Trang Trần gần đây vào vai Mỹ Chột, nữ đệ tử của 'bà trùm' Hương Ga trong phim cùng tên
Vụ việc mà như lời người đi cùng Trang Trần nói chỉ nhỏ "bằng cái móng tay" cuối cùng thành vụ bắt người "khẩn cấp".
Trang Trần là khách trên chiếc taxi đi vào đường cấm và bị công an phường Hàng Buồm dừng lại vào lúc đêm về sáng hôm 27/2.
Dường như cô đã xin để lực lượng công an bỏ qua nhưng phía công an yêu cầu lái xe taxi về đồn và siêu mẫu bực mình chửi bới cũng như lấy điện thoại tự quay bản thân xỉ vả và cáo buộc lực lượng công an "ăn tiền đút lót".
Tới đây công an quyết định đưa luôn cả Trang Trần về đồn và khi họ xô tới người mẫu đã "tát vào mặt một người trong nhóm lực lượng chức năng" theo lời chính cô trong video thu tại đồn công an và được đưa lên báo chí.
Trong lúc xô đẩy, bạn bè Trang Trần đã chất vấn lý do bắt người và cũng nói không nên bẻ tay và đè cô xuống.
Khi công an đang cố để đưa người mẫu về đồn trước sự giằng co của bạn cô, một sỹ quan công an tiến tới và hỏi nội tình vụ việc.
Không nói không rằng siêu mẫu tung chân đá luôn hai phát về phía người hỏi khi đang bị khóa hai tay.
Dù hai cú đá không trúng nhưng đủ để người này nhiều lần lớn tiếng yêu cầu "bắt bằng được" Trang Trần.
Trong vụ việc này cả siêu mẫu lẫn siêu cảnh sát đều có những người ủng hộ và phản đối.
Bé xé ra to
Vụ việc quả thật không có gì lớn và nếu phía công an cũng như Trang Trần hành xử khác đi có lẽ đã không có chuyện gì xảy ra.
Xe vi phạm vào lúc sáng sớm và đường phố hoàn toàn vắng vẻ nên nếu công an chỉ cần cảnh cáo có lẽ mọi việc đã dừng lại ở đó.
Bản thân người viết bài này từng phạm lỗi giao thông khi đi vào làn dành riêng cho xe buýt trong lúc đưa người nhà ra sân bay Heathrow của Anh nhưng chỉ bị nhắc nhở vì vi phạm lần đầu và cho đi kèm theo giấy giải thích nếu không hài lòng với cách hành xử của cảnh sát thì khiếu nại ra đâu.
Trong khi đó đối với một lỗi vi phạm nhỏ hơn ở Hà Nội hồi cuối thập niên 1990, cảnh sát đã quyết định đưa xe máy về đồn giữ vài hôm sau khi đòi tiền bất thành.
Tại Anh, nếu người điều khiển phương tiện giao thông không mang theo giấy tờ, người ta cũng sẽ không bị giữ lại mà chỉ bị yêu cầu phải mang giấy tờ lên công an trong vòng một tuần.
Sau vụ việc, bản thân Trang Trần đã lên tiếng xin lỗi về hành vi của mình nhưng trong lời xin lỗi của cô cũng lại có những điểm cho thấy siêu mẫu đã đụng phải siêu cảnh sát.
Chuyện thu hình 'người vi phạm' để đưa ra trước công luận nhằm biện minh cho hành vi của mình đã bị chỉ trích vì các lý do khác nhau trong đó có chuyện vi phạm quyền riêng tư.
Lời Trang Trần nói trong video xin lỗi rằng cô đã "tát vào mặt một người trong nhóm lực lượng chức năng" khi viết ra giấy tại đồn công an đã thành "tát một đồng chí tự quản".
Không có bằng chứng khẳng định lời xin lỗi của cô do công an đạo diễn nhưng sau khi nghe những lời chửi bới công an của cô sẽ thấy không hợp lý khi cô gọi 'tự quản' là "đồng chí".
Lực lượng 'tự quản' ở Việt Nam cũng từng gặp tai tiếng
Bản thân lực lượng tự quản ở Việt Nam, tương tự với 'chính quản' ở Trung Quốc, đã từng có nhiều tai tiếng khi hành xử không đúng mực, lạm quyền mà báo địa phương gọi là "bát nháo".
Bình luận trên Facebook của BBC Tiếng Việt, bạn Phan Khánh Hưng viết: "Rất nhiều "đồng chí" tự quản, dân phòng xuất thân dạng lêu lổng, không công ăn việc làm, xin xỏ chạy chọt làm đầu sai cho CA và được cho phép ngầm để kiếm chác cơ hội. Ghét nhất cái tụi này, vì vừa dựa lưng công an vừa mất dạy.
"P/s: Trong trường hợp Trang Trần thì thấy lối hành xử mất dạy cũng không chỉ độc quyền ở đám các "đồng chí" kia mà những người "vốn tâm tốt" cũng trở nên hung hãn, thói mất dạy này đã trở thành phản ứng nội tại, rất dễ bùng nổ thành mức quá đáng."
Siêu cảnh sát
Trong vụ Trang Trần, cảnh sát Việt Nam có vẻ đã dùng sức mạnh của siêu cảnh sát để khuất phục siêu mẫu cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng.
Vào thời điểm họ quyết định đưa cô về đồn, hành vi được coi là "chống đối" của cô được thể hiện bằng lời nói và những câu xỉ vả khi đang say rượu, điều mà tại một số nơi không còn là lý do để người dân có thể bị bắt, thậm chí còn cần được trợ giúp, nhất là trong trường hợp người say xỉn là một phụ nữ.
Tòa ở Anh phán cảnh sát đã quá quen với những lời văng tục và khó có thể bị xúc phạm
Cách đây vài năm Tòa Thượng thẩm ở Anh đã phán rằng cảnh sát đã quá quen tai với những lời tục tĩu nên không thể bị xúc phạm khi nghe những lời như thế.
Quyết định của tòa đã khiến ngành cảnh sát gửi hướng dẫn tới các nhân viên nói rằng không nên bắt những vụ như thế vì tòa sẽ không xử theo hướng có lợi cho cảnh sát.
Trong khi đó một độc giả của BBC tại Đức nói cảnh sát bản địa còn có phòng riêng tại trụ sở cho những người say rượu chờ cho tới khi họ tỉnh.
Trang Trần cũng không phải là người điều khiển xe phạm lỗi mà chỉ là hành khách muốn 'xin' cho người tài xế thoát khỏi chế tài của cảnh sát, vốn không có uy tín thượng tôn pháp luật.
Đã có những cáo buộc về chuyện cảnh sát đòi những người lái taxi vi phạm đưa ví và lấy tiền theo ý thích sau khi nhiều lái xe taxi đưa tiền ít và xin xỏ rằng họ chỉ còn chừng đó tiền.
Không rõ lý do cụ thể nào khiến công an Hàng Buồm muốn đưa tài xế về đồn nhưng ngay cả khi họ có quyền làm vậy đây không phải là cách xử lý hợp lý.
Sự can thiệp của Trang Trần và hành vi tát 'tự quản' đã khiến cô bị bẻ quặt hai tay ra sau và cảnh sát dường như đã đè cô xuống đất.
Tiếp theo đó là quyết định bắt "khẩn cấp" mà các luật sư đã đặt câu hỏi vì người ta chỉ bắt khẩn cấp những ai đang chuẩn bị phạm tội nghiêm trọng hoặc có nguy cơ bỏ trốn sau khi phạm tội.
Trong trường hợp của Trang Trần, cô đã bị bắt và đang ở trong đồn công an khi có quyết định bắt "khẩn cấp".
Cụm từ này cũng thường được dùng cho những vụ bắt người vốn có những hành vi phi bạo lực, chẳng hạn vụ bắt nhà văn Nguyễn Quang Lập hồi cuối năm ngoái.
Trong thời gian bị giam giữ, ông Lập cũng được phía công an nói đã "khai nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình và xin được hưởng khoan hồng, sớm được tại ngoại" và "cam kết từ bỏ hoạt động vi phạm pháp luật để tập trung vào lĩnh vực văn học nghệ thuật, phục vụ xã hội".
'Bắt giữ tùy tiện'?
Bình luận về vụ việc đang gây nhiều tranh luận liên quan tới Trang Trần, blogger Đoan Trang viết:
"Chúng ta có thể chỉ trích Trang Trần xả láng và ngoa ngoắt bao nhiêu cũng được, nhất là khi giờ này cô ấy đang ở trong tay công an, đang bị giam và không thể có cơ hội lên tiếng.
"Nhưng sao không ai đặt vấn đề về các sai phạm (có thể có) của công an: Còng tay, đánh người khi người đó đang say và về thể lực, thế lực thì người đó yếu hơn hẳn công an; bắt khẩn cấp là hành động bắt giữ tùy tiện và sai luật (Bộ luật Tố tụng Hình sự của chính Việt Nam); từ chối quyền tiếp cận luật sư của Trang Trần; khống chế và có biểu hiện ép cung để buộc Trang Trần phải viết giấy, quay video nhận lỗi; làm nhục công dân khi quay và tung video nhận lỗi của Trang Trần lên mạng..."
Trong lúc đó cũng có không ít ý kiến ủng hộ cách xử lý của cảnh sát.
Bạn đọc Nguyễn Lan Hương viết trên Facebook của BBC Tiếng Việt về bài của cây bút Đoan Trang:
"Đúng là ko khách quan chút nào. Muốn không bị bắt thì đừng đi sai đường, mà đã bị bắt rồi thì im lặng mà nhận lỗi đi.
"Thế yếu là thế gì? Là phụ nữ hay vì say xỉn hay phê thuộc rồi xúc phạm người khác? Nếu là phụ nữ thì tốt hơn nên ra đường trong tình trạng tỉnh táo sẽ ko ai nói hay bắt bớ gì được cả.
"Là phụ nữ thế yếu thì có quyền say xỉn rồi nhục mạ cả một nhóm người đang thi hành công vụ à?"
Và cho dù ý kiến về siêu mẫu và siêu cảnh sát có thể khác nhau, điều dễ thấy là cả hai bên đã vô tình và/hay cố ý đẩy vụ việc lên mức siêu sự kiện trong dư luận một cách bất thường.
Nhưng ít nhất trong vụ này siêu mẫu cũng đã được trả tự do sau hơn hai ngày giam giữ trong khi chờ 'xem xét, xử lý', hạn chế khả năng người bị giam giữ khá lâu có thể "tự đút tay" vào ổ điện như đã từng xảy ra mà không hề có điều tra xét xử.
No comments:
Post a Comment