(Baodatviet) - Trong khi chưa có giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng các sân golf Hà Nội, tại sao lại đặt vấn đề xây sân golf mới?
Lý do gì để điều chỉnh quy hoạch?
TP Hà Nội đang xin ý kiến Bộ NN&PTNT về chủ trương đầu tư dự án sân golf gần 300ha ngoài đê sông Đuống thuộc huyện Gia Lâm và quận Long Biên. Ngoài sân golf còn có các hạng mục như bể bơi, khu tập gyms, tennis, nhà điều hành, trung tâm y tế, công trình phù trợ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ… Một phần dự án này nằm trong hành lang thoát lũ sông Đuống.
Trao đổi với Đất Việt về chủ trương này, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội đặt ra rất nhiều câu hỏi mà ông cho rằng phải trả lời trước khi xem xét dự án sân golf này.
Ông cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020, Hà Nội cũng đang tiến hành rà soát lại, dự án nào cho triển khai cũng đã có.
Sân golf Vân Trì của Hà Nội
Tính đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố có 8 sân golf, trong đó 3 sân đang hoạt động là Hà Nội, Vân Trì và Đồng Mô; 2 sân đã được sử dụng một phần là Hồ Văn Sơn, Long Biên; sân golf quốc tế Sóc Sơn đang xây dựng; sân Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên và Khu du lịch Hồ sinh thái Quan Sơn đang trong giai đoạn lập quy hoạch. Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Hà Nội hiện nay không thiếu sân golf và chúng chưa phát huy hết giá trị.
"Vậy lý do gì để điều chỉnh quy hoạch? Có cần thiết phải đầu tư hay không, nhu cầu như thế nào? Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, đặt ra vấn đề xây dựng sân golf mới để phục vụ cho đối tượng nào trong khi chưa đặt ra giải pháp nâng cao, khai thác và sử dụng hiệu quả các sân golf Hà Nội? Phải làm rõ những cái này", ông Nghiêm nói.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Hà Nội cho rằng, hội chứng sân golf đã được cảnh báo quá nhiều, trong khi lỗ hổng hiện nay là thiếu hành lang pháp lý, đặt ra quy chuẩn nhưng chưa chuẩn.
"Sân golf gồm những cái gì, có khu điều hành, khu nhà ở hay các khu dịch vụ không..., tất cả đều không có quy định mà tuỳ thuộc vào người quản lý quyết thế nào thì được như vậy. Nhiều sân golf chỉ làm cho xong đến khu nghỉ ngơi, biệt thự rồi dừng lại, chứ có ai chơi đâu".
Một vấn đề khác được KTS Đào Ngọc Nghiêm đặt ra liên quan đến hành lang thoát lũ. Theo đó, việc nghiên cứu hành lang thoát lũ và dòng chảy đang được thể hiện trong quy hoạch phân khu và vừa mới lấy ý kiến của các chuyên gia, các hội xã hội, nghề nghiệp cũng như người dân địa phương. Bởi thế, ông tự hỏi, đặt ra dự án sân golf mới có một phần nằm trong hành lang thoát lũ sông Đuống có sớm quá không?
"Vừa rồi, trong cuộc làm việc giữa Hà Nội với Chính phủ Hà Lan và Ngân hàng Thế giới có đặt ra vấn đề nghiên cứu biến đổi khí hậu. Trong đó, chỉ rõ Hà Nội không phải là nơi trực tiếp nhưng cũng chịu tác động của biến đổi khí hậu, nhất là vấn đề nươc biển dâng, kéo theo nước sông dâng lên. Do đó, cần phải cân nhắc và và có những cơ sở khoa học để xác minh lại trước khi phê duyệt dự án".
Không được xây dựng công trình trong hành lang thoát lũ
Trong khi đó, theo một chuyên gia thuỷ lợi thuộc Bộ NN&PTNT đề nghị giấu tên, trong 13 năm qua, Hà Nội không có lũ nên người dân và các doanh nghiệp muốn tận dụng các vùng đất còn trống. Tuy nhiên, về mặt thuỷ lợi, phải có không gian riêng dành cho lũ, do đó trong hành lang thoát lũ không được xây dựng bất cứ công trình gì.
Đối với dự án sân golf nằm ngoài đê sông Đuống nói trên, vị chuyên gia này cho rằng cần xem xét cụ thể bản thiết kế nhưng về nguyên tắc, nếu dự án nằm trong chỉ giới thoát lũ thì không thể triển khai. Hiện nay có nhiều đơn vị muốn khai thác khu vực bãi giữa mà cũng không được chấp thuận.
"Cần phải xem vị trí các công trình của dự án họ muốn xây dựng ở đâu. Ví dụ, ngoài chỉ giới thoát lũ làm các công trình kiên cố, còn trong chỉ giới thoát lũ chỉ làm mỗi sân để đánh dạo thôi thì không có vấn đề gì nhiều. Tuy nhiên, nếu xây dựng thêm các công trình khác trong trong chỉ giới thoát lũ chắc chắn là không được".
Dưới tác động của biến đổi khí hậu, dự báo lưu lượng lũ ở sông Hồng, sông Đuống, sông Thái Bình sẽ tăng khoảng 10%.
"Nền địa chất của các hệ thống đê sông Đuống hơi yếu và đắp mới hơn so với đê sông Hồng nên thử thách của nó còn nhiều. Đây chính là nguyên nhân khiến những năm 1969, 1971 vỡ đê chủ yếu xảy ra ở khu vực này.
Nhiều năm qua Hà Nội không có lũ nhưng phải tính trường hợp xấu nhất", ông nói.
Nêu quan điểm về dự án sân golf ngoài đê sông Đuống, vị chuyên gia xin được giấu tên này cho rằng: "Hà Nội luôn mong muốn phát triển, nhưng cái gì cũng phải bình tĩnh, suy xét, nghiên cứu kỹ cái được cái mất. Mà quan điểm của Bộ NN&PTNT là làm thế nào để không hối tiếc, Bộ sẽ chỉ làm cái gì cực chắc chắn, không ảnh hưởng đến thoát lũ, an sinh xã hội của người dân".
- Minh Thái
No comments:
Post a Comment