Tuesday, September 9, 2014

Trung Quốc lại đập phá tài sản, đánh đập ngư dân Việt Nam

(PLO)- Theo thông tin xác minh từ các cơ quan chức năng của Việt Nam, trong các ngày 1 và 14/8 vừa qua, các tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 96416 TS và QNg 96674 TS trong khi đang hoạt động nghề cá bình thường tại khu vực quần đảo Hoàng Sa đã bị một số tàu Trung Quốc khống chế, ngăn cản và lấy đi một số tài sản. Vietnam+phát lúc 18g08 ngày 9-9 cho biết như trên.

Ông Lê Hải Bình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao phát biểu tại buổi họp báo. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)


Nghiêm trọng hơn, ngày 15/8 vừa qua, trong khi đang hoạt động bình thường tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 96697 TS đã bị hai canô cao su cùng số hiệu 207 của Trung Quốc khống chế, lên tàu đập phá, tịch thu trái phép một số tài sản và đánh đập các ngư dân.
Vietnam+ cho hay, hôm nay 9/9, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước những hành động nói trên của Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ:

“Ngày 09/09/2014, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối.

Đây là những hành động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, trái với luật pháp quốc tế và tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc và đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo Cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân.

Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc điều tra và xử lý nghiêm các hành vi của lực lượng chức năng Trung Quốc đồng thời không để tái diễn những hành động trên và bồi thường thỏa đáng cho các ngư dân Việt Nam”.
Trước đó, trong một hành động nữa xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, hôm 2-9, Trung Quốc đã cho một tàu du lịch với khoảng 200 du khách khởi hành từ cảng Tam Á (đảo Hải Nam, Trung Quốc) đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Theo Tuổi Trẻ, bản tin của Tân Hoa xã cho biết tàu du lịch này có tên Coconut Princess rời cảng Tam Á chiều qua với lịch trình bốn ngày ba đêm trên biển đến Hoàng Sa. Công ty chủ quản tàu nói Coconut Princess mất 12 giờ cho quãng đường kể trên.
Tour du lịch trái phép này đưa du khách Trung Quốc đến ba đảo trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bao gồm bãi Xà Cừ, đảo Ốc Hoa, đảo Ba Ba. Tại đây họ sẽ chơi bóng chuyền, lặn, câu cá và chụp ảnh cưới. Để đi tour du lịch trái phép kể trên, mỗi du khách phải trả 650-1.200 USD.
Cũng theo Tuổi Trẻ, từ tháng 4-2013, Trung Quốc đã cho thử nghiệm tour du lịch trái phép từ Hải Khẩu đến Hoàng Sa của Việt Nam và khoảng 3.500 du khách đã tham gia hành trình này. Tuyến đường mới Tam Á - Hoàng Sa được nói là ngắn hơn tuyến đường cũ tám giờ.
Trước vụ việc trên, ngày 4/9/2014, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc khai trương tuyến du lịch biển khởi hành từ thành phố Tam Á (thuộc tỉnh Hải Nam) đến quần đảo Hoàng Sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ:
“Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa. Việc Trung Quốc khai thác du lịch ở khu vực này là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không phù hợp với Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc cũng như tinh thần Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông và khu vực.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động sai trái này”.
Ba nội dung quan trọng
Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 28-8, trả lời câu hỏi liên quan đến chuyến thăm Trung Quốc trong hai ngày 26 và 27-8 của ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ 3 nội dung quan trọng của chuyến thăm:

Một là, lãnh đạo hai Đảng, hai nước Việt Nam-Trung Quốc tăng cường hơn nữa việc chỉ đạo trực tiếp đối với quan hệ hai Đảng, hai nước, thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Trung Quốc phát triển lành mạnh, ổn định.

Hai là, hai bên tăng cường giao lưu giữa hai Đảng, hai nước, khôi phục và tăng cường hợp tác giữa hai bên trong mọi lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao, quốc phòng an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, pháp luật...

Ba là, hai bên tuân thủ các nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển, sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam-Trung Quốc, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được.

Đồng thời, hai bên tiếp tục nghiên cứu và bàn bạc các giải pháp mang tính quá độ, không ảnh hưởng đến lập trường, chủ trương của hai bên, kể cả vấn đề hợp tác và phát triển, kiểm soát tốt các vấn đề bất đồng trên biển và không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, duy trì quan hệ Việt Nam-Trung Quốc hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Thứ Ba, ngày 9/9/2014 - 18:18 
TTH (tổng hợp)

No comments:

Post a Comment