Sunday, February 8, 2015

Vì sao Mỹ muốn kinh tế Nga thoi thóp?

(Baodatviet) - Làm suy yếu hay thậm chí sụp đổ nền kinh tế Nga không phải là mục tiêu của Mỹ, Phó Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố tại hội nghị an ninh Munich.

Tuy nhiên, ông Biden cảnh báo Nga trước những hậu quả kinh tế ngày càng gia tăn liên quan chính sách của nước này với Ukraine.
"Tổng thống Putin phải dưa ra một quyết định đơn giản, đó là hoặc rút (lực lượng) khỏi Ukraine hoặc phải tính tới những tổn hại về kinh tế ngày càng lớn của nước này".
Trong phát biểu của mình, Phó Tổng thống Biden cũng chỉ trích Nga ngày càng "rời xa cộng đồng các nước dân chủ," mặc dù Mỹ và châu Âu vài năm trước đã đề xuất tái khởi động mối quan hệ cũng như liên kết về kinh tế và chính trị chặt chẽ hơn với Moscow, song rất tiếc Tổng thống Putin đã "lựa chọn một con đường khác". 
 một cửa hiệu thời trang ở St.Petersburg. Nền kinh tế Nga đang khủng hoảng do giá dầu và cấm vận phương Tây
Nền kinh tế Nga đang khủng hoảng do giá dầu và cấm vận phương Tây. Trong ảnh là một cửa hiệu thời trang ở St.Petersburg. 
Ông cũng cho rằng phương Tây cũng sẽ không chấp nhận nước nào thiết lập phạm vi ảnh hưởng của mình, khẳng định Mỹ và châu Âu phải quyết tâm và luôn thống nhất việc hỗ trợ cho Ukraine. 
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng nói rằng chính sách của Tổng thống Putin đã khiến thế giới ngày nay khác hoàn toàn những năm trước.
CNN từng nhận định sẽ chẳng ai đắc lợi nếu kinh tế Nga sụp đổ. Đồng Rúp rơi tự do, khủng hoảng kinh tế tại Nga do giá dầu giảm và lệnh cấm vận quốc tế  tác động tiêu cực tới lợi nhuận của các quốc gia và doanh nghiệp có quan hệ làm ăn với Nga. Vậy nhưng, chấp nhận "đau thương" để trừng phạt kinh tế Nga, Mỹ đang nhắm tới mục đích chính trị như ông Biden tuyên bố, đó là buộc Tổng thống Putin phải rút quân khỏi Ukraine.
Điều này cũng từng được Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận hồi tháng 12 năm ngoái khi cho rằng, Tổng thống Putin sẽ thay đổi đường lối chính trị một khi kinh tế Nga, vốn "đã bị cắn một vết đau" bởi các vòng trừng phạt của phương Tây, suy yếu thêm.
Vào thời điểm đó, ông Obama cho rằng: "Thách thức ở đây là việc đó lại đang phát huy hiệu quả về mặt chính trị cho ông ấy ở trong nước Nga, dù nó cô lập Nga hoàn toàn với quốc tế", ông Obama nói. "Nếu các anh hỏi tôi có lạc quan rằng Putin sẽ đột ngột thay đổi suy nghĩ của ông ấy không, tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra cho đến khi chính trị Nga bắt kịp với những diễn biến của nền kinh tế Nga, đó là một phần lý do tại sao chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì áp lực" về kinh tế.
Liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, Ngoại trưởng Nga Lavrov cho rằng, cuộc khủng hoảng này không thể giải quyết bằng biện pháp quân sự, đồng thời cảnh báo Mỹ về kế hoạch hỗ trợ thiết bị quân sự cho Kiev, hành động có thể tạo ra những "hậu quả khôn lường," phá hoại những nỗ lực hiện nay để giải quyết khủng hoảng. 
Ông Lavrov cũng nêu rõ trong các diễn biến khủng hoảng Ukraine, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) luôn có những động thái khiến căng thẳng leo thang, trong đó có việc mời chào Ukraine "Thỏa thuận liên kết" trong khi chưa thảo luận với Nga. 
Tại cuộc gặp riêng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ở Munich, Ngoại trưởng Lavrov cũng khẳng định Nga sẽ không "hy sinh lợi ích quốc gia, song sẵn sàng can dự một cách xây dựng" với Mỹ. 
Ông cũng cho rằng việc tìm cách gây sức ép với Nga bằng các biện pháp trừng phạt sẽ là vô ích và sẽ không giúp giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.
An Nhiên (Tổng hợp)

No comments:

Post a Comment