Sunday, February 1, 2015
Vì sao người miền Tây lao đao khi Trung Quốc ngưng mua rắn?
60-70% rắn thương phẩm nuôi trong 2-3 năm đạt tiêu chuẩn đều được thương lái gom mua rồi xuất sang Trung Quốc. Khi phía thị trường chính ngừng gom hàng, người nuôi rắn lao đao.
Cách đây vài năm, rắn hổ hèo là loài vật nuôi đem lại thu nhập tiền tỷ cho nhiều nông dân ở miền Tây, nhưng hiện tại không ít hộ mất ăn, mất ngủ, thậm chí lâm cảnh nợ nần. Nguyên nhân là thương lái ngừng thu mua do đầu nậu Trung Quốc không nhập khẩu hàng.
Là người tiên phong trong việc nuôi rắn hổ hèo ở xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn, An Giang, ông Trần Văn Hoàng cho biết, gần một năm nay, 240 con rắn nhà ông vẫn nằm nguyên trong chuồng, không bán được con nào. Ông Hoàng cho biết, trước đây, việc xuất bán diễn ra đều đặn. Khi rắn đạt đủ cân nặng, người nuôi như ông chỉ cần gọi một cú điện thoại là thương lái đến tận nhà thu mua. Thậm chí, có thời điểm rắn còn chưa đủ trọng lượng, thương lái đã bỏ tiền ra đặt cọc năn nỉ mua bằng được.
Đột nhiên vài tháng nay, thị trường Trung Quốc không "ăn" rắn của người dân khiến số lượng lớn rắn đến lúc xuất bán bị ách lại. Chủ nuôi cho biết khi gọi điện mời chào thương lái thì được những người này giải thích là thị trường nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, không nhập loại này nữa nên việc thu mua của các đầu nậu trong nước cũng phải tạm ngừng lại.
Hiện tại với việc đầu tư nuôi rắn, không ít hộ mất ăn, mất ngủ, thậm chí lâm cảnh nợ nần. Ảnh: Ngọc Trinh.
Tình trạng thương lái ngừng thu mua khiến cho giá rắn rớt thảm, nông dân nuôi loài vật này đang đứng ngồi không yên không chỉ diễn ra tại An Giang mà đã xuất hiện ở một vài tỉnh khác ở đồng bằng sông Cửu Long.
Anh La Minh Vũ, ở khu vực 1, phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy - một trong những hộ nuôi rắn hổ hèo có tiếng ở tỉnh Hậu Giang - cho biết, lượng hàng xuất sang Trung Quốc chiếm 60-70% và khoảng 10-15% sang các nước khác. Phần còn lại được tiêu thụ ở Việt Nam, song thường chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Người nuôi rắn miền Tây bán con giống chủ yếu cho thương lái Trung Quốc và phụ thuộc tương đối nhiều vào thị trường này.
Theo anh Vũ, rắn hổ hèo chỉ xuất bán được theo thời điểm chứ không diễn ra quanh năm. Thương lái Trung Quốc thường săn mua trứng rắn với giá 140.000-180.000 đồng/trứng vào tháng 2-3. Còn nếu bán cho thương lái trong nước ở thời điểm đó, giá trứng chỉ 15.000-25.000 đồng/quả. Do đó, phần lớn các hộ nuôi đều giữ lại trứng để ươm nuôi thương phẩm, đợi đến tháng nắng để bán do Trung Quốc không tiêu thụ vào mùa đông. Thông thường, thời gian để rắn trưởng thành, đủ tiêu chuẩn xuất bán mất khoảng 2-3 năm. Chính điều này khiến cho lượng rắn tồn thường tập trung vào một thời điểm với số lượng tương đối lớn. Hộ nuôi nào có tiềm lực tài chính mới có thể duy trì, còn nếu đổ xô ồ ạt đi nuôi thì nguy cơ đổ bể là khó tránh.
Ông Phan Chiến Hải, nuôi 300 con rắn ở ấp Thới Xuyên, xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ buồn bã nói, đầu ra đang bế tắc, nhưng người dân vẫn cứ phải nuôi. Để rắn đạt trọng lượng trên 3 kg, hộ nuôi phải bỏ thời gian chăm sóc từ 2,5 đến 3 năm. Đối với rắn hổ hèo loại 3-5 kg/con, phải bán với mức giá 1,2 -1,3 triệu đồng/kg (lúc cao điểm) người nuôi mới có lãi khá. Với giá hiện tại, nếu bán rắn, gia đình anh lỗ trên 60 triệu đồng. Nhưng anh Hải chia sẻ vẫn phải bấm bụng phải bán để lấy tiền để xoay sở mua thức ăn cho đàn rắn nhỏ 120 con đang nuôi trong nhà.
Chia sẻ về những khó khăn của người nuôi rắn gặp phải hiện nay, anh Dương Hoài Nhã ở ấp Tây Bình, xã Thoại Giang, An Giang cho biết, thị trường nước ngoài không tiêu thụ rắn nữa nên người nuôi gặp khó khăn rất lớn. "Gọi cho thương lái đầu nậu trong nước thì họ nói hiện giờ chỉ bán được trong nước với số lượng ít, thu nhập của các đầu mối này bấp bênh nên có người không đi thu gom nữa, người chuyển sang nghề khác", anh Nhã buồn bã cho biết. 150 con rắn cả giống cả thương phẩm do gia đình anh Nhã nuôi vẫn đang nằm trong chuồng chờ xuất bán. Trong khi đó, số tiền 4 triệu đồng vay vốn phục vụ chăn nuôi đến hiện tại anh chưa trả được, mà vẫn phải duy trì chi phí thức ăn hàng ngày cho cả đàn nên càng tốn kém.
Tại xã Thoại Giang, nhiều hộ gia đình cũng đã ngừng triển khai nuôi rắn dù được hỗ trợ vốn. Theo ông Đặng Thành Trung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thoại Giang, việc hỗ trợ vốn vay cho các hộ gia đình nuôi rắn dừng triển khai bởi đầu ra của mô hình sản xuất này gặp khó khăn, giá bán ở mức thấp. Hiện tại, giá rắn hổ hèo bị thương lái ép giá xuống chỉ còn 250.000 đồng/kg, chỉ bằng 1/4 so với trước.
Chủ nhật - 01/02/2015 13:51
Tác giả bài viết: Ngọc Trinh - Kim Thoa
Nguồn tin: Zing
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment