Đánh lưới đầu mùa lũ ở Huế. RFA PHOTO
Nhóm phóng viên tường trình từ VN 2014-10-17
Với người nông dân, những trận lũ đầu mùa còn được gọi bằng một từ khác, đó là cơn lũ. Việc chuyển đổi cách gọi từ trận lũ sang cơn lũ nhằm làm rõ tâm trạng háo hức đợi lũ đầu mùa nhưng đồng thời cũng mang mang tâm sự của người nông dân trước thiên tai, trước những khắc nghiệt mà thiên nhiên đã mang lại cho đời sống vốn dĩ khốn khó, thảm thương của họ. Nhưng, dù thế nào chăng nữa, cơn lũ đầu mùa cũng mang một ý nghĩa rất lớn đối với nhà nông, nó vừa đóng vai trò lệ tẩy trần nông nghiệp đồng thời lại đóng vai trò dự cảm mùa màng cũng như thiên tai phía sau nó.
Lũ đầu mùa và phù sa
Một nông dân tên Phúc, sống tại Phú Lộc, Thừa Thiên Huế, chia sẻ:
Nếu không có lụt đầu mùa thì nó làm đồng ruộng không được tốt, vì không có phù sa thì ruộng ít tốt hơn. Nhưng thực tế thì bữa nay lụt đầu mùa cũng ít phù sa rồi, vì họ làm thủy điện.
-Anh Phúc
“Chưa có lụt đầu mùa, nhưng nếu không có lụt đầu mùa thì nó làm đồng ruộng không được tốt, vì không có phù sa thì ruộng ít tốt hơn. Nhưng thực tế thì bữa nay lụt đầu mùa cũng ít phù sa rồi, vì họ làm thủy điện. Vậy nên nếu năm ni lụt đầu mùa về thì vẫn ít phù sa hơn mấy năm chưa có thủy điện.”
Theo ông Phúc, năm nay lũ đầu mùa về quá chậm, đã bước sang cuối tháng Chín âm lịch nhưng vẫn chưa thấy trận lụt nào, điều này cho thấy mùa Đông năm nay có nguy cơ bị hạn kéo dài. Và với người nông dân, không có gì đáng sợ hơn chuyện mùa Đông mà không có lũ lụt. Đương nhiên là lũ lụt quá lớn thì hết sức đáng sợ rồi, lúc đó chuyện chết chóc cũng như mất mát tài sản sẽ là điều khó tránh.
Nhưng nếu không có lũ đầu mùa, mọi rác rưởi trên mặt đất sẽ không được dọn sạch và phù sa cũng không có cho những vụ mùa mới. Đặc biệt, lũ đầu mùa tuy chỉ là con lũ hay trận lụt nhưng nó lại mang tính chất dự báo thời tiết vô cùng quan trọng.
Ông Phúc nói thêm rằng đó là kinh nghiệm từ thời cha mẹ, ông bà để lại. Nhưng hiện tại, những cơn lũ đầu mùa không mang tính chất dự báo được nữa bởi nó hoàn toàn phụ thuộc vào thủy điện và con người. Có thể nói rằng điều này đáng ngại vô cùng bởi nó tác hại đến linh cảm mùa màng của người nông dân một cách triệt để.
Mà với người nông dân, đánh mất linh cảm mùa màng cũng đồng nghĩa với đánh mất sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên, con người không còn hòa điệu vào thiên nhiên được nữa. Và đáng sợ hơn hết là phức cảm mùa màng truyền đời từ thế hệ này sang thế hệ khác đã bị mù tịt. Cảm giác yêu đất, yêu phù sa và lối sống chân chất, cục mịch nhưng thấm đượm tình người, tình đất của người nông dân đã hoàn toàn phôi phai.
Cách đây không bao lâu, ông Phúc và những nông dân cùng thế hệ với ông có thể dễ dàng nhìn và dự đoán thời tiết thông qua trận lũ đầu mùa. Nếu như lũ về với màu nước vàng đục pha đỏ, nước chảy vừa phải và ngập tráng qua ruộng đồng chừng 24 giờ đồng hồ rồi rút thì chắc chắn đây là điềm lành, những trận lũ sau sẽ không quá dữ nhưng lại nhiều phù sa, tôm cá, ruộng đồng tươi tốt. Ngược lại, lũ đầu mùa cuồn cuộc, dữ đội thì mọi người lo thu xếp để tránh lũ, chạy lũ cho đến cuối tháng Mười Một âm lịch.
Nhưng hiện tại, thủy điện muốn xả lũ giờ nào thì xả, lưu lượng nước của nó chẳng dự báo được điều gì cả, và cũng chẳng mang hạt phù sa nào về cho ruộng đồng, xong lũ lụt, cây cối ngập úng, mùa màng thất thu nhưng người nông dân chẳng hy vọng được gì cho mùa sau bởi ruộng đồng càng thêm khô khốc, trơ trọi.
Sự khắc nghiệt của lòng người
Ông Thung, một nông dân khác ở Hương Trà, Thừa Thiên Huế chia sẻ thêm:
“Lụt đầu mùa thì nó giúp mang phù sa về, làm nương ruộng mình tốt hơn. Như bình thường thì một sào ruộng mình tốn hai trăm ngàn phân thuốc nhưng nếu không có lụt đầu mùa thì mình tốn hai trăm rưỡi ngàn. Bữa ni cũng ít có lụt đầu mùa vì có thủy điện, nghe mưa là nó xả thủy điện liền. Mấy năm ni thì ít lụt hơn khoảng 5 – 7 năm trước.”
Một sào ruộng mình tốn hai trăm ngàn phân thuốc nhưng nếu không có lụt đầu mùa thì mình tốn hai trăm rưỡi ngàn. Bữa ni cũng ít có lụt đầu mùa vì có thủy điện.
-Ông Thung
Theo ông Thung, những trận lũ đầu mùa bây giờ ít được nông dân gọi là cơn lũ đầu mùa như trước, bởi nó không còn mang tâm trạng mong ngóng của người nông dân nữa mà đứng trên một góc độ nào đó thì đó là dịch họa. Bởi những con sông đã trở nên hung dữ và dơ dáy, chứa nhiều độc tố.
Mội khi lũ đầu mùa về, thay vì nó dọn sạch sẽ rác rưởi trong ruộng đồng, vườn tược như trước, bây giờ nó lại mang rác từ ngoài sông vào các khu vườn. Và kinh khủng hơn hết là lũ đầu mùa mang các chất độc vào khu sinh hoạt của người dân. Những chất độc dùng trong đãi vàng như Cyanua, lưu huỳnh, axit và một số chất khác đã chứa đầy các con sông, chỉ đợi lũ về để phân phát.
Và đáng sợ hơn cả là lòng người cũng đã ô nhiễm quá nặng, sự tham lam, chỉ cần biết đến lợi nhuận cho bản thân đã khiến cho con người không còn thấy tội lỗi khi gây ra hàng loạt tai họa cho đồng loại. Chuyện các thủy điện xả đập vô tội vạ dẫn đến chết người, thiệt hại tài sản của không biết bao nhiêu nông dân nghèo nhưng họ vẫn dửng dưng, chối bỏ trách nhiệm, thậm chí vẫn sống phè phỡn và khi thấy cần thiết thì lại diễn vai nhà từ thiện xuống cứu trợ nông dân bị lũ lụt là một chuyện đáng sợ về tính vô cảm cũng như sự khắc nghiệt của lòng người trong thời đại xã hội chủ nghĩa này.
Trong khi đó, người nông dân không những không được đền bù bất kì thứ gì sau quá trình mất mát còn phải cảm ơn kẻ đã gây hại cho mình bởi họ cho mình vài gói mì tôm, vài ký gạo. Điều này chỉ làm rõ thêm sự khắc nghiệt của lòng người, dường như con người không còn sống tình cảm với nhau mặc dù trên danh nghĩa thì họ vẫn luôn đặt tình cảm và uy tín lên làm kim chỉ nam.
Ông nói thêm rằng mùa Đông năm nay có thể miền Trung bị hạn, không có những trận lụt cần thiết để tăng lượng phù sa cho ruộng đồng bởi cho đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có lũ đầu mùa. Điều đó là một dự cảm không tốt cho những mùa màng năm sau.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
No comments:
Post a Comment