Thursday, September 18, 2014

Đường sắt đội vốn nhiều lần: Vì chọn "con ông cháu cha"?

(Baodatviet) - Nhiều người không hiểu biết gì về đường sắt trên cao, không hiểu biết gì về tàu điện ngầm, nhưng lại đưa vào làm trong Ban dự án đường sắt đô thị.
Đó là thực trạng được TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Giao thông vận tải (Bộ GTVT) chỉ rõ ràng. 

Chọn người không có năng lực vì "con ông cháu cha"

PV:- Vừa rồi trong buổi làm việc với Hà Nội, TP.HCM về các nguyên nhân chậm tiến độ và tăng tổng mức đầu tư của các dự án đường sắt đô thị, Bộ Trưởng GTVT Đinh La Thăng cho rằng, do chưa có tiền lệ thực hiện dự án đường sắt, cũng như chưa có con người đủ kiến thức, bản lĩnh để nghiên cứu thấu đáo nên khâu chuẩn bị đầu tư sơ sài, đưa ra tổng mức ban đầu rất thấp nên phải điều chỉnh sau này. Quan điểm của ông ra sao trước nhận định này?

Theo ông, phải lý giải ra sao về việc chọn những người không đủ năng lực chuẩn bị cho các dự án này, hay bởi đó là dự án mới nên ngành GTVT khó chọn người?

TS Nguyễn Xuân Thủy:- Tôi thấy ý kiến của Bộ trưởng có phần đúng, nhưng chưa đủ, bởi vì nó không hoàn toàn phù hợp điều kiện của VN.

Đất nước ta xây dựng CNXH cũng đã được 60 năm, đổi mới cùng đã gần 30 năm, kể từ năm 1986 đến nay. Vì vậy, không thể nói những người làm giao thông đô thị đều yếu kém mà quan trọng là chúng ta chọn ai.

Do đó, họ mới đưa ra những phương án rất ngô nghê, thậm chí sai, thiếu hợp lý, thiếu khoa học, nó biểu hiện ngay những thứ nhỏ nhất như trang quảng cáo, tờ rơi phát ra cho mọi người. Quả thực có nhiều tờ rơi mà đọc cũng thấy hiện rõ sự ngô nghê, thiếu hiểu biết về giao thông đô thị.
Nếu theo dõi sẽ thấy, Hà Nội có hiện tượng chọn người nhưng không đúng nghề, nhiều người không hiểu biết gì về đường sắt trên cao, không hiểu biết gì về tàu điện ngầm, không hiểu biết gì về giao thông đô thị nhưng lại đưa vào làm trong Ban dự án đường sắt đô thị. Thực chất những người này là con ông cháu cha, người quen biết, chính như vậy mới sinh ra lợi ích nhóm.

Là người vạch ra phương án, làm việc với chuyên gia, là người quy hoạch mà không hiểu biết sâu sắc về bản chất thì làm sao xây dựng được một phương án giao thông hợp lý, đúng tiến độ, đúng giá cả, đó là điều hiển nhiên.

Vì vậy cho nên đây là sai lầm chủ quan, mà do lãnh đạo thành phố, Sở GTVT không tìm đúng người, không chọn đúng chuyên gia để định hướng, không tận dụng được khối chất xám, cho nên không thể đổ cho nguyên nhân thiếu những con người có tài năng thực sự.

Mặt khác, nếu cho rằng là do mới thực hiện những dự án đường sắt đô thị nên chưa hiểu biết cũng không đúng bởi những người làm các dự án này, năm nào cũng đều được đi các nước để học hỏi kinh nghiệm. Vậy số tiền hàng nghìn tỷ của nhân dân dùng đi sang các nước để làm gì?

Đáng buồn nhất đó chính là do không nắm được bản chất thế nào là tàu điện, thế nào là giao thông đô thị nên chỉ cưỡi ngựa xem hoa, thiếu trách nhiệm với việc mình làm, đi tiêu tiền là chính, cuối cùng tổn hại ngân sách.

Thiết nghĩ, không hiểu tại sao lại có thể đưa vào những người hiểu biết rất kém về giao thông đô thị để làm. Mà đã kém thì sẽ không biết tính toán, không biết về các phương án hiệu quả nhất đối với giao thông đô thị, cuối cùng sẽ dẫn tới việc bị đồng tiền lừa, chuyên gia nước ngoài lừa.

Bởi vì, chuyên gia nước ngoài giờ đã khác thời kỳ XHCN, có tiền là làm, nói sai cũng gật, nói đúng cũng đồng ý. Chính vì vậy, việc chọn người làm chủ dự án giao thông đô thị là cực kỳ quan trọng, đây là khâu hết sức cốt tử cho giao thông đô thị.

PV:- Có ý kiến cho rằng, việc đưa ra tổng mức đầu tư thấp thực chất là thủ thuật để dự án được phê duyệt. Ông đồng tình ở mức nào với ý kiến trên? Liệu đây có phải là một ý kiến cần được xem xét nghiêm túc khi mà gần như tất cả các dự án đường sắt đô thị đều bị đội vốn như hiện nay?

TS Nguyễn Xuân Thủy:- Ở đây có 2 lý do chứ không phải 1, lý do thứ nhất, họ thống nhất với nhau đưa ra mức giá thấp xuống, để dành cho được gói thầu, sau khi đấu thầu xong thì mới tăng giá lên.
Ví dụ như dự án tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông, ban đầu cũng hạ thấp giá xuống, rồi sau đó mới tăng giá lên, thậm chí còn đội vốn cao.

Điều này, chứng tỏ một là, người đấu thầu tâm không tốt, hai là, cơ chế người mời thầu cũng chưa tốt. Nếu cơ chế quy định rõ ràng chỉ được tăng giá lên 10 - 15%, còn nếu nhiều hơn thì doanh nghiệp tự bỏ tiền ra làm, như vậy thì họ sẽ đấu thầu theo giá cả hợp lý. Bên cạnh đó là sự ràng buộc các cơ chế về chất lượng của công trình.

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đội vốn
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đội vốn
Ví dụ chất lượng tuổi thọ bao năm, độ chính xác, độ ổn định, độ chịu tải, công suất bao nhiêu, tuổi thọ, mức độ hiện đại của nó so với các nước trên TG như thế nào. Đối với chúng ta phải sử dụng các phương tiện hiện đại nhất, đi chậm đón đầu, thế nhưng nếu không sử dụng được thì lại làm sắt vụn, chứng tỏ người đấu thầu không biết gì về chuyên môn.

Chính vì vậy, tôi khẳng định nguyên nhân đội vốn chủ yếu là do nhân sự, con người chứ không cần đổ ở đâu. Nếu lãnh đạo là những người có chuyên môn, có trách nhiệm với XH, những người được chọn là những người thực sự rút kinh nghiệm có tâm huyết, đúng chuyên môn, người chủ trì công trình ít nhất cũng đã từng làm nhiều công trình giao thông đô thị, nắm được kiến thức vững vàng, thì sẽ tốt hơn rất nhiều.

Còn ở đây, do chúng ta chọn không đúng người, không đúng chuyên môn, năng lực đã yếu kém, tâm càng yếu kém hơn nữa, thì hệ quả như vậy là điều sớm hay muộn.

Trách nhiệm chủ thầu

PV:- Trên thực tế, hầu hết các dự án đường sắt đô thị đang được thực hiện hiện nay đều từ nguồn vốn ODA (kèm theo những thỏa thuận cứng về công nghệ, đơn vị thi công…). Nếu xảy ra đội vốn mà chưa thể giải quyết dẫn tới chậm tiến độ, lãi tiền vay trả từng ngày, chậm khai thác hiệu quả của dự án.

Liệu có thể hiểu, Việt Nam bị rơi vào thế buộc phải chấp nhận và phải giải quyết đội vốn nhanh nếu không muốn nhận phần thiệt hại lớn hơn hay không? Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm liệu có phải chỉ ở khâu “nghiên cứu chưa thấu đáo, chuẩn bị đầu tư sơ sài” hay không thưa ông? Cụ thể phải xem xét trách nhiệm về việc này như thế nào?

TS Nguyễn Xuân Thủy:- Chính vì do con người chọn con người nên dẫn đến các dự án bị chậm, bị đội vốn, nhưng đó chỉ là tổn hại nhìn thấy trước mắt, sau này khi đi vào hoạt động, chất lượng kém mới là kinh khủng, nó sẽ dẫn đến hàng loạt các tai nạn rất đáng tiếc.

Ví dụ như tuyến đường từ Nhổn - Ga Hà Nội, tôi đã từng có ý kiến đóng góp là không nên làm từ trên cao xuống dưới đất. Bởi vì, tuyến đường dài 13km, có 9 km trên cao, 4km dưới đất, tôi đề xuất làm tất cả 13km dưới đất, vì hành khách không thể đến cửa ga thì đi bộ xuống mua vé, rồi lại lên đi tiếp được. 

Tôi khẳng định sau này sẽ thấy sự vận chuyển rất khó khăn.

Nguyên nhân dẫn đến việc lựa chọn phương án sai, tôi cho rằng là do chọn không đúng chuyên gia, đối tác. Mà căn bản xuất phát từ lợi ích nhóm, đưa con ông cháu cha vào nhiều, dẫn đến quyết toán, dự toán, quy hoạch đều không đúng tiến độ. Chất lượng kém sẽ dẫn đến những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, chứ không riêng gì hậu quả trước mắt chậm thời gian thi công, đội vốn.

Còn về nguồn vốn ODA tôi nghĩ không phụ thuộc đến mức như thế, cái gì phụ thuộc thì phụ thuộc, còn không thì thôi, thí dụ họ viện trợ thì họ có thể đòi là người chủ thầu, ví dụ như tuyến Cát Linh - Hà Đông, nếu mình là người cứng rắn, bản lĩnh, nắm được chuyên môn thì đòi hỏi họ làm theo chuyên môn của mình, cũng không quá khó.

Ví dụ tuyến đường phải như thế này, các thông số phải như thế này, đòi hỏi tàu thế này, tiến độ thế này, giá thế này, ràng buộc tất cả bắt họ phải làm theo yêu cầu của mình.

Điều quan trọng nhất là Chủ tịch UBND, Sở GTVT, Bộ GTVT, phải xem xét việc chọn người đấu thầu thế nào, ràng buộc trách nhiệm chất lượng thế nào, tính hiệu quả ràng buộc đã có hay chưa hay chung nhau xè xẻo vốn. Lôi đến hàng loạt hệ lụy trong đó có vấn đề kéo dài thời gian, đội vốn, kém hiệu quả, gây bức xúc cho nhân dân.
Cầu Nhật Tân là một ví dụ, Nhật bản có ODA nhưng khi làm mình còn làm chậm hơn họ yêu cầu. Nên họ đưa ra đòi hỏi anh phải bồi thường nếu không đúng tiến độ. Khác hoàn toàn với nguồn vốn từ Trung Quốc, họ quan niệm muốn kéo dài bao nhiêu thì cũng mặc kệ. 

PV:- Phải thừa nhận rằng, việc Bộ trưởng Thăng đã thẳng thắn vạch rõ nguyên nhân xảy ra đội vốn cũng là một tín hiệu đáng mừng. Nếu được tư vấn cho Bộ trưởng, theo ông, bước tiếp theo chúng ta cần làm gì, để giải quyết được triệt để vấn nạn này, tránh việc “cái gì cũng đúng quy trình” nhưng kết quả lại ngược với kỳ vọng?

TS Nguyễn Xuân Thủy:- Theo tôi, việc tiếp theo cần làm là tìm người đúng ngành nghề, có kinh nghiệm, để đứng đầu.

Người cầm cờ sẽ phải hiểu bản chất chuyên môn, từ đó tập hợp những người khác lại, tạo ra một bộ máy, xây dựng lên một phương án hợp lý nhất không có đội vốn, không có kéo dài thời gian, chất lượng đảm bảo với chi phí thấp nhất.

Bên cạnh đó, phải có một chuyên gia đầu đàn nắm chuyên môn làm chủ dự án, chuyên gia đó thành lập bộ máy, hình thành lên kế hoạch để xây dựng dự án để cho kịp thời gian, không bị đội giá mà có chất lượng tốt nhất. Nếu công trình đội giá, sau này chất lượng như thế nào thì người này phải chịu trách nhiệm.

Cho nên phải có ràng buộc về cơ chế trong việc thi hành các dự án, không ai chịu trách nhiệm thì cha chung không ai khóc, tăng thì lại xin, xin thì lại cho, làm đất nước bại liệt, nền kinh tế giảm sút. Tất cả đều do con người!
- Xin cảm ơn những chia sẻ của TS!

Thanh Huyền

No comments:

Post a Comment