Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 18-10, lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết qua 8 ngày tìm kiếm vẫn chưa xác định được tung tích 6 thuyền viên Việt Nam nhảy khỏi tàu cá Liên Toàn Thịnh (Đài Loan) ở eo biển Tsuruga (Hokkaido - Nhật Bản). Tuy nhiên, nhiều khả năng các thuyền viên vẫn an toàn, đã vào Nhật Bản chứ không mất tích trên biển.
Lực lượng chức năng Nhật Bản tăng cường tuần tra, cứu nạn ở khu vực 6 thuyền viên Việt Nam nhảy khỏi tàu cá Liên Toàn Thịnh. Ảnh: BBC
Lợi dụng tránh bão để bỏ trốn
Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng cho biết đã chỉ đạo doanh nghiệp phái cử thuyền viên phối hợp với công ty môi giới, chủ tàu cá Liên Toàn Thịnh để nắm tình hình 6 thuyền viên này, đồng thời chỉ đạo Ban Quản lý Lao động Việt Nam tại Nhật Bản chủ động phối hợp với cơ quan thẩm quyền, cảnh sát Nhật Bản để tìm kiếm trên đất liền, bởi khả năng các thuyền viên này đã vào bờ.
Lãnh đạo doanh nghiệp phái cử 6 thuyền viên nói trên là Công ty CP Xuất khẩu lao động, Thương mại và Du lịch TTLC (TTLC) cũng cho biết thường xuyên theo dõi tình hình. Dù vậy, vẫn chưa có thông báo mới nào từ phía chủ tàu và công ty môi giới.
Theo ông Nguyễn Hữu Phong, Phó Tổng Giám đốc TTLC, 6 thuyền viên này, gồm: Nguyễn Tiến Tĩnh, Phạm Lương Khánh, Trần Đình Diệm, Thiều Sinh Song, Nguyễn Văn Tứ (cùng ngụ tỉnh Hà Tĩnh) và Nguyễn Văn Quốc (ngụ tỉnh Quảng Bình). Tĩnh xuất cảnh ngày 25-1 và 5 thuyền viên còn lại chỉ mới lên tàu từ ngày 5-8. Các thuyền viên này nhảy tàu vào 20 giờ 50 phút ngày 11-10, khi tàu cá vào eo biển Tsuruga tránh bão. Ngay khi thuyền viên nhảy tàu, cảnh sát biển Nhật Bản đã tích cực tìm kiếm nhưng không thấy. Ông Phong khẳng định điều kiện làm việc và sinh hoạt trên tàu rất tốt. Vả lại, phần đông thuyền viên lên tàu chưa đầy 3 tháng nên khó có khả năng bị ngược đãi dẫn đến bỏ tàu, bất chấp sống chết.
Mong con trở về
8 ngày qua là quãng thời gian dài lo âu của thân nhân các thuyền viên. Ông Thiều Đức Lĩnh, cha thuyền viên Thiều Sinh Song, kể cho con đi làm tàu cá của Đài Loan cũng chỉ mong có việc làm, có tiền để sau này lấy vốn làm ăn. “Giờ tôi không biết cháu thế nào, chỉ mong nó trở về” - ông Lĩnh nói. Mẹ của Song - bà Nguyễn Thị Hạp - khóc suốt những ngày qua. Ngày nào bà cũng cầu mong đứa con trai út gọi điện về.
Bà Hà Thị Liêm, mẹ thuyền viên Trần Đình Diệm, cũng mong con đã bơi vào bờ an toàn, không bỏ mạng trên biển. Bà cho biết khi ký hợp đồng, Diệm được cam kết trả lương 400 USD/tháng. “Tôi chưa nhận được đồng nào cháu gửi về, giờ lại nhận hung tin” - bà Liêm buồn rầu.
Đây không phải là lần đầu thuyền viên do TTLC cung ứng nhảy tàu. Tháng 8-2013, 4 thuyền viên của TTLC nhảy khỏi tàu cá Hsieh (Đài Loan) khi đến kênh đào Panama, ngay sau đó bị cảnh sát bắt giữ. Trước đó, đầu tháng 4-2013, 2 thuyền viên của TTLC và 1 thuyền viên của Công ty Cung ứng lao động quốc tế IMASCO bỏ trốn ở vùng biển Chile. Năm 2007, cảnh sát Panama cũng bắt 6 thuyền viên Việt Nam khi tàu Đài Loan đi qua kênh đào, trong đó có thuyền viên TTLC…
Dựa trên kinh nghiệm xử lý các vụ việc thuyền viên nhảy tàu, dù chưa xác định được nguyên nhân nhưng ở vụ nhảy tàu lần này, phía TTLC vẫn nghiêng về khả năng thuyền viên bỏ trốn và vào Nhật Bản an toàn. Khả năng này là rất lớn bởi khi quyết định nhảy tàu, thuyền viên luôn biết lượng sức mình, tính toán khoảng cách từ tàu vào bờ để không bị đuối nước. Đó cũng là lý do mà đến nay, dù chưa xác định được tung tích thuyền viên, TTLC đã gửi thông báo tình hình về chính quyền địa phương, trong đó đề cập đến biện pháp xử phạt vi phạm hợp đồng (3.000 USD/người) trong trường hợp thuyền viên bỏ trốn.
Số thuyền viên bỏ trốn gia tăng
Theo Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam, số lượng thuyền viên Việt Nam cung ứng cho tàu cá nước ngoài (chủ yếu Hàn Quốc và Đài Loan) gia tăng hằng năm (từ 2.000 người năm 2011 tăng lên 3.004 người vào năm 2012, 3.653 người vào năm 2013 và năm nay dự kiến trên 4.000 người). Trong số này, trên 70% cung ứng cho các tàu đánh bắt cá xa bờ của Đài Loan. Tỉ lệ thuyền viên bỏ trốn khỏi các tàu cá xa bờ của Đài Loan nhiều nhất và gia tăng hằng năm. Nguyên nhân là do công việc trên tàu vất vả nhưng thu nhập không cao bằng công việc ở nhà máy (bình quân 400-450 USD/tháng đối với tàu cá ngừ và 450-500 USD/tàu câu mực). Trước đây, thuyền viên chủ yếu cung ứng cho tàu cá gần bờ của Đài Loan nhưng do tỉ lệ bỏ trốn quá cao nên từ ngày 19-5-2005 đến nay, Đài Loan đã dừng tuyển loại hình thuyền viên này của Việt Nam.
Thứ Bảy, 23:05 18/10/2014
DUY QUỐC
Theo NLĐO
No comments:
Post a Comment