Saturday, January 31, 2015

Có bao nhiêu tiền trợ cấp Tết đến tay người nghèo



(Ảnh: songxanh)

Hàng năm mỗi dịp Tết đến, bên cạnh số tiền ngân sách được Bộ Tài chính phân bổ cho các địa phương, các quỹ vì người nghèo, thì có nhiều tổ chức tình nguyện cũng đóng góp tiền quà cho người nghèo đón Tết. Nhưng trong số đó có bao nhiêu là đến được tay người nghèo?

Có bao nhiêu tiền đến tay người nghèo?

Thông thường Bộ Lao động Thương binh Xã hội tổ chức các đội xuống các vùng có hộ dân nghèo phối hợp với xã phát quà tết. Qua tổng kết từ các năm trước, thì việc phát quà thường không đúng đối tượng, Trưởng thôn ở các tỉnh như Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Trà Vinh, Sóc Trăng…đã cấp tiền không đủ định mức, còn tranh thủ thu tiền các khoản nợ mà người nghèo còn thiếu, và thu thêm khoản tiền ‘đóng góp’ cho thôn. Như vậy số tiền quà còn lại đến tay người nghèo được bao nhiêu?

Có nhiều huyện đã sai phạm trong việc xác định hộ nghèo, chia bình quân tiền hộ nghèo cho các hộ trong thôn, vận động hộ nghèo hỗ trợ để xây dựng cơ sở hạ tầng…

Năm 2009 cả 5 trưởng thôn trên địa bàn xã Bình Sa ở huyện Quảng Nam đã phải đồng loạt viết đơn xin từ chức vì bị phát hiện dùng tiền trợ cấp Tết cho người nghèo chia cho cán bộ, nếu như ai không đồng ý sẽ không được cấp thẻ khám bệnh và các giấy tờ liên quan. Thế nhưng xã cũng chưa dám đồng ý cho từ chức vì không có người thay thế.

Tại nhiều thôn còn không nhận được quà trước Tết, một số nơi còn để sót trẻ em và người già, hộ nghèo tách hộ khẩu. Đặc biệt có những thôn chỉ cấp phát quà Tết chỉ 1 lần, rồi giữ lại mà không phát hết cho người nghèo.

Có thôn xã còn ghép cá nhân không thuộc hộ nghèo vào hộ nghèo để được hưởng tiền trợ cấp Tết.

Người dân xã Cam thành, Huyện Cam lộ, Tỉnh Quảng trị góp 4.850.000 đồng để hỗ trợ dân nghèo trong xã đón Tết, thế nhưng Phó Chủ tịch Xã lập danh sách đã nhận tiền với chữ ký giả, để lấy tiền tết của hộ nghèo, khiến dân nghèo 2 năm liền không nhận được khoản tiền này.

Hầu như năm nào cũng có xử lý những người sai phạm trong việc phân phát quà Tết cho người nghèo, có huyện đình chỉ và kiểm điểm 5 Chủ tịch xã vì sai phạm.

Sau Tết vẫn chưa thấy tiền

Đa số các hộ nghèo đều ở vùng sâu vùng xa , nơi mà phương tiện đi lại rất khó khăn, lại không có điện thoại nên không thể liên lạc được.

Điển hình như năm 2009 ở Quảng Nam tới tháng 3 rồi nhưng vẫn còn tồn 2,6 tỷ đồng chưa phát được cho hộ nghèo, dù Tết đã trôi qua hơn một tháng rồi.

Nhưng chính những người dân ở vùng sâu xa đó, họ là những người dân nghèo nhất nước và cần tiền trợ cấp Tết nhất, nhưng không nhận được.

Phát nhầm đối tượng

Cứ mỗi năm thì mỗi tỉnh có hàng trăm triệu đồng phải thu hồi vì cấp phát nhầm.

Mỗi năm đều có thông tư hướng dẫn quy định về hộ nghèo, các làng xã theo thông tư này để rà xoát xem địa phương mình có bao nhiêu hộ nghèo.

Tuy nhiên thường mỗi năm lại có một thông tư quy định chuẩn nghèo khác nhau, hộ nghèo lại chia thành các mức khác nhau được hưởng số tiền khác nhau, mỗi năm lại rà soát lại một lần, vì thế mà có nhiều sai sót dẫn đến năm nào cũng có rất nhiều hộ gia đình phải trả lại tiền.

Nhưng khi bị đòi tiền thì các hộ gia đình này đều đã tiêu tết hết cả, số tiền chỉ vài trăm ngàn nên có người chỉ lợp qua mái nhà lá, người mua vài cân gạo v.v… , đa số các hộ này phải dùng đến cách trả chậm dần dần số nợ này.

Lý do

Mỗi khi tổng kết những sai phạm phát quà Tết, Bộ Lao động Thương binh Xã hội đưa ra lý do năng lực và lãnh đạo không không công tâm, không dân chủ, nặng về bệnh thành tích. Nhưng những lý do này lại vẫn xảy ra hàng năm, đặc biệt Tết năm ngoái số người bị xử lý sai phạm do không đưa hết tiền cho người nghèo rất nhiều.

Lý do phát nhầm, năm 2009 ông Nguyễn Ngọc Sang Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Thọ Phú, tỉnh Long An cho Báo Lao Động biết: “Do tiền đưa về xã muộn quá (27 Tết), nên có sai sót khi rà soát hộ nghèo dẫn đến việc phát nhầm tiền. Cả xã có 429 hộ nghèo, trong đó có 103 hộ theo chuẩn Trung ương, 326 hộ nghèo chuẩn tỉnh. Xã đã làm sai vì có 78 hộ trong 326 hộ nghèo theo chuẩn tỉnh bị phát nhầm sang hộ nghèo chuẩn Trung ương. Họ chỉ được nhận hỗ trợ không quá 500.000 đồng/hộ, nhưng do phát dư nên phải thu lại”

Thế nhưng từ năm 2009 đến nay các địa phương đều có trường hợp phát nhầm, sau Tết người dân đã dùng hết số tiền rồi, thì cán bộ xã lại phải thu lại.

Bên cạnh việc phát nhầm, còn là vấn đề nhân tâm của các cá nhân liên quan. Việc ăn chặn tiền quà trợ cấp cho người nghèo hoặc người ở những vùng chịu thiên tai không còn là vấn đề “lạ tai” đối với mọi người nữa. Việc thấy của tối mắt, tham vàng bỏ nghĩa, thì dù ít dù nhiều cũng đều đáng lên án.

Ngọn Hải Đăng
Theo daikynguyenvn

No comments:

Post a Comment