Saturday, March 28, 2015

Ngày đầu nhập trại

Vi Đức Hồi (Danlambao) - Ngay sau phiên tòa phúc thẩm, tôi tiếp tục viết đơn kháng án theo thủ tục giám đốc thẩm. Những ngày tháng chờ đi trại là thời gian dài dằng dặc, mong chờ ngày ra khỏi ngục giam để cho bớt cảnh cô đơn, lạnh lẽo trong buồng giam riêng biệt. Và cái gì đến sẽ đến, ngày 18/6/2011, chiếc xe đặc chủng của trại giam cộng sản đưa tôi đi nhập trại. Không biết đi trại nào, hỏi cán bộ không một ai tiếp lời. Mặc thây, đi đâu cũng được, nhà tù nào cũng cùng một khuôn mẫu của chế độ này. Tôi tự nhủ. Nhìn ra lỗ thông hơi trong thùng xe, vẫn nhận ra xe đi qua các địa danh thành phố: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, đến Thành phố Phủ Lý thuộc tỉnh Hà Nam, xe rẽ trái và đã rõ là mình nhập trại Nam Hà, một trại giam nổi tiếng mà tôi biết đến đã lâu. Xe đưa tôi vào trại, một viên sỹ quan đeo quân hàm trung tá có tên Quảng dẫn tôi đến bàn tiếp nhận phạm nhân, hỏi thăm tôi:

- Anh có nhận tội không? Anh ta hỏi.

- Tôi làm gì có tội mà nhận. Tôi đáp.

- Vậy thì xác định hết năm năm ra tù!

Một nữ sỹ quan trẻ mang quân hàm thiếu úy đang cặm cụi hí hoáy viết, trên bàn làm việc của cô ta chồng chất một đống hồ sơ của các phạm nhân vừa được chuyển đến. Tôi tiến đến gần, bất chợt cô ta ngẩng lên, thấy tôi mặt cô ta biến sắc tái mét vừa nói giọng lắp bắp, vừa xua tay.

- Anh đứng cách xa tôi từ 5 đến 7 mét.

Tôi không hiểu đầu cua tai nheo ra sao, lập tức lùi lại theo yêu cầu của cô ta. Vào trại tìm hiểu mới rõ đây là quy định của bộ công an, do đề phòng phạm nhân tấn công cán bộ, vì thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp cán bộ bị đánh trọng thương. Mặt khác phạm nhân sống trong bầy đàn mang trong người nhiều bệnh lây nhiễm và mùi hôi thối đặc trưng. Vì thế nên công an bộ ra quy định phải có sự cách ly ở khoảng cách tối thiểu trong khi làm việc.

- Anh khai rõ họ tên? Viên nữ sỹ quan bắt đầu làm việc.

- Tội danh gì? Cô ta hỏi tiếp.

- Tôi bị tòa án kết tội tuyên truyền chống nhà nước. Tôi đáp

- Anh phải nói rõ là: tội tuyên truyền chống Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cô ta nhấn mạnh và khẳng định.

Trại được đóng trên địa bàn xã Ba Sao thuộc tỉnh Nam Hà (nay được tách ra thành Hà Nam) nên còn có tên gọi là trại Ba Sao. Trại được xây dựng vào những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, nhà cũ kỹ, lụp sụp. Tại buồng giam số 1 (buồng tôi cư ngụ) có tổng diện tích chừng ba chục mét vuông, được thiêt kế bốn sàn (hai trên, hai dưới) giành cho phạm nhân ngủ và một lối đi ở giữa. Lúc cao điểm có đến bẩy chục người ở một phòng, lúc tôi vào chỉ còn hơn 5 chục. Theo quy định của nhà nước cộng sản Việt Nam thì mỗi phạm nhân được bố trí 2 mét vuông chỗ nằm. Người ta phát cho tôi manh chiếu có chiều rộng 0,8m, dải chiếu xuống sàn hai bên chiếu chồng lên nhau ở hai người bên cạnh mỗi bên đến hơn 10 phân, diện tích sử dụng của mỗi cá nhân còn vào khoảng 0,9 đến 1 mét vuông. Được biết ở các buồng hình sự, số lượng luôn ở mức trên dưới 80 người một buồng, phạm nhân phải giải chiếu xuống nằm chật hết cả lối đi lại.Vì quá đông nên một buồng giam phải chia làm hai đến ba đội, tiện cho việc quản lý. Các buồng an ninh vì số lượng ít hơn nên chỉ biên chế thành một đội. Trời mùa hè oi bức, cả phòng chỉ có 2 chiếc quạt trần cũ kỹ, tốc độ quay với con mắt bình thường vẫn đếm được vòng quay của nó trong thời gian xác định. Vẫn chế độ ăn như ở trại tạm giam, mỗi tháng một người được hưởng 16kg gạo; 1,5 kg cá và thịt; 15kg rau, củ quả, ngoài ra còn các chế độ được hưởng như nước mắm, mỳ chính... Bữa cơm thường xuyên liên tục là một tô cơm cộng với bát rau (thường là rau muống loại sản lượng cao mà dân ta thường trồng để chăn lợn) cùng với nước thả ít muối vào gọi là canh, rau. Hàng tuần có hai bữa cải thiện, một bữa có hai miếng thịt mỡ và một bữa có một khúc cá kho muối. Rất ngạc nhiên vì thấy trong buồng phần lớn là anh em các dân tộc Tây Nguyên, sự kiện năm 2004 và 2006 đồng bào Tây Nguyên nổi dậy biểu tình đòi tự do tôn giáo; đòi Tây Nguyên tự trị, độc lập đã bị chính quyền cộng sản đàn áp, bắt bớ. Khoảng trên một nghìn người bị truy tố bỏ tù, riêng trại giam Nam Hà phải tiếp nhận khoảng trên 400 phạm nhân. Trại có ba phân trại, mỗi phân trại có từ hai đến ba buồng giam (tổng cộng có đến 8 buồng giam) giành cho tội xâm phạm an ninh quốc gia mà chủ yếu là những phạm nhân của các sắc tộc Tây Nguyên. Lúc tôi nhập trại những phạm nhân có mức án 5 năm trở lại đã mãn hạn tù, số còn lại là chịu những hình phạt nặng nề, hà khắc, bị quy cho là người cầm đầu các nhóm; có vai trò nòng cốt trong việc vận đông tập trung dân chúng chống lại nhà nước; tiếp tế, bao che cho những người phạm tội chốn tránh sự truy nã của chính quyền, một số bị quy phạm tội tổ chức tuyền đạo trái phép. Cả buồng có trên 5 chục người thì có trên ba chục người là Tây Nguyên, người Tây Nguyên trở thành người đa số, tiếng Tây Nguyên gần như trở thành tiêng phổ thông trong trại. Sau này qua các đợt thi đấu bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, kéo co do trại phát động, một hình ảnh thực tế cho thấy một phần phần trăm ở các buồng đội, các phân trại đều là người Tây Nguyên, bởi vì họ là người “đa số”của trại, người Tây Nguyên có giáng vóc to, khỏe, chịu khó luyện tập và hăng say thể thao.

Tiếp đến là người H’Mông, chiếm tỷ lệ sau người Tây Nguyên, số người này “phạm các trọng tội” truyền đạo trái phép; di cư vượt biên trái phép (sang Lào) và số còn lại là những người phần lớn là Công an, bộ đội biên phòng sống ở gần vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc làm gián điệp cho Trung Quốc (tôi gián điệp), còn lại có Nguyễn Văn Tính; Nguyễn Văn Túc và tôi bị ghép tội tuyên truyền chống nhà nước. Điều rất đặc biệt là ngoài những phạm nhân tội danh “xâm phạm an ninh quốc gia” còn có đến ba người phạm tội hình sự được cử đến buồng cùng sinh hoạt chung, hai người được gọi là cán bộ văn hóa của trại, một người làm trực sinh (dọn vệ sinh tại buồng tôi). Khi tìm hiểu mới biết là những người này được lãnh đạo trại phái đến để nắm bắt tình hình tư tưởng của các phạm nhân trong buồng, đội để phản ánh, báo cáo kịp thời cho cán bộ trại.

Ngay chiều hôm nhập trại, tôi được mời ra gặp cán bộ quản lý buồng, vẫn viên sỹ quan có tên Quảng đưa tôi đến phòng của anh ta rồi quán triệt:

- Anh đã vào đây, tôi là người quản lý anh, nói nôm na là người giữ kho. Tư tưởng của anh thế nào tôi không cần biết, đúng sai thế nào tôi không phải người phân giải, trách nhiệm của tôi là quản lý anh trong thời gian anh ở trại. Anh muốn làm gì thì cũng phải ra khỏi nơi đây anh mới làm được, trong thời gian ở trong trại tôi chỉ khuyên anh là cố gắng chấp hành nội quy, anh nên giữ mồm, giữ miệng, tránh việc phát ngôn bừa bãi ảnh hưởng đến người khác. Ở đội anh tuyệt đại đa số là người dân tộc, trình độ văn hóa thấp, sự hiểu biết của họ có hạn nên họ không biết phân biệt đúng sai thế nào đâu, anh mà có ý kiến là họ theo ý anh cả đấy. Tôi chỉ khuyên anh đừng làm khó dễ cho chúng tôi. Một điều lưu ý nữa là anh đừng có cãi với ti vi, với báo đài, phức tạp lắm…

Chân ướt, chân ráo mới nhập trại tôi chưa hiểu được hết sự thể thế nào nên cứ ngồi im để anh ta giảng giải, hơn một tiếng đồng hồ anh ta thao thao bất tuyệt, đề cập mọi thứ ở cái trại giam này với mục đích để tôi nắm bắt tình hình phục vụ cho việc cải tạo được tốt. Cuối cùng tôi chỉ nói với anh ta rằng: Tôi sẽ cố gắng chấp hành nội quy của trại, cũng mong cán bộ thực hiện đúng các quy định của pháp luật. 

Tám tháng trời bị nhốt trong nhà tạm giam, không đài, không báo chí, không ti vi, hôm nay nhập trại, trong buồng có chiếc ti vi được mở vào buổi tối, cảm tưởng như vừa thoát khỏi địa ngục đến chốn thiên đường, tôi chăm chú theo dõi từ đầu đến cuối các chương trình của VTV1 đang được mở, đến chương trình chuyên mục: “nông thôn ngày nay” có bài phóng sự nói về cảnh cuộc sống đổi thay của đồng bào Tây Nguyên, trong đó có quay cận cảnh một ngôi trường Tiểu học mang tên: “Lê Văn Tám” thấy không bình thường, tôi quay sang bên cạnh hỏi mấy người ngồi sát tôi:

- Này có chuyện Lê Văn Tám không đấy nhỉ?

- Sao cơ! mọi người hỏi lại

- Ti vi vừa quay cảnh trường Tiểu học Lê Văn Tám ở tỉnh Gia Lai, Tây Nguyên đấy thôi!

Một cậu người Tây Nguyên hí hửng nói: Quê nhà em, chính xã nhà em đấy, nhưng sao cơ?

- Là vì thấy nhiều người nói là không có anh hùng Lê Văn Tám, vậy mà vẫn có trường học mang tên Lê Văn Tám, tôi thắc mắc mới hỏi vậy. Tôi giải thích

- Ai, ai nói vậy! ai bảo không có Lê Văn Tám! Từ thủa còn nhỏ học tiểu học tôi đã được học gương anh hùng Lê Văn Tám, người tẩm xăng đốt đuốc lao vào kho xăng giặc, cả kho xăng bị cháy thiêu trụi, ai mà chả biết. Một người thể hiện bức xúc lên tiếng.

- Chuyện bịa đặt một trăm phần trăm, ông đi hỏi xem bây giờ còn có bài học đó không! Người ta dựng chuyện để tuyên truyền kích động mọi người lao vào lửa như con thiêu thân đấy thôi, làm gì có câu chuyện Lê Văn Tám. Việc đã vỡ lở ra từ lâu, ai chả biết điều này, chỉ có ông là không biết thôi. Một người ngồi ở phía trên gần màn hình ti vi lên tiếng giải thích.

- Một người khác thể hiện tường tận, xen ngay vào giải thích: Sự thể là thời điểm đó có một kho xăng (tức là nhà chứa xăng dầu) của một đơn vị quân giặc bị cháy, không ai biết vì lý do gì. Tin đó được loan ra, bộ máy tuyên truyền của cộng sản Việt Nam liền lấy sự việc đó dựng lên câu chuyện có một người tẩm xăng vào quần áo của mình rồi đốt cháy lao vào kho xăng địch, người đó có tên là Lê Văn Tám. Câu chuyện dựng lên thể hiện sự ngu dốt đặc cán mai của giới truyền thông cộng sản. Con người chứ đâu phải siêu phàm mà tẩm xăng vào người khi lửa bốc lên vấn biết tìm đường lao vào kho xăng địch được, khi đó lập tức sẽ bị quỵ đột ngay. Trong sách giáo khoa được họa hình Lê Văn Tám chạy vào kho xăng với ngọn lửa đang bốc cháy tạt về phía sau, với tốc độ đó chỉ có mũi tên hoặc viên đạn được bắn ra khỏi nòng súng thì mới có được ngọn lửa như vậy. Thấy vô lý, người ta truy hỏi Lê Văn Tám là ai? Quê ở đâu? bộ máy tuyên truyền cộng sản không trả lời nổi, từ đó câu chuyên bị vỡ lở, hóa ra là láo khoét. Cũng từ đó trong sách giáo khoa của chương trình tiểu học đã bị dỡ bỏ, hình ảnh anh hùng ma Lê Văn Tám cũng không còn nữa.

- Trời ạ, thế mà đến hôm nay tôi mới biết. Sao chúng nó lại đi lừa gạt dân như thế được nhỉ! Thật là vô liêm sỷ. Vẫn người thể hiện bức xúc ban nãy lên tiếng.

- Không! Đấy là nghệ thuật lãnh đạo tài tình của Đảng ta. Một người mỉa mai đáp.



Trích Đối Măt phần hai: Chuyện trong lao ngục.

No comments:

Post a Comment