Theo NLĐO-03/03/2015 22:50
Một ngày trước khi Lễ hội đền Trần (Nam Định) phát ấn, hôm nay (4-3, nhằm 14 tháng giêng), tại thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng bắt đầu khai hội Minh thề: thề không trộm cắp, thề không tham nhũng.
Đây là lễ hội có ý nghĩa sâu đậm bởi gắn giá trị tâm linh với đời thực.
Có gốc tích từ thời Mạc Đăng Dung, bẵng đi hàng trăm năm, đến năm 2003, Minh thề được phục dựng, thu hút sự chú ý của cả nước. Nội dung chính của lễ hội là phần Miêng thệ (Minh thề). Trước đài thề, quan cũng như dân đồng thanh dõng dạc: “Ai dùng của công vào việc công, xin thần linh ủng hộ; ai lấy của công về làm của tư, cầu thần linh đả tử. Làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt”.
Giá trị văn hóa - xã hội của Minh thề đẹp đẽ là thế, vậy nhưng, theo các bậc cao niên địa phương, trong suốt hơn 10 năm lễ hội, chỉ dân thề chứ không thấy quan to thề; có vài cán bộ... thôn, cao lắm là xã, thề mà thôi!
Có gì khó hiểu đâu. Tâm chưa liêm, dạ không chính thì ai dám buông lời thề độc. 12 năm Minh thề đã vậy, năm nay cũng khó mà “bói” ra quan to đến thề.
Tình cảnh ấy trái ngược với nhiều lễ hội, lễ chùa khác thiên về cầu tài vọng lợi.
Sau lễ hội Minh thề năm ngoái, xuất hiện bức tranh biếm vẽ một giao lộ, tại đó cắm 2 lá cờ; phần đường cắm lá cờ có chữ “Hội tranh ấn thăng quan - Nam Định” thì ô tô chen giữa dòng người kẹt cứng; phần đường cắm lá cờ có chữ “Hội Minh thề không tham nhũng - Hải Phòng” thì chẳng một bóng người.
Và những ngày qua, người ta đã gặp khá nhiều xe công tại những lễ chùa đầu năm, tức là có đông quan chức đi chùa.
Ở đời, thường thì thiếu thứ gì người ta hay cầu thứ đó. Người dân nói chung vốn thiếu nhiều thứ nên đến lễ chùa những mong cầu được - ước thấy là hợp lẽ. Còn quan chức, hẳn nhiên “no đủ” hơn, thì đến những nơi ấy cầu vọng những gì?
Xin cho bản thân mình trước, tất nhiên rồi. Cầu cho quốc thái dân an - phong điều vũ thuận, chưa chắc! Nếu đến những chốn tâm linh này để chỉ vì “lo trước cái lo của thiên hạ” thì đố quan chức nào siêng đi để phải chịu đựng cảnh xa xôi, chen lấn, ngột ngạt.
Người dân không phản đối quan chức đi chùa bởi bất cứ ai cũng có quyền thể hiện tín ngưỡng văn hóa và thụ hưởng những giá trị tinh thần. Chỉ có điều, thay vì phải gặp quan chức ở lễ chùa, họ muốn quan chức có mặt tại nhiệm sở hơn và thực thi công vụ thật mẫn cán. Thay vì nghe quan chức khấn cầu cho dân giàu nước mạnh (nếu có!), họ muốn những “đầy tớ” của mình hãy làm tròn trách nhiệm “công bộc” đúng nghĩa.
Ấn tín đền Trần - đối với bất cứ ai có quyền thế - dù sở hữu giá trị tâm linh không thể chối cãi song sao thể sánh bằng niềm tin của dân chúng dành cho mình. Đâu phải cầu thần khấn Phật cho xa, mỗi quan chức chỉ cần biết “vì dân phục vụ” thì sẽ được dân kính, dân yêu.
Lòng dân mới chính là “lá ấn” quý nhất!
DƯƠNG QUANG
No comments:
Post a Comment