“Chống tham nhũng đầu tiên phải là từ trong nội bộ Đảng. Nhiều vụ việc từ nội bộ phát hiện rồi đẩy ra ngoài, từ đó mới có thông tin để chống tham nhũng”.
PGS-TS Nguyễn Minh Tuấn - Ảnh: Trường Sơn
Đây là chia sẻ của PGS-TS Nguyễn Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), khi trò chuyện với Thanh Niên về đề tài xây dựng, phát triển Đảng nhân dịp 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản VN.
* Ngày 27.2.2012, phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết (NQ) T.Ư 4 về xây dựng Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Bây giờ trong Đảng cũng có sự phân hóa giàu nghèo, có những người giàu lên rất nhanh, cuộc sống cách xa người lao động... Liệu rồi người giàu có nghĩ giống người nghèo không?... Mai kia Đảng này sẽ là Đảng của ai? Có giữ được bản chất là Đảng cách mạng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của dân tộc không?”. Sau 3 năm thực hiện NQ T.Ư 4, theo ông những vấn đề được Tổng bí thư nêu ra hiện nay như thế nào?
- Nguy cơ về một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất làm giảm niềm tin của nhân dân với Đảng vẫn được Đảng coi là nguy cơ rất lớn, ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị, sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Điều đó được Đảng xác định rất rõ. Trong những nhiệm kỳ liên tiếp gần đây, Đảng đều nhìn nhận việc chưa đẩy lùi được nguy cơ đó. Thậm chí có những mặt còn diễn biến phức tạp hơn nhiều.
"Thực tế là có một bộ phận đảng viên đang giàu lên nhanh chóng nhưng người dân họ đều biết ai giàu do làm ăn chân chính, ai giàu do tham nhũng. Trong cuộc chiến này nếu chúng ta tiếp tục phát huy được thì niềm tin của nhân dân đối với Đảng sẽ ngày càng cao hơn"
Sự phân hóa giàu nghèo cũng là một thực tế của kinh tế thị trường. Hướng phấn đấu là đừng để cho nó diễn ra quá nhanh, quá rộng và đòi hỏi chúng ta phải quan tâm nhiều hơn đến việc giải quyết các vấn đề xã hội, nhất là đối với người nghèo, vùng nghèo. Việc đảng viên phấn đấu trở thành người giàu là rất tốt, rất đúng, rất trúng. Nhưng cái giàu ấy phải do trình độ, năng lực, tài năng chứ không phải do tham nhũng. Chúng ta chống là chống cái giàu do tham nhũng. Phải phân biệt chỗ này.
Chống cái giàu bất chính phải có biện pháp. Vấn đề Đảng đưa ra thực chất rồi nhưng cần có biện pháp tốt nữa. Ví dụ, việc kê khai tài sản của đảng viên có đúng không, có thật tâm không. Nếu phát hiện ra việc kê khai không trung thực thì có xác minh không? Kể cả các vấn đề dư luận mạng xã hội nói ông A, B, C có từng ấy cái nhà chẳng hạn, thì cơ quan chức năng cũng phải có trách nhiệm nói lại cho đúng. Chúng ta có bao nhiêu cơ quan phát ngôn chính thống, cả cơ quan chủ quản của những cán bộ đó nữa. Thông tin sai thì anh phải thanh minh cho người ta. Anh phải nói lại sau khi xác minh. Biết đâu dư luận lại nói đúng thì sao?
Cái cần là làm cho người dân tiếp cận thông tin hoàn toàn tin tưởng, không hoang mang, không dao động. Thực tế là có một bộ phận đảng viên đang giàu lên nhanh chóng nhưng người dân họ đều biết ai giàu do làm ăn chân chính, ai giàu do tham nhũng. Trong cuộc chiến này nếu chúng ta tiếp tục phát huy được thì niềm tin của nhân dân đối với Đảng sẽ ngày càng cao hơn.
* Trong những năm qua ở VN hầu như rất ít quan chức bị xử lý, án tham nhũng lớn cũng rất hiếm. Đảng đánh giá tham nhũng nghiêm trọng nhưng không có vụ việc nổi cộm nào được xử lý thì liệu đó có phải vấn đề lớn?
- Chắc chắn chúng ta phải kiểm điểm sâu hơn nữa. Ai là người chống tham nhũng? Người chống đầu tiên phải là trong nội bộ Đảng. Nhiều vụ việc nói do nhân dân, báo chí phát hiện nhưng phải nói thẳng không hoàn toàn như thế. Các vụ việc chính do nội bộ đó phát hiện rồi đẩy thông tin ra ngoài. Từ đó mới có thông tin để chống tham nhũng. Bây giờ nhiều nơi không dám đấu tranh phê và tự phê trong nội bộ vì ngại chuyện trù úm, rồi ứng xử tiếp nhận khác nhau trong quá trình phê và tự phê.
Phải nói rằng cơ chế hiện nay chưa an toàn cho người phê bình chứ không phải họ không mạnh dạn đâu. Người ta mạnh dạn được nhưng cơ chế bảo vệ cho người phê bình đúng đắn rất khó khăn. Thực tế đó Đảng biết. Làm thế nào để tăng cường tinh thần đó, bảo vệ những người trung thực, thẳng thắn đấu tranh. Hãy tôn vinh họ, xã hội cần quan tâm họ nhiều hơn. Đừng chỉ tung hô rồi lãng quên họ ngay.
Bác Hồ nói Đảng mạnh là do tổ chức Đảng mạnh. Muốn từng tổ chức Đảng mạnh thì từng đảng viên phải mạnh, tức là phải tập hợp được sức mạnh của đảng viên. Nhiều chi bộ bây giờ ngồi nói chuyện tham nhũng rất ghê, nói cả nước nhưng không bao giờ nói chi bộ mình. Hình như chỗ mình không có ai, không có hành vi tham nhũng nào.
Hiện nay việc phân định rõ trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nhiều nơi còn chồng chéo, không rõ việc. Mà đã không rõ việc thì không rõ người. Không rõ người thì không kiểm điểm được. Điều đó cũng giống như chuyện “nhiều sãi mà không ai đóng cửa chùa”. Bác Hồ đã nói dân chủ là mọi việc đều được bàn, nhưng khi đã bàn rồi, quyết theo tập thể rồi thì phải giao cho một người phụ trách hoặc chủ trì thực hiện - tức là tập trung. Đó là một quy trình lãnh đạo, ai cũng biết cần phải làm đúng.
* Xin cảm ơn ông!
Trường Sơn
(thực hiện)
No comments:
Post a Comment