HÀ NỘI 12-10 (NV) - Quốc hội CSVN không tin “tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm tiếp tục có chuyển biến tích cực. Kinh tế tiếp tục phục hồi với tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước.”
Người thất nghiệp ngồi bên lề đường ở Hà Nội chờ xem có ai gọi đi làm. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)
Tại buổi thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội năm nay và năm tới do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thực hiện, thay mặt cho nhà cầm quyền trung ương, Bộ Trưởng Kế Hoạch – Đầu Tư, đưa ra hàng loạt số liệu nhằm chứng minh tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam sáng sủa hơn trước.
Chẳng hạn, xuất cảng đang tăng trưởng, so với cùng kỳ năm ngoái, xuất cảng đã tăng khoảng 14% và tiếp tục có xuất siêu. Đã kiểm soát được lạm phát. Lãi suất có xu hướng giảm. Cán cân thanh toán quốc tế thặng dư. Dự trữ ngoại hối tăng và đã đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Thị trường ngoại hối và tỷ giá ổn định.
Nhờ vậy nguồn thu cho ngân sách cao hơn so với cùng kỳ những năm gần đây. Việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế, với trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, tái cơ cấu doanh nghiệp quốc doanh đã đạt một số kết quả tích cực.
Tuy nhiên ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy Ban Kinh Tế của Quốc Hội nhận định, báo cáo của chính phủ Việt Nam chưa thuyết phục. Thay mặt Ủy Ban Kinh Tế của Quốc Hội, ông Giàu nhận định, báo cáo về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế GDP quí 3 tăng hơn 6% là khó tin vì không chỉ ra được nguồn lực nào tạo tăng trưởng đột biến trong quí 3 làm cho tăng trưởng 9 tháng vừa qua đạt 5.62%.
Ông Giàu nêu thắc mắc, tại sao tổng mức đầu tư toàn xã hội giảm, vài năm qua, số doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động rất lớn mà tăng trưởng vẫn cao hơn các năm trước. Ông Giàu cũng thắc mắc, tại sao thất nghiệp tràn lan mà năm nào chỉ tiêu tạo việc làm mới cũng xấp xỉ 1.6 triệu lao động.
Theo ông Giàu, trong 9 tháng vừa qua, số doanh nghiệp giải thể, phá sản lên tới 51,244, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 18,873, trong số này có cả những doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn, vài năm qua vẫn cố gắng kháng cự với khó khăn nhưng nay vẫn phải ngừng hoạt động, giải thể hoặc xin phá sản.
Điều này sẽ ảnh hưởng nguy hại tới việc làm, sự ổn định của nguồn thu cho ngân sách, hoạt động của hệ thống ngân hàng, tốc độ tăng trưởng kinh tế,… Thế thì nhà cầm quyền trung ương dựa vào đâu để tuyên bố “tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm tiếp tục có chuyển biến tích cực”?
Chủ nhiệm Ủy Ban Kinh Tế của Quốc Hội CSVN nêu ra hàng loạt số liệu cho thấy tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam rất tồi tệ. Ví dụ hiện có 213 ngàn doanh nghiệp (hơn 68% số doanh nghiệp nộp thuế) khai lỗ không thể nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Nợ thuế thuộc loại khó thu đã tăng 7.3% so với cuối năm ngoái.
Một số lĩnh vực trước đây đóng góp rất nhiều cho ngân sách như: khí hóa lỏng, rượu bia, thuốc lá, xi măng,… đều giảm sản lượng. Chỉ số hàng tồn kho tăng hơn 13%, so với năm ngoái. Bên cạnh đó, việc giải quyết nợ xấu (nợ không có khả năng thu hồi cả vốn lẫn lãi) chỉ được khoảng 17% so với kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng thương mại đang tăng dần (năm 2013 là 3.61%, tháng 5 năm nay là 4.07%, đến tháng 7 năm nay là 4.11%).
Ngoài ra ngân sách đang mất cân đối nghiêm trọng. Tỷ lệ bội chi ngân sách không những không thể giảm xuống dưới 4.5% GDP như yêu cầu mà còn tăng lên hơn 5% GDP
Cũng cần nói thêm là mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) từng nhận định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ dưới mức dự kiến (5.8% GDP). Theo WB, năm nay, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ khoảng 5.4% và khó có thể vượt qua mức 5.5% GDP trước năm 2016.
Đây là hệ quả của mức cầu nội địa rất yếu. Trong tương lai, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ bị cản trở bởi hàng loạt yếu tố như: hoạt động của hệ thống doanh nghiệp quốc doanh, hoạt động của hệ thống ngân hàng, chính sách “méo mó” không khuyến khích tư nhân đầu tư, thiếu hụt kỹ năng, hạ tầng và các dịch vụ hậu cần thương mại yếu kém. (G.Đ)
10-12- 2014 11:56:39 AM
Theo Người Việt
No comments:
Post a Comment