây giờ cho ăn kẹo Bắc Kinh cũng không dám đụng tới Mỹ vì đụng tới Mỹ là tự sát. Bản chất của họ là dọa nạt cưỡng bức những kẻ yếu chứ còn đối với kẻ mạnh như Mỹ thì cho họ ăn kẹo chocolate họ cũng không dám đụng tới Mỹ.

Chúng ta không  liên minh với Mỹ để chống Trung Quốc, hoàn toàn không, nhưng cùng tạo một sức mạnh như thế khi cần thiết thì ứng phó với hành động của Trung Quốc. Nói thẳng với Trung Quốc chơi bài ngửa: Việt Nam không liên minh với Mỹ để chống Trung Quốc nhưng chúng tôi cần sức mạnh của Mỹ để răn đe mọi thế lực ngoại bang muốn xâm lược Việt Nam.”

Qua những nhận định vừa được đưa ra, ước muốn liên minh đang là nhu cầu bức thiết nhất hiện nay của đa số nhân sĩ trí thức và ngay cả trong quân đội. Khi Việt Nam không thể tự mình đủ sức bảo vệ đất nước thì liên minh là phương cách duy nhất đúng đắn của một nhà nước biết đặt sự an nguy của dân tộc lên trên tất cả.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/y-alliance-not-a-choice-ml-03032015071606.html/tai-sao-lien-minh-khong-phai-la-mot-chon-lua

No comments:

Post a Comment