Saturday, January 31, 2015

Nông dân còn phải chờ rất lâu để sống được nhờ lúa


01-30- 2015 2:15:23 PM
HÀ NỘI (NV) - Tuy là “Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo giai đoạn 2015-2030” song lại không có câu trả lời cho thắc mắc, làm sao để nông dân bớt nghèo và bao giờ nông dân sống được nhờ lúa.
Rao bán một mảnh ruộng ở Thủ Thừa, Long An. Sau năm năm thực hiện “nghị quyết tam nông”, người cày thi nhau bỏ ruộng. (Hình: Đất Việt)

Cuối tuần vừa qua, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD) giới thiệu đề án vừa kể để giới chuyên gia kinh tế, nông nghiệp góp ý.

Theo ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng IPSARD, thì “Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo giai đoạn 2015-2030” nhằm nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của lúa gạo, bảo đảm sự hài hòa về lợi ích, công bằng đối với nông dân và giúp nông nghiệp phát triển bền vững.

Đề án đề ra một số giải pháp để từ nay đến năm 2030, những nông dân trồng lúa có thể đạt mức lợi nhuận ít nhất là 30%.

Tuy nhiên, theo tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn, một số chuyên gia cho rằng, không nên lấy chuyện giúp những nông dân trồng lúa đạt được lợi nhuận 30% làm mục tiêu. Tái cơ cấu ngành lúa gạo phải nhắm đến chuyện làm sao cho nông dân có thể sống được nhờ lúa.

Những chuyên gia này nhận định, dự tính thời gian thực hiện đề án vừa kể kéo dài đến 15 năm là không ổn. Chính sách đối với nông nghiệp, nông dân cần thay đổi ngay và sẽ có hiệu quả tức thời. Trước đây, Việt Nam chỉ cần lấy ruộng từ các hợp tác xã nông nghiệp, trả lại cho nông dân thì chỉ vài năm sau, lúa gạo không chỉ đủ ăn mà còn dư thừa đề xuất cảng.

Các chuyên gia bảo rằng, nếu chỉ có Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn phê duyệt đứng ra thực hiện “Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo giai đoạn 2015-2030” thì sẽ chẵng đến đâu. Chẳng hạn nếu Bộ Công Thương đứng ngoài cuộc chơi thì làm cách nào để điều chỉnh hoạt động kinh doanh, xuất cảng lúa gạo?

Năm 2009, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra một nghị quyết về nông nghiệp, nông thôn và nông dân (thường được gọi tắt là nghị quyết về tam nông). Cuối năm 2013, chế độ Hà Nội tổ chức sơ kết năm năm thực hiện nghị quyết về tam nông.

Lúc đó, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn CSVN thú nhận, mức sống của nông dân vẫn thấp, khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị vẫn tăng, bảo đảm an sinh xã hội cho nông dân không có, nông dân phải tự gánh chịu đủ loại rủi ro do thu hồi đất đai nhưng bồi thường không thỏa đáng, nông dân bị buộc đóng góp quá mức...

Còn nhiều chuyên gia về kinh tế, nông nghiệp thì nói thẳng, các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, nông dân thật ra chỉ giúp những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hưởng lợi chứ nông dân chẳng nhận được gì.

Ông Hồ Xuân Hùng, một cựu thứ trưởng của Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn của chế độ, nhận xét, rất nhiều chính sách hỗ trợ nông dân không có hiệu quả vì thiếu khả thi. Trong khi hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như những tổng công ty lương thực, chuyên xuất cảng gạo rất cao, lãi rất lớn thì đầu tư trở lại cho nông dân gần như “không có gì”.

Tuy nhà cầm quyền CSVN đặt định nhiều chính sách và nhận được sự yểm trợ của nhiều tổ chức quốc tế nhằm giúp nông dân Việt Nam thoát khỏi đói nghèo nhưng kết quả cuộc nghiên cứu về gia đình ở nông thôn do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện và công bố hồi hạ tuần tháng 11 năm 2013, cho thấy, có tới 42% nông dân không cảm thấy hạnh phúc vì thu nhập quá thấp, không tương xứng với sức lực mà họ bỏ ra.

Thu nhập thấp cũng là lý do tạo ra nhiều rủi ro. CIEM ước tính, thiệt hại trung bình đối với đủ loại rủi ro  (thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi…) đổ lên đầu mỗi gia đình nông dân ở mức khoảng 8 triệu đồng một năm. Những gia đình nghèo, thuần nông (chỉ trồng trọt, chăn nuôi, không buôn bán) gặp rủi ro nhiều hơn và gánh chịu thiệt hại nặng nề hơn những gia đình khác tại nông thôn.

CIEM cho biết, chỉ có chừng 50% số gia đình hồi phục hoàn toàn sau những cú sốc (sốc do thiên tai, sốc vì thị trường – chi phí tăng, giá bán giảm, sốc cá nhân do gia đình có người đau bệnh, qua đời).

Kết quả nghiên cứu còn cho thấy nông dân vẫn là bộ phận gánh chịu nhiều thiệt thòi nhất Việt Nam. Ngoài chuyện không nhận được những hỗ trợ cần thiết từ phía chính quyền, nông dân còn thiếu thông tin, thiếu khả năng sơ chế, thiếu kho bãi bảo quản sản phẩm, trả chi phí vận chuyển cao... nên càng ngày càng mạt.

Trong vòng mười năm, CIEM thực hiện năm cuộc khảo sát về nông dân và nông thôn (2002, 2004, 2006, 2008, 2010, 2012) để hỗ trợ hoạch định chính sách phát triển kinh tế cho nông thôn. Kết quả các cuộc khảo sát luôn cho thấy, thực trạng năm sau tồi tệ hơn hai năm trước.

Thêm một năm nữa trôi qua, nay là 2015, “Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo giai đoạn 2015-2030” được công bố nhưng câu trả lời cho thắc mắc, làm sao để nông dân bớt nghèo và bao giờ nông dân sống được nhờ lúa vẫn chưa có! (G.Đ)

No comments:

Post a Comment