Sunday, February 8, 2015

Mua trúng 'con ruồi trong chai nước', phải làm gì?

08.02.2015 | 09:58 AM
Chai trà xanh không độ có gián, 50 triệu và 3 năm tù

Nếu phát hiện 'con ruồi trong chai nước' thì theo luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng trước hết phải liên hệ với đơn vị sản xuất hoặc đơn vị phân phối để phản ảnh và đề nghị giải quyết bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, đó là giai đoạn gọi là "thương lượng".

Tin tức trên báo Tuổi trẻ, ngày 5/6/2012, anh Nguyễn Quốc Tuấn (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) mua chai trà xanh không độ của Công ty Tân Hiệp Phát, chai nước còn nguyên nhãn mác, nắp chưa khui nhưng bên trong có con gián.

Anh Tuấn đã gặp phía doanh nghiệp sản xuất, thỏa thuận với phía doanh nghiệp bằng biên bản có nội dung: “Phía công ty yêu cầu xem sản phẩm, anh Tuấn cung cấp sản phẩm (sản xuất ngày: 14/11/2011, hạn sử dụng: 14/11/2012). Công ty cảm ơn anh Tuấn, đề nghị anh Tuấn cho đổi sản phẩm, tặng 2-4 thùng trà cảm ơn. Anh Tuấn không chấp nhận đề nghị và giữ nguyên yêu cầu công ty trả 50 triệu đồng, nếu không sẽ công bố thông tin cho nhiều người biết...”.

Theo đại diện của doanh nghiệp, biên bản giao nhận tiền có nội dung: anh Tuấn nhận 50 triệu đồng, trả lại cho công ty chai nước có con gián. Anh Tuấn cam kết không công bố chuyện này cho người khác biết, công ty cũng không làm khó dễ anh Tuấn. Sau cuộc giao nhận, ghi biên bản, ký tên thì công an bắt anh Tuấn, thu giữ luôn biên bản này.

Ngày 17/7/2013, Tòa án nhân dân Q.Bình Thạnh xét xử sơ thẩm vụ án, tuyên phạt Nguyễn Quốc Tuấn 3 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản.

Hay như trường hợp anh Võ Văn Minh,ngày 27/1/ 2015, Cơ quan CSĐT Công an Tỉnh Tiền Giang tạm giữ hình sự Võ Văn Minh (Cái Bè, Tiền Giang) để điều tra và xử lý về hành vi Cưỡng đoạt tài sản.

Trước đó, trong lúc lấy chai nước ngọt Number 1 để bán cho khách, người này đã phát hiện một con ruồi bên trong. Minh liền liên hệ với công ty Tân Hiệp Phát thông báo sự việc.

Minh ra giá cho sự im lặng là 1 tỷ đồng, nếu không sẽ cung cấp thông tin cho báo chí và in tờ rơi phát tán.

Sau 3 lần thỏa thuận, phía công ty Tân Hiệp Phát đồng ý trả cho Minh 500 triệu đồng. Tuy nhiên, Tân Hiệp Phát cũng đồng thời báo công an.

Khi đến thỏa thuận và nhận tiền, Minh đã bị bắt quả tang với tội danh Tống tiền, Cưỡng đoạt tài sản.

Từ những vụ phát hiện 'con ruồi trong chai nước' trên, người tiêu dùng đều bị bắt vì tội Cưỡng đoạt tài sản. Vậy người tiêu dùng nên làm thế nào để không bị đi tù khi phát hiện dị vật trong sản phẩm?

Mua trúng 'con ruồi trong chai nước', phải làm gì? - Ảnh 1
Nếu phát hiện 'con ruồi trong chai nước' thì theo luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng trước hết phải liên hệ với đơn vị sản xuất hoặc đơn vị phân phối để phản ảnh và đề nghị giải quyết bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, đó là giai đoạn gọi là "thương lượng". (Ảnh minh họa).

Làm gì để không bị đi tù nếu phát hiện 'con ruồi trong chai nước'?

Trên báo Tuổi Trẻ, bà Phan Thị Việt Thu - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM cho biết:

Nếu phát hiện sản phẩm có vấn đề thì theo luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng trước hết phải liên hệ với đơn vị sản xuất hoặc đơn vị phân phối để phản ảnh và đề nghị giải quyết bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, đó là giai đoạn gọi là "thương lượng".

Nhà sản xuất có trách nhiệm phải giải quyết thỏa đáng quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Nếu không thương lượng được, người tiêu dùng tiếp bước thứ 2 là liên hệ với tổ chức xã hội có chức năng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để nhờ can thiệp.

Tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ tổ chức phiên hòa giải giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp trên cơ sở luật pháp để tìm giải pháp giải quyết hợp lý.

Trong trường hợp không hòa giải được thì người tiêu dùng có quyền khởi kiện tại tòa án.

Ông Đỗ Ngọc Chính (Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng - Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN) cũng nêu quan điểm:

"Khi gặp những trường hợp như mua phải thực phẩm kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh... người tiêu dùng có quyền khiếu nại để đòi bồi thường thiệt hại đối với nhà sản xuất, phân phối.

Việc thương lượng, đền bù vật chất, tiền bạc bao nhiêu thuộc về cách giải quyết của hai bên. Trong đó, người tiêu dùng có quyền đưa ra giá trị bồi thường đối với nhà sản xuất, phân phối, còn chuyện đồng ý hay không là do hai bên quyết định.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

No comments:

Post a Comment