(PLO) - Cho đến nay, những phản ứng của Trung Quốc về vấn đề biển Đông đã cho quốc tế thấy rõ, một cách rất tự nhiên không thể che giấu, bản chất chính xác của nước này: đơn phương gây hấn và đổ vấy trách nhiệm lên nước khác.
Trong diễn biến gần đây. Tân Hoa xã đã đăng bài viết mang tính vu cáo trắng trợn: “Việt Nam phải chịu trách nhiệm cho căng thẳng leo thang hiện nay”. Trong bài viết này, người viết là chuyên gia Trần Khánh Hồng thuộc Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc đã nêu lên hai luận điểm về chủ quyền đối với Hoàng Sa. Đáng tiếc, càng muốn chứng tỏ sự “hợp pháp” bao nhiêu, Trung Quốc càng tự khiến mình lộ ra điểm yếu bấy nhiêu. Trong mọi dẫn chứng, Trung Quốc chỉ phơi bày ra lòng tham vô độ và sự ngang ngược, lấp liếm sự thật một cách vụng về bằng những tuyên bố đơn phương vô căn cứ.
Lãnh thổ cố hữu nhưng lại không có trong bản đồ?
Trần Khánh Hồng bịa đặt rằng quần đảo Hoàng Sa là “lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc từ thời cổ đại” và dẫn chứng một số cái tên triều đại như nhà Tống, Nguyên, Minh nhưng lại không dẫn ra cứ liệu lịch sử để minh chứng.
An Nam Đại quốc họa đồ của Giám mục Taberd xuất bản năm 1838 khẳng định Paracels (Cát Vàng, Hoàng Sa) nằm trong vùng biển Việt Nam. Ảnh: ĐNĐT
Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân, một chuyên gia về lịch sử Trung Quốc, cho biết từ thời Nhà Hán (203TCN - 220 ), Trung Quốc đã có những bộ chính sử do một cơ quan chuyên môn của triều đình biên soạn. Một vùng đất thuộc lãnh thổ của Trung Quốc thì phải được biên chép trong “địa lý chí” thuộc các bộ chính sử. Thế nhưng, trong toàn bộ các pho chính sử khổng lồ của Trung Quốc từ thời Hán (203 TCN - 220) đến Thanh (1644 - 1912) đều không ghi chép về Hoàng Sa và Trường Sa.
Các bản đồ chính thức và bán chính thức của Trung Quốc cho đến tận đầu thế kỷ 20 như Hoàng triều nhất thống dư địa tổng đồ (1894), Đại Thanh đế quốc toàn đồ (1905) cũng chỉ vẽ lãnh thổ nước này đến đảo Hải Nam. Trong khi bộ bản đồ Atlas thế giới của Philippe Vandermaelen xuất bản năm 1827 tại châu Âu đã thể hiện rõ chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam.
Bản đồ Atlas thế giới của Philippe Vandermaelen (1827) thể hiện rõ cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam. Ảnh: Công Khanh
Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa bằng những cuộc tấn công quân sự vào năm 1956 và 1974. Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế đã quy định cấm sử dụng vũ lực xâm phạm lãnh thổ của một quốc gia khác. Thực tế đến nay, không một quốc gia nào công nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa.
Luận điểm chủ quyền của Trung Quốc nhiều lần tỏ ra “khó hiểu” như: Người Trung Quốc đặt tên đảo nên là đảo của Trung Quốc, người Trung Quốc nhìn thấy đảo thì đó là của Trung Quốc…Dù tuyên bố hung hồn, nhưng Trung Quốc lại luôn luôn né tránh yêu cẩu đưa vấn đề ra tòa án quốc tế xử lý. Thực tế, Trung Quốc chưa từng “dám” xuất hiện trong các phiên tòa quốc tế do Philippines khởi kiện.
Cố tình “hô biến” công thư thành văn bản pháp lý
Bản scan công hàm 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Chuyên gia họ Trần trong bài viết của mình lại một lần nữa viện dẫn công thư 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng để khẳng định Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa.
Trên thực tế, TS. Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, đã khẳng định rõ: năm 1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi công thư chứ không phải công hàm cho Thủ tướng Chu Ân Lai. Đi sâu vào công thư, chỉ có nội dung Việt Nam tán thành và ủng hộ lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc theo tuyên bố năm 1958 của Trung Quốc. Chúng ta chỉ dừng lại ở việc thừa nhận và ủng hộ chiều rộng lãnh hải 12 hải lý, trong khi Trung Quốc cố tình hiểu sai để “gom chung” luôn cả vấn đề đảo Hoàng Sa vào công thư bất chấp văn bản rõ rằng không hề thể hiện một con chữ nào về vấn đề này.
Trong cuộc họp báo quốc tế ngày 23.5, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam Trần Duy Hải đã khẳng định công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có giá trị pháp lý đối với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Ông lý giải rõ hơn: "Giá trị công thư phải đặt trong bối cảnh cụ thể. Khi có công thư này gửi cho Trung Quốc lúc bấy giờ Hoàng Sa và Trường Sa đang thuộc quyền sở hữu của Việt Nam Cộng hòa, do đó bạn không thể cho người khác một cái gì khi bạn chưa có”.
Việc Trung Quốc viện dẫn công hàm 1958 chỉ là hành động cố ý bóp méo sự thật, gán ghép tùy tiện những nội dung không có trong công thư nhằm tạo ra lợi thế phi lý cho mình.
Thay cho kết bài, xin dẫn ý kiến của ông Nikolai Kolesnik, Chủ tịch Hội cựu chiến binh Nga từng chiến đấu ở Việt Nam: “Sớm muộn gì Việt Nam cũng sẽ đạt được lẽ phải lịch sử đối với quần đảo Hoàng Sa. Mọi âm mưu giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng sức mạnh sẽ dẫn đến ngõ cụt, kết thúc là vực thẳm".
Thứ Ba, ngày 3/6/2014 - 18:56
Phương Dung (tổng hợp)
No comments:
Post a Comment