Monday, March 23, 2015

Chỉ cải cách thể chế thì doanh giới mới bớt khốn đốn vì ‘vòi vĩnh’

HÀ NỘI (NV) - Bởi thể chế dung dưỡng tệ nạn vòi vĩnh nên chi phí sản xuất-kinh doanh lớn, giá thành sản phẩm, dịch vụ cao. Không cải cách thể chế không thể nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.


Đại diện một doanh nghiệp đang làm thủ tục hải quan. Hải quanvẫn là một trong những ngành dẫn đầu về mức độ “vòi vĩnh.” (Hình: Dân Trí)

Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia khi tham dự hội thảo về “Nâng cao năng lực cạnh tranh: Doanh nghiệp chung tay trong cải cách thể chế,” do Phòng Thương Mại-Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức tuần vừa qua.

Hội nhập kinh tế toàn cầu đòi hỏi phải mở cửa, muốn không bị đè bẹp, doanh nghiệp Việt Nam phải có khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam rất kém. Các chuyên gia trong và ngoài Việt Nam cho rằng, chỉ có một con đường để nâng cao khả năng của doanh nghiệp Việt Nam, đó là cải cách thể chế nhằm giúp doanh nghiệp phát triển.

Cũng vì vậy, gần đây, nhà cầm quyền CSVN bắt đầu đề cập đến cải cách thể chế. Tuy nhiên theo ông Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế, nói thì dễ nhưng làm rất khó. Không thể làm gì nếu không dám nhìn thẳng sự thật và nếu thiếu trung thực. Cho đến nay, luật pháp CSVN vẫn chưa cấm viên chức các ngành, các cấp vòi vĩnh doanh nghiệp.

Ông Doanh kể chuyện ông tận mắt chứng kiến. Trước Tết Âm lịch vừa qua, chủ một khách sạn ở Hà Nội nhận được thư chúc Tết của một cơ quan quản lý nhà nước. Thư có kèm một danh sách 35 cán bộ và đề nghị người chủ khách sạn này “mừng tuổi” cho 35 cán bộ đó. Mới đây, chủ khách sạn vừa kể lại nhận được đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước từng xin tiền “mừng tuổi,” tài trợ cho cán bộ của họ... đi nghỉ Hè.

Ông Doanh kể thêm một chuyện khác, khi đi công tác, ông được chủ tịch một huyện mời ăn tối. Lúc tiệc gần tàn, thì có vài người là chủ doanh nghiệp được gọi tới để thanh toán bữa tiệc do chủ tịch huyện tổ chức!

Hồi tháng 10 năm ngoái, Ngân Hàng Thế Giới (WB) công bố báo cáo cập nhật về môi trường kinh doanh. Theo đó, môi trường kinh doanh của Việt Nam có tốt hơn trước. Tuy nhiên, một chuyên gia kinh tế tên là Lưu Bích Hồ cho rằng, điều đó chưa chính xác vì những thủ tục “lòng vòng,” nhiều chi phí để “bôi trơn” đã không được tính đến. Ông Hồ đề nghị VCCI cử người hỗ trợ các cuộc khảo sát của WB vì “nhiều vấn đề chỉ ta mới biết, còn họ không thể nắm được.”

“Vòi vĩnh” doanh nghiệp không phải chuyện mới. Tuy không mới và dù chế độ Hà Nội đã nhiều lần thề thốt sẽ dẹp tận gốc tệ nạn này song “vòi vĩnh” vẫn tồn tại và phát triển.

Vào tháng 12 năm 2013, WB công bố kết quả một cuộc khảo sát do họ thực hiện tại Việt Nam. Theo đó, 70% doanh giới xác nhận, tại Việt Nam, khi có việc cần tới chính quyền, muốn dễ dàng thì phải dùng tiền để bôi trơn. Lúc đó, WB cảnh báo rằng, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tham nhũng và tăng trưởng kinh tế luôn ngược chiều với nhau.

Tham nhũng càng cao thì tăng trưởng kinh tế càng thấp. Mức độ hối lộ càng lớn thì tỉ lệ tăng trưởng trung bình của doanh nghiệp, kể cả về doanh số thực cũng như về năng suất lao động càng nhỏ.

Từ đó đến nay đã hơn một năm, sau khi nhà cầm quyền CSVN thề thốt, hứa hẹn nhiều lẩn, vẫn còn những cơ quan quản lý nhà nước thản nhiên gửi danh sách cán bộ yêu cầu chủ doanh nghiệp “mừng tuổi,” đề nghị chi tiền hỗ trợ cán bộ đi nghỉ hè. (G.Đ.)
03-22- 2015 3:17:21 PM

No comments:

Post a Comment