Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Trong cuộc họp báo hôm 29.1, ông Dương Vũ Quân, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, tuyên bố Trung Quốc sẽ tăng cường triển khai nhiều tàu chiến đến Ấn Độ Dương, theo AFP.
Nhưng ông Dương nói giảm về các hoạt động của hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, cho rằng “những hoạt động này là bình thường và không cần phải nói nhiều nữa”.
“Kể từ năm 2008, Trung Quốc triển khai nhiều loại tàu khác nhau đến vịnh Aden để tham gia các sứ mệnh hộ tống và chống hải tặc quốc tế. Chúng tôi đã thông báo với các quốc gia có liên quan về những sứ mệnh hộ tống của tàu hải quân PLA (Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc), bao gồm tàu ngầm”, ông Dương cho hay.
“Trong tương lai, quân đội Trung Quốc sẽ gửi thêm nhiều loại tàu hải quân khác nhau đến thực hiện các sứ mệnh hộ tống tùy theo tình huống và yêu cầu để hoàn thành nhiệm vụ”, ông Dương cho biết thêm.
Theo nhận định của tạp chí The Diplomat (trụ sở ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản), sự hiện diện của tàu ngầm Trung Quốc ở Ấn Độ Dương khiến cho Ấn Độ phải quan ngại.
Các quan chức Ấn Độ từng nhấn mạnh rằng việc Bắc Kinh triển khai tàu ngầm đến Ấn Độ Dương sẽ vượt qua “một lằn ranh đỏ” và kích ngòi một cuộc chạy đua vũ trang hải quân trong khu vực.
Chuyên gia người Mỹ chuyên nghiên cứu về Trung Quốc, bà Shannon Tiezzi, cho biết nhiều nhà phân tích Ấn Độ và phương Tây tin rằng Trung Quốc đang theo đuổi một chiến lược hải quân dài hạn nhằm thống trị Ấn Độ Dương.
Hãng tư vấn Mỹ Booz Allen Hamilton hồi năm 2005 từng gọi chiến lược này của
Trung Quốc là chiến lược “chuỗi ngọc trai”, theo đó Bắc Kinh sẽ mở rộng sự hiện diện hải quân bằng cách xây dựng những cảng dân sự dọc theo bờ biển hướng ra Ấn Độ Dương. Nhưng những cảng dân sự này có thể biến thành quân cảng và phục vụ cho tàu chiến của hải quân Trung Quốc nếu cần thiết.
Trung Quốc đầu tư mạnh vào xây dựng cảng Gwadar ở Pakistan thường được trích dẫn làm một ví dụ điển hình cho chiến lược “chuỗi ngọc trai”, và Bắc Kinh cũng đầu tư mạnh vào các cảng ở Sri Lanka, Bangladesh và Myanmar.
Bắc Kinh cố đánh lạc hướng Ấn Độ và phương Tây, luôn miệng gọi chiến lược “chuỗi ngọc trai” là “con đường tơ lụa”, theo The Diplomat.
Các tàu chiến Trung Quốc trong một cuộc tập trận - Ảnh: Reuters
Chuyên gia Prem Mahadevan, thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh (Thụy Sĩ), cho hay: "Về trung hạn, nhiều quốc gia ở vùng Ấn Độ Dương sẽ không thể nào chấp nhận được sự hiện diện hải quân của Trung Quốc trong khu vực”.
“Tuy nhiên, về dài hạn, chính phủ những nước ở vùng Ấn Độ Dương có thể phải chấp nhận sự hiện diện hải quân của Trung Quốc ngày càng gia tăng vì không muốn hủy hoại các thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh”, theo ông Mahadevan.
Kể từ năm 2008, Trung Quốc bắt đầu mở rộng Hạm đội Nam Hải, một trong số ba hạm đội hiện tại của nước này. Theo ông Mahadevan, Bắc Kinh đang trong tiến trình tạo ra một hạm đội thứ tư đặt căn cứ tại đảo Hải Nam (Trung Quốc), bao gồm hai đội tàu sân bay vào năm 2020.
Nếu được hình thành, hai đội tàu sân bay của Trung Quốc sẽ hoạt động ở Ấn Độ Dương và đe dọa cả thế độc tôn của hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Sự hiện diện của hai đội tàu sân bay này ở Ấn Độ Dương có thế làm gia tăng nguy cơ xảy ra những vụ đụng độ trên biển, ông Mahadevan nhận định.
Những động thái của Trung Quốc kể trên khiến các quốc gia ở vùng Ấn Độ Dương đặt nghi vấn về tuyên bố “trỗi dậy hòa bình” của Bắc Kinh.
01/02/2015 15:51
Phúc Duy
No comments:
Post a Comment