(Baodatviet) - Sợ nhất là những doanh nghiệp nhà nước cầm tiền ngân sách, biết công nghệ ấy là rác, không sản xuất được gì mà vẫn rước về.
ThS Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới nói như vậy với Đất Việt.
PV: - Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vừa cho biết Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo đó, GDP Trung Quốc tính theo phương pháp ngang giá sức mua (PPP) sẽ đạt 17.600 tỷ USD năm nay, vượt Mỹ với 17.400 tỷ USD. Khoảng cách giữa 2 nước sẽ càng được nới rộng trong năm tới. Dưới góc độ chuyên gia, ông đánh giá như thế nào về khả năng kinh tế Trung Quốc vượt mặt Mỹ?
ThS Bùi Ngọc Sơn: - Đó chỉ là cách tính theo phương pháp ngang sức giá mua. Ví dụ, 1 bát phở ở Việt Nam nếu tính ra USD thông thường có giá 1 USD. Nhưng theo phương pháp ngang giá sức mua thì bát phở này ở Mỹ phải 5-6 USD. Nếu tính theo phương pháp của thị trường, kinh tế Trung Quốc vẫn thua xa Mỹ và cũng phải mươi, mười lăm năm nữa mới đuổi kịp Mỹ nếu nước ngày giữ nguyên được tốc độ tăng trưởng cao, mà chuyện này thì rất khó.
PV: - Trong khi đó, hai tập đoàn lớn của Mỹ cũng vừa công bố số tiền đầu tư khủng vào Trung Quốc. Theo đó, nhà sản xuất thiết bị bán dẫn Intel sẽ đầu tư 1,5 tỷ USD cho hai công ty chip Trung Quốc. Còn tập đoàn sản xuất ô tô General Motors (GM) có kế hoạch đầu tư 14 tỷ USD vào Trung Quốc. Việc đầu tư này cũng sẽ giúp Trung Quốc tự chủ được nhiều sản phẩm công nghệ phục vụ thị trường 1,3 tỷ dân. Điều này cho thấy biểu hiện gì của nền kinh tế Trung Quốc, thưa ông?
ThS Bùi Ngọc Sơn: Phát triển công nghệ cao là một trong những vấn đề nằm trong chính sách của Trung Quốc. Đây là bước phát triển tất yếu. Để làm được điều này, Trung Quốc mở rộng các quy chế, giảm bớt hạn chế để khuyến khích, thu hút các tập đoàn lớn của thế giới mang đại bản doanh hoặc dự án lớn vào Trung Quốc.
Qua cơ hội này, Trung Quốc nắm được công nghệ, đồng thời nâng cao trình độ kỹ thuật của lực lượng lao động. Ngoài ra, việc Trung Quốc nhắm đến lĩnh vực sản xuất ô tô và con chip có thể là để cạnh tranh với Mỹ.
PV:- Với sự chuyển mình đó, cơ hội phát triển của kinh tế Trung Quốc sẽ được mở ra thế nào? Những lợi thế lâu nay của Trung Quốc (lao động giá rẻ, thị trường siêu rộng lớn) được khai thác ra sao, thưa ông?
ThS Bùi Ngọc Sơn: Với các triển vọng nói ở trên, cơ hội phát triển của kinh tế Trung Quốc là rất lớn nhưng còn vấn đề về điều hành kinh tế vĩ mô nữa.
Về những lợi thế lâu nay của Trung Quốc, khi chuyển sang giai đoạn công nghệ cao, lao động giá rẻ chắc chắn không còn nữa. Trung Quốc phải tính đến chuyện phát triển các loại công nghệ cao, giá trị lao động tiếp tục được phát triển và khai thác ở mức độ cao, đem lại sự phồn thịnh, nâng cao thu nhập cho người lao động. Còn nếu cứ mãi giữ lao động giá rẻ, luẩn quẩn ở công nghệ thấp thì Trung Quốc không thể tiến lên được.
Bởi thế, khi loại bỏ được công nghệ thấp và chuyển lên công nghệ cao thành công, thị trường trong nước của Trung Quốc sẽ mở rộng, năng suất lao động được nâng cao, dân số nước này không cần phải tăng mà thu nhập trên đầu người vẫn tăng.
Đây là bước đi thông minh của Trung Quốc. Tuy nhiên, để có thể chuyển hẳn sang giai đoạn công nghệ cao, Trung Quốc có thể cần tới 5-10 năm nữa.
Đã có hiện tượng Trung Quốc tuồn công nghệ kém, lạc hậu sang các nước phát triển kém hơn. Để làm được việc này, Trung Quốc đã có chính sách gì và thực hiện ra sao, thưa ông?PV: - Lâu nay Trung Quốc vẫn bị mang tiếng là cái nôi sản xuất ra những sản phẩm kém chất lượng, giá rẻ, công nghệ thấp. Vậy với sự chuyển mình nói trên, Trung Quốc sẽ giải quyết những tồn đọng này thế nào?
ThS Bùi Ngọc Sơn: - Trung Quốc đang tiến tới sản xuất công nghệ cao và đắt tiền, dần dần hàng rẻ tiền sẽ ít đi. Những công nghệ thấp, lạc hậu bị tồn đọng sẽ được họ bán rẻ ra thị trường, ai có nhu cầu thì mua. Ngay cả về mặt lao động, khi Trung Quốc bước sang giai đoạn công nghệ cao lại có khuynh hướng tuyển lao động nước ngoài, trong đó có Việt Nam sang Trung Quốc để làm những công việc ít kỹ năng, giá rẻ vì lao động Trung Quốc giờ đắt đỏ hơn, làm công việc kỹ thuật cao hơn, thu nhập tốt hơn.
Trước đây, để có được công nghệ ban đầu Trung Quốc mở các đặc khu kinh tế khu công nghiệp, khu chế xuất. Giờ đây, để có được công nghệ cao, chính sách quan trọng nhất được Trung Quốc đưa ra là thành lập các khu mậu dịch tự do để tập trung các headquarter, những bộ não tài chính, dịch vụ lớn... đòi hỏi nhiều chất xám.
Ngoài khu thí điểm mậu dịch tự do ở Thượng Hải thành lập năm 2013, Trung Quốc còn thông qua việc thành lập hàng loạt khu mậu dịch tự do khác như Thiên Tân, Phúc Kiến, Quảng Đông... Sự khác biệt của các khu mậu dịch tự do với các đặc khu trước đây là các đặc khu dù được ưu đãi vẫn có sự can thiệp của nhà nước. Nhưng đã vào khu mậu dịch tự do thì tất cả đều theo thị trường, không có sự can thiệp của nhà nước.
Đổi lại, đối với những công nghệ thấp, lạc hậu, Trung Quốc sẽ rao bán. Có nhiều thủ thuật để tiến hành việc này. Chính phủ Trung Quốc có thể hỗ trợ việc đẩy công nghệ thấp ra khỏi đất nước bằng cách "đi đêm" với các đối tác, doanh nghiệp nước ngoài, hỗ trợ doanh nghiệp bán công nghệ bằng cách miễn giảm thuế để họ được giá cạnh tranh tốt nhất.
PV: - Các nước nhận "rác công nghệ" từ Trung Quốc phải đối mặt với những nguy cơ gì từ công nghệ kém và lạc hậu, đặc biệt là các nước có nền tảng công nghệ thấp lại ở ngay sát Trung Quốc như Việt Nam?
ThS Bùi Ngọc Sơn: Với nhiều nước, như Việt Nam, dù cũng muốn công nghệ mới nhưng không đủ tiền, hoặc dù có công nghệ mới để sản xuất hàng hóa nhưng chi phí cao, lại không đưa được sản phẩm ra quốc tế để cạnh tranh ở cấp độ cao để thu lại lợi nhuận cho tương xứng thì cũng chẳng thể nào nhập công nghệ cao được. Trong khi đó, Trung Quốc đưa công nghệ thấp hơn nhưng rẻ hơn rất nhiều ra chào hàng thì về mặt lợi nhuận chắc chắn nhà kinh doanh rất hài lòng.
Tuy nhiên, nếu mang công nghệ cũ, lạc hậu về thì sớm muộn những vấn đề về môi trường sẽ gây ra tác hại quá lớn, khi đó chi phí để xử lý ô nhiễm lại đổ lên đầu xã hội, còn người ký duyệt và doanh nghiệp trực tiếp mang công nghệ này về lại được hưởng lợi.
Bởi thế, nếu tính chi phí quốc gia phải bỏ ra để xử lý "rác" còn lớn hơn cả lợi nhuận công nghệ cũ kia mang lại thì chính phủ phải có cách. Để làm được việc đó không hề đơn giản, phải có hệ thống các nhà khoa học, các phương tiện để nghiên cứu, đưa ra các bằng chứng rõ ràng, từ đó mới có những chính sách phù hợp với công nghệ quốc tế.
Mỗi quốc gia phải tự nghiên cứu để đưa ra hàng rào ngăn "rác" vào nhà mình, ví dụ sử dụng các loại thuế, đặc biệt là thuế môi trường. Đó là chưa nói đến vấn đề tham nhũng. Nếu Trung Quốc thấy có lợi, họ sẵn sàng chiều chuộng, tìm mọi cách để có được giấy phép hợp pháp đưa "rác" vào nước khác.
Không thể trách Trung Quốc vì họ thừa công nghệ thì bán rẻ. Cũng không thể trách nhà kinh doanh tại sao lại rước "rác" vào nhà. Sợ nhất là những doanh nghiệp nhà nước cầm tiền ngân sách, biết công nghệ ấy là rác, không sản xuất được gì mà vẫn rước về. Mà chuyện này chắc chắn có ở Việt Nam.
Còn doanh nghiệp tư nhân không thể trách họ được. Để đưa về một công nghệ nào đó, họ phải tính toán chi tiết chi phí bỏ ra, kết quả thu lại được bao nhiêu, sau khi đóng thuế cho nhà nước lời lãi thế nào... Nếu như có lãi thì họ vẫn nhập, không thể cấm được chuyện đó vì đó là tiền của họ.
Tuy nhiên, có thể dễ dàng hạn chế được việc này bằng cách lập ra hàng rào kỹ thuật, tăng thuế môi trường...
Không thể áp dụng biện pháp này với doanh nghiệp nhà nước vì họ sử dụng tiền ngân sách. Thay vào đó, phải có hàng rào chống tham nhũng. Nguy cơ rác công nghệ vào Việt Nam qua cánh cửa doanh nghiệp nhà nước là rất lớn khi quản lý và xử lý không tốt các nhân sự tham nhũng.
Việt Nam khó mà dựng được rào chắn để chặn rác công nghệ nếu bộ máy năng lực yếu kém? Cứ nhìn con số nhập khẩu thiết bị Trung Quốc tăng vọt lên trong những năm qua là biết hiệu quả của rào chắn đó thế nào.
Thứ Ba, 14/10/2014 07:04
Thành Luân
No comments:
Post a Comment