Tuesday, March 31, 2015

Chi 1 tỷ đô la xây tháp truyền hình chỉ để làm 'biểu tượng'

HÀ NỘI (NV) - Mục tiêu chính của dự án xây dựng tháp truyền hình cao nhất thế giới là để có một biểu tượng, thu hút du lịch, phát triển kinh tế, còn thu phát sóng truyền hình là chuyện phụ. 


Phối cảnh “tháp truyền hình cao nhất thế giới.” (Hình: VTV)


Đó là tuyên bố của ông Nguyễn Thành Lương, phó tổng giám đốc Đài Truyền Hình Việt Nam (VTV), trưởng ban chuẩn bị dự án xây tháp truyền hình với tờ Tuổi Trẻ.

Theo VTV, dự án xây dựng tháp truyền hình 636 mét, chi phí khoảng 1 tỷ Mỹ kim với mục tiêu như ông Lương tiết lộ đã được ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng Việt Nam tán thưởng nên tán thành.

Tuy nhiên ý tưởng đó đang bị công chúng Việt Nam chỉ trích kịch liệt. Mới đây, 45 nhân sĩ, trí thức, bao gồm một số cựu viên chức chính quyền như ông Chu Hảo - cựu thứ trưởng Bộ Công Nghệ-Môi Trường, ông Hồ Uy Liêm - cựu chủ tịch Liên Hiệp Các Hội Khoa Học-Kỹ Thuật Việt Nam,... đã cùng ký tên vào một thư ngỏ, đề nghị tổng giám đốc VTV giải đáp bốn thắc mắc về dự án xạy dựng tháp truyền hình cao nhất thế giới của VTV.

Theo đó, tháp truyền hình mà VTV sẽ xây có thực sự phục vụ yêu cầu phủ sóng toàn lãnh thổ nếu chỉ dùng công nghệ analog, trong khi theo quy hoạch của ngành truyền hình Việt Nam, đến năm 2020, sẽ thu hẹp phạm vi sử dụng công nghệ này?

Tuy công nghệ analog có ưu điểm là phát được sóng tới các vùng hẻo lánh với phẩm chất cao, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết như qua vệ tinh song địa hình của Việt Nam vốn dài thành ra tháp truyền hình mà VTV sẽ xây ở Hà Nội có thể chỉ thu - phát sóng đến Lào và Trung Quốc. VTV có ý định dùng tháp truyền hình một tỷ Mỹ kim để tiếp sóng các Đài Truyền Hình của Trung Quốc?

Việt Nam hiện có 63 tỉnh, thành phố và tỉnh, thành phố nào cũng đã có tháp truyền hình riêng. Chưa có quốc gia nào trên thế giới mà tỉnh nào cũng có một Đài Truyền Hình bất kể diện tích lớn hay nhỏ. Hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre chỉ cách nhau 20 cây số cũng có tháp truyền hình - phát thanh riêng. Những nhân sĩ, trí thức ký tên vào thư ngỏ thắc mắc: Các đài chuyển tiếp VTV ở các địa phương đã hoạt động hết công suất chưa? Đường trục cáp quang của quân đội và VNTP có dung lượng rất lớn đã được sử dụng tối ưu chưa?

Nếu những lý do chính trị, kinh tế, kỹ thuật để xây tháp truyền hình “cao nhất thế giới” đều không đủ vững để thuyết phục mọi người thì mục đích thật sự của “tháp truyền hình cao nhất thế giới” là gì? Kinh doanh du lịch giải trí hay còn ý đồ nào khác?

Những nhân sĩ, trí thức ký tên vào thư ngỏ nhắc lại một thực tế phổ biến, đó là dân chúng đang rất ngán ngẩm, phẫn nộ trước những cái bánh chưng, tô hủ tíu, tượng Phật, ngôi chùa, đài kỷ niệm “nhất thế giới,” “nhất Châu Á,” “nhất Đông Nam Á.” Họ nhấn mạnh, liệu “tháp truyền hình cao nhất thế giới” với chi phí lên tới cả tỷ Mỹ kim có thiết thực hay chỉ tô đậm thêm bộ mặt hãnh tiến của một quốc gia vừa thoát khỏi đói nghèo, đang chật vật xin ngoại viện để ra khỏi khủng hoảng kinh tế, giữa lúc đa số dân chúng còn thiếu cơm ăn, áo mặc. Trẻ em thiếu trường học. Đau bệnh thiếu nơi điều trị. Bệnh viện thiếu giường cho người bệnh nằm?...

Cũng cần nhắc lại, thủ tướng Việt Nam đã từng là người tán thưởng và tán thành dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên. Nay thì những dự án này vừa là thảm họa về môi trường, vừa gây thảm họa về kinh tế và không có ai chịu trách nhiệm. (G.Đ)

03-31-2015 3:15:23 PM

No comments:

Post a Comment