A Hảo mắc chứng u nguyên bào thần kinh đã vào giai đoạn 4. Em chỉ nghe mà không nói được tiếng Kinh. Đằng đẵng những năm tháng ở khoa Nội 3 (Bệnh viện Ung Bướu TPHCM), âm thanh duy nhất mà người ta nghe từ cậu bé người Xơ Đăng ấy là tiếng khóc.
Em khóc nghèn nghẹn, khó nhọc, khổ sở mỗi khi đau và mỗi khi đói. Còn lại, em im lặng, sự lặng im đầy sợ hãi của đứa trẻ núi rừng lạc lõng giữa thành phố xa lạ. Thế nhưng em vẫn thích ở lại nơi xa lạ này, chỉ với một lý do đơn giản “ở bệnh viện để… ăn cơm có thịt”.
Gia đình A Hảo ở khoa Nội 3, bệnh viện Ung bướu TP.Hồ Chí Minh.
Khổ từ lúc mới lọt lòng
10 năm có mặt trên cõi đời, A Hảo đã có “thâm niên” hơn 6 năm làm bạn với bệnh viện, ống tiêm, dây truyền. Đôi mắt to tròn ngơ ngác, cái đầu trọc lốc, cơ thể gầy gò, A Hảo nhìn người đối diện một giây rồi lại cúi mặt xuống, thỉnh thoảng em nói một vài tiếng Xơ Đăng. Bố mẹ em là anh A Vấp và chị Y Ly. Anh chị nói tiếng Kinh cũng không giỏi, nên câu chuyện giữa chúng tôi lúc được lúc mất.
Sau khi thận trọng đỡ con nằm xuống sao cho vết thương ở lưng không bị tứa máu, anh A Vấp quay sang chúng tôi giải thích bằng tiếng Kinh lơ lớ: “Mấy lần trước cô gọi là lúc bọn tui về núi, ở tít trên dãy Ngọc Linh, xa lắm! Điện thoại đôi khi không có sóng. Tui mới biết xài điện thoại đây, nên không có rành”. Vợ chồng anh mới đưa A Hảo xuống lại thành phố vài ngày nay. Người đàn ông khổ sở nhìn con, rồi nhìn sang vợ là chị Y Ly đang ngồi bên cạnh. Cả hai không nén nổi tiếng thở dài. Hai con người Xơ Đăng khốn khổ ấy lấy nhau tính ra cũng đã ngót nghét hơn 10 năm trời. A Hảo là con đầu lòng. Thằng bé sinh thiếu tháng. Gầy gò. Thấp bé. Nỗi bất hạnh bắt đầu đeo bám gia đình anh chị khi A Hảo được phát hiện mắc bệnh nan y. Gia cảnh vốn đã khó khăn lại càng thêm túng quẫn.
Chị Y Ly kể, năm 2009, A Hảo khi đó được hơn 3 tuổi, thằng bé cứ sốt liên tục nhiều ngày liền, luôn miệng kêu đau, người ngày càng gầy gò. Vợ chồng chị hái lá rừng về giã cho con uống nhưng người con vẫn sốt như lửa đốt. Anh chị đưa con ra bệnh viện huyện. Nằm ở bệnh viện huyện ba, bốn tháng trời mà “ma sốt” vẫn không chịu rời khỏi A Hảo. Bệnh viện làm giấy để anh chị chuyển con lên bệnh viện tỉnh Kon Tum. Ở đây, các bác sĩ nói con anh chị mắc bệnh u nguyên bào thần kinh, phải về dưới xuôi, ở TPHCM, người ta mới trị được. “Lúc nghe bác sĩ nói cháu bị u, tui nghĩ thì cắt cái u đi, con mình rồi cũng nhanh hết bệnh thôi. Tui nào có biết là cái u nó hết rồi nó lại mọc, lại đáng sợ hơn cái u trước, đeo đẳng cháu đã 6 năm nay” - anh A Vấp bật khóc. Người đàn ông với khuôn mặt sạm đen nắng gió Trường Sơn, nay giữa Sài Gòn bỗng yếu đuối đến tội nghiệp.
“Trước ngày đưa con về dưới xuôi chữa bệnh, anh em hai bên họp lại, cho A Hảo được 200 ngàn đồng, cùng với tiền vay mượn được gần 2 triệu đồng, anh chị đưa con xuống Sài Gòn, bắt đầu những ngày tháng cả gia đình sống lay lắt ở bệnh viện. “Ở trên núi, khó kiếm được đồng tiền lắm cô. Ai cũng khổ, anh em tui cho được 200.000 đồng là quý lắm!” - chị Y Ly giãi bày. Có tiền, mờ sáng, từ thôn Hà Lăng 2, xã Dak Na, cả gia đình đón xe đi huyện Tu Mơ Rông hết 100.000 đồng, từ huyện lên tỉnh Kon Tum hết 100.000 đồng nữa, rồi từ tỉnh về đến TPHCM hết 700.000 đồng. Một ngày đêm trên xe, cầm cự bằng một bữa cơm do nhà xe “bao”, anh chị cũng đến được bệnh viện Ung bướu TPHCM.
Nhờ người viết đơn gửi đến Báo Lao Động để cứu con
A Hảo được phẫu thuật, đầu năm 2010, bệnh của em ổn định, bác sĩ cho em về nhà, khoảng 2-3 tháng mới phải xuống bệnh viện để theo dõi, vô thuốc. Những ngày về núi, xuống xuôi để chữa bệnh cho con, cuộc sống của gia đình anh chị A Vấp, Y Ly bị đảo lộn. Nương rẫy bỏ hoang vì trồng xuống cây chưa kịp lên, trái chín chưa kịp hái, đã đến ngày đưa con về xuôi vô thuốc. Không làm nương được, anh chuyển qua làm thuê, ai thuê gì làm đó, chị ở nhà nuôi hai đứa con. Vợ chồng nhịn ăn nhịn mặc dành dụm tiền để chữa bệnh cho con.
Ngỡ đâu tai qua nạn khỏi, đâu ngờ, ngày 1.7.2014, bệnh của A Hảo tái phát, chuyển sang giai đoạn 4, bướu nổi to, sức thằng bé yếu, bác sĩ thông báo không thể phẫu thuật mà phải hóa trị lâu dài. Lần tái phát này, A Hảo phải ở lại bệnh viện lâu hơn, bảo hiểm y tế cũng không chi trả 100% cho em như trước. “Lúc trước bệnh viện Ung bướu có quỹ Sổ Vàng, những loại thuốc không có trong danh mục bảo hiểm y tế chi trả, gia đình A Hảo mua ở ngoài, quỹ Sổ Vàng của bệnh viện chi trả, nay nguồn quỹ cũng eo hẹp nên không thể chi trả cho bé như trước. Bệnh của A Hảo phải điều trị lâu dài, lúc trước, cả gia đình lo hai lần xe lên xuống đã khó, nay còn trả thêm viện phí cho con nữa thì đúng là rất khó khăn” - bác sĩ Đinh Phạm Hải Đường, bác sĩ điều trị trực tiếp cho A Hảo - cho biết.
“Nhà tui không có cái gì đáng giá để bán hết, cô à. Nhà có chút đất rẫy cũng đã cầm cố để vay 30 triệu chữa bệnh cho con. Bà con dân bản xung quanh, ai cũng khổ hết, người cho củ khoai, người cho bát gạo là quý lắm rồi. Khi tui bí quá, không biết bám vào đâu nữa thì có người cùng phòng bệnh kêu tui viết cái đơn gửi đến Báo Lao Động. Hồi trước, có đứa trẻ ở khoa Nội 3, bệnh viện Ung bướu này được Báo Lao Động cho tiền mà trị khỏi bệnh”- anh A Vấp thật thà kể lại.
Anh bảo, anh có học hết lớp 6 tiếng Kinh nhưng cả đời không biết đọc báo, chẳng biết viết chữ, giờ đi kêu viết đơn kêu cứu lên báo chẳng khác nào dắt đứa trẻ bỏ vào rừng rồi bắt nó tự tìm lối ra, nhưng vì con, anh để vợ con ở lại bệnh viện, mình anh về núi, nhờ người viết đơn để cứu con. Anh chạy khắp thôn cùng xã cũng tìm được một người giỏi tiếng Kinh viết giúp anh cái đơn. Cầm tờ đơn với đầy đủ chữ ký của trưởng thôn Hà Lăng 2, dấu đỏ của UBND xã Dak Na, anh ra bưu điện, nhờ anh bưu tá điền giúp địa chỉ Báo Lao Động “ở đâu ngoài thủ đô” vào bìa thư. Anh gửi đơn đi, với hy vọng đơn ấy sẽ cứu được con mình.
Chỉ còn trông chờ vào tấm lòng của mọi người
Trên loa của bệnh viện gọi A Hảo hai lần. Anh vội vàng bế con đi tiêm thuốc. 6 năm nằm viện, chịu đau đớn với bao lần mổ xẻ, tiêm thuốc, hóa trị… nhưng lần nào khi vào thuốc, thằng bé cũng quíu tay chân, nước mắt chực rơi. Mỗi lần như thế, anh A Vấp đều nói một câu tiếng Xơ Đăng, mặt A Hảo dãn ra. Anh bảo “nói với con là nín đi, chịu đau mới lành bệnh, chịu đau để ở bệnh viện mà ăn cơm có thịt”. Dứt lời, thì nước mắt của vợ chồng anh chảy dài.
Chị Y Ly kể từng tiếng, giọng khàn khàn, lơ lớ. A Hảo thích ở bệnh viện vì ở đây được ăn cơm từ thiện có thịt, có cá. Còn về nhà, những bữa cơm thường ngày của A Hảo, nếu không là mớ măng le luộc thì cũng chỉ là nắm lá mì gòn giã ra nấu canh ăn với ít cơm trắng. Hôm nào A Hảo thèm một món mặn, thoảng hoặc đôi ba lần, chị Y Ly lặn lội ra chợ tìm mua vài con cá trích, rồi về chặt cây chuối non sau nhà, thái nhỏ rồi cho vào nấu nắm cá cho con. Trong ký ức đứa trẻ bệnh tật, có lẽ, ngoài món mắm cá nấu thân chuối non ấy thì món “cơm có thịt”, cơm từ thiện ở bệnh viện chính là những món ăn ngon nhất trên đời. Có lẽ, với A Hảo, bữa cơm có thịt đã át đi nỗi nhớ nhà, nhớ núi rừng, xóa đi những nối ám ảnh về cái mùi khẳm chua ở bệnh viện và những cơn đau kinh hoàng từ căn bệnh u nguyên bào thần kinh quái ác đang giày vò em.
Ngồi nói chuyện, chị Y Ly đưa tay quệt nước mắt đôi lần. Nhìn con, chị nức nở kể, có người nói “bệnh thằng bé dù sao cũng nặng lắm, đưa nó về quê, ráng kiếm gì ngon cho nó ăn. Chứ cứ vay tiền ngân hàng, rồi cuối cùng con cũng không cứu được mà nợ thì chồng chất”. Chị khóc “thân làm cha mẹ, sinh con ra mà không nuôi được con, vợ chồng tui đã hận mình. Con còn nằm đó, còn ở bên cạnh mình, dù chỉ một hơi thở, tui cũng sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Nhưng giờ bí quá, chỉ còn trông chờ vào tấm lòng của mọi người”.
Ôm con vào lòng, anh A Vấp ngậm ngùi. Trong góc tối của phòng bệnh, vợ anh khẽ lấy tay quệt ngang dòng nước mắt…
Ngày 29/1/2015 - 14:22
Theo LÊ TUYẾT - VÂN NGUYỄN (Lao động Online)
No comments:
Post a Comment