-
Cảnh sát HK bắt người phản đối
Bà Laura Cha Shih May-lung là đại biểu quốc hội Trung Quốc (TQ) người Hồng Kông, bị chỉ trích “nói linh tinh” khi bà so sánh người phản đối đòi dân chủ ở Hồng Kông (HK) với nô lệ được giải phóng”.
Tham dự một sự kiện ở Pháp, bà nói: “Nô lệ Mỹ được giải phóng năm 1861, nhưng chỉ được quyền bầu cử 107 năm sau đó, vậy sao HK không thể chờ thêm một thời gian nữa?”.
Đó là tuyên bố được báo HongKong Standard dẫn lời bà Cha, một thành viên hội đồng quản trị tập đoàn HSBC Holdings, kiêm ủy viên Hội đồng điều hành chính sách HK và là chủ tịch hội đồng ban tài chính của đặc khu hành chính HK thuộc TQ.
Bà còn nói: dân chủ không thể đạt được ngay với chỉ một bước, và cảnh cáo: sự tín nhiệm HK của các nhà đầu tư nước ngoài đã lên đến mức “nhạy cảm”.
Phẫn nộ trước sự so sánh này, gần 5.000 người HK lập diễn đàn điện tử để lên án lời bà Cha vào trưa 31.10. Họ đòi bà Cha phải xin lỗi, gởi đến lãnh đạo HSBC và đơn kiến nghị này ký tên “Nhân dân HK” và nhân dân HK sẽ không chấp nhận những bình luận so sánh quyền lợi của họ với nô lệ.
Reuters nêu chưa thể có thể lời bình luận của bà Cha và Peter Wong, chủ tịch HSBC chi nhánh châu Á-Thái Bình Dương.
Lời nói linh tinh của bà Cha chỉ vài ngày sau khi đặc khu trưởng Lương Chấn Anh gây ra bão phê phán. Ông nói bầu cử tự do là không thể chấp nhận được, vì nó sẽ khiến người nghèo và giai cấp lao động HK có tiếng nói lớn ở HK.
TQ khi nhận lại HK từ Anh năm 1997 đã áp dụng công thức “một quốc gia, hai chế độ”, cho phép HK có nhiều quyền tự do và tự chủ vốn không có tại Hoa lục, trong đó có quyền bầu cử tự do.
Nhưng cuối tháng 8, thường vụ quốc hội TQ ra nghị quyết, nêu một ủy ban đề cử sẽ “sàng lọc” 2,3 ứng viên tranh cử chức đặc khu trưởng hành chính HK vào năm 2017.
Người phản đối đòi dân chủ nói phán quyết này có nghĩa Bắc Kinh không giữ lời hứa tổ chức bầu cử tự do. Họ đã mở các cuộc phản đối từ một tháng qua, chiếm chặn các con đường chính dẫn đến 3 khu vực quan trọng về chính trị và kinh tế của HK.
Lúc 23 giờ khuya 30.10, các thủ lĩnh sinh viên cũng dự tính sẽ chuyển những đề nghị được hưởng tự do dân chủ hơn đến tận tay lãnh đạo TQ ở Bắc Kinh trong tháng 11 tới.
Đó là khi TQ làm chủ nhà Diễn đàn hợp tác kinh thế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và lãnh đạo TQ sẽ tiếp nhiều đồng nhiệm của thế giới gồm Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Đó là một động thái tượng trưng việc giới sinh viên gia tăng phản đối. Sau 5 tuần chặn các con đường chính mà thi thoảng xảy ra ẩu đả giữa cảnh sát với người phản đối, việc xử lý cuộc căng thẳng chính trị này chưa đạt được tiến bộ nào.
Tại các cuộc đàm phán, đặc khu phó Cathy Lam đã nhấn mạnh: bà sẽ không đề nghị lãnh đạo TQ hủy ý định hạn chế số ứng viên chức đặc khu trưởng.
Vấn đề là các sinh viên có được phép gặp lãnh đạo TQ hay không. Công dân HK có thể tự do đến TQ nếu có giấy phép du hành đặc biệt do chính quyền TQ cấp. Nhưng quan chức cửa khẩu có thể không cho họ đến, như đã làm với những người chống chính quyền TQ, theo báo The Wall Street Journal.
HSBC (tập đoàn Hongkong & Shanghai Banking Corporation) lập năm 1865 để hoạt động tài chính ngày càng tăng trưởng giữa châu Âu, Ấn Độ và Trung Hoa, từ hàng chục năm nay là ngân hàng thương mại nổi trội nhất HK, sử dụng thành phố làm bệ phóng để phát triển khắp thế giới.
Trong số các ngân hàng nước ngoài ở Hoa lục, HSBC có chi nhánh lớn nhất TQ.
Chuyện nói linh tinh của bà Cha là cuộc tranh cãi mới nhất mà HSBC bị lôi vào chính trị HK. Đầu năm 2014, Next Media nói HSBC và ngân hàng Standard Chartered PLC đã rút các hợp đồng quảng cáo trị giá hàng triệu USD khỏi báo Apple Daily (HK) do họ bị Bắc Kinh gây sức ép.
Apple Daily của trùm truyền thông Jimmy Lai, một người chỉ trích Bắc Kinh thẳng thừng và lấy tiền túi hỗ trợ cuộc phản đối đòi dân chủ.
HSBC và Standard Chartered nói quyết định ngưng quảng cáo của họ là vì những lý do thương mại.
Trần Trí (theo Reuters, The Wall Street Journal)
No comments:
Post a Comment