Tuesday, June 3, 2014

Tham vọng của Trung Quốc gây lo ngại tại Châu Á.



Tướng Vương Quán Trung, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc (T) bắt tay Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov (P) tại Đối thoại Shangri-la, Singapore, 01/06/2014-REUTERS

RFI-Thứ ba 03 Tháng Sáu 2014 
Căng thẳng gia tăng ở Châu Á cùng với việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh. Tại Singapore, diễn đàn an ninh khu vực - Đối thoại Shangri-la, diễn ra từ 30/05 đến 01/206/2014, đã minh chứng cho điều này. Bắc Kinh đã phản ứng mạnh mẽ vì bị cáo buộc gây mất ổn định trong khu vực. Chính thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã đưa ra các cáo buộc này. Bà Valérie Niquet, phụ trách khu vực Châu Á của Quỹ nghiên cứu chiến lược trả lời các câu hỏi của RFI.

RFI : Hiện nay, một số người cho rằng Châu Á đang đi vào một thời kỳ kiểu Chiến tranh lạnh và các nước trong khu vực phân chia thành hai khối ủng hộ và chống Trung Quốc. Chiến tranh lạnh, đó là những từ ngữ rất nặng nề. Bà nghĩ gì về điều này ?

Valérie Niquet : Những từ này quả thực là nặng nề, nhưng nó miêu tả một thực tế không phải bây giờ mới có, mà đã tồn tại và trở nên rất nghiêm trọng kể từ cuối những năm 2000. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế trên toàn thế giới, Trung Quốc đã thoát ra được một cách tương đối tốt và một trong những hệ quả là Bắc Kinh đã đẩy mạnh một cách đáng kể những yêu sách trong toàn bộ vùng Châu Á-Thái Bình Dương. Đó không phải là vì những lý do lãnh thổ, năng lượng hay tài nguyên như người ta thường nói, mà Trung Quốc có tham vọng thay đổi cái gọi là kiến trúc khu vực và tạo dựng lại một khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, về mặt chiến lược và kinh tế, quây quần xung quanh, với Trung Quốc là trung tâm, và nhờ vậy, Trung Quốc giành lại được vị trí lãnh đạo trong khu vực. Đây mới là tâm điểm của vấn đề.

Điều này giải thích vì sao, trước đây, trong nhiều năm, Châu Á hài lòng vì có quan hệ hòa dịu với Bắc Kinh – và đặc biệt là rất có lợi về kinh tế - thì giờ đây, vấn đề ngày càng nổi trội là mối lo thực sự của các nước trước các tham vọng của Trung Quốc và quyết tâm tái cân bằng ảnh hưởng đối phó với chiến lược này của Trung Quốc, qua việc quay trở lại khu vực của Hoa Kỳ và chưa bao giờ, Mỹ lại được đón tiếp nồng nhiệt như hiện nay.

Trong những ngày qua, tại Singapore, đã có những cuộc trao đổi rất thẳng thắn. Phải chăng là có một bầu không khí lo ngại, nghi ngại sẽ kéo dài trong nhiều năm tới trong khu vực này ?

Vâng, chắc chắn là như vậy và sự nghi ngại này còn tiếp tục kéo dài, chừng nào mối ưu tiên của Bắc Kinh không phải là làm dịu quan hệ với các nước láng giềng. Lô gích của Bắc Kinh là tạo tính chính đáng cho ban lãnh đạo đang cầm quyền hiện nay ở Trung Quốc và tính chính đáng này ngày càng dựa vào những luận điểm dân tộc chủ nghĩa. Các phát biểu này ngày càng ít được kiềm chế và đã được nhấn mạnh, như chúng ta thấy tại Hội nghị Shangri-la.

Do vậy, trước những phát biểu rất dân tộc chủ nghĩa - một số người còn cho rằng là hung hăng - từ phía Trung Quốc nhắm vào toàn bộ khu vực, nhắm vào Nhật Bản một cách không suy xét, cũng như đối với nhiều nước ở Đông Nam Á, như Philippines, Việt Nam và cả Malaysia hay Indonesia – những nước mà Trung Quốc có các vấn đề tranh chấp lãnh thổ, thậm chí, với cả Hàn Quốc, tất cả là những nước trong khu vực.

Đó là chưa nói đến các quốc gia đang có những tranh chấp lãnh thổ trên đất liền, như Ấn Độ, họ cũng lo lắng trước những đòi hỏi của Trung Quốc và chính điều này đã tạo ra một sự liên minh của toàn vùng chống lại chiến lược hiện nay của Trung Quốc và những căng thẳng này sẽ còn tiếp tục chừng nào chính quyền Trung Quốc còn coi các tham vọng này là ưu tiên trong chiến lược đối ngoại của mình.

Tướng Vương Quán Trung, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc đã đáp trả lại một cách mạnh mẽ trước các cáo buộc của Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã có những lời lẽ rất thẳng thắn, trực diện, phải chăng vì thế mà Trung Quốc đã đáp lại một cách rất cứng rắn ?

Vâng, đúng vậy. Đối với Trung Quốc, mối đe dọa chính, đó là chiến lược « xoay trục », sự quay trở lại Châu Á của Mỹ, hơn nữa, sự quay trở lại này lại được toàn thể các nước trong vùng ủng hộ, vì chiến lược của Mỹ giúp kìm hãm các tham vọng của Trung Quốc tại đây. Nếu Hoa Kỳ, và đây là thông điệp mà Washington muốn đưa ra, thực sự dấn thân vào Châu Á để trấn an các đối tác và tìm cách tái cân bằng sức mạnh Trung Quốc, thì đương nhiên, các khả năng của Trung Quốc, cho dù đã được phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, cũng chẳng đáng kể gì đối với Washington.

Trong một thời gian dài, mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh là tìm cách kìm giữ Hoa Kỳ đứng ngoài khu vực hoặc làm thế nào để Mỹ không dấn thân trực tiếp vào xung đột khu vực. Ngày nay, chúng ta thấy rõ là thái độ của Trung Quốc và sự cần thiết đối với Washington phải trấn an các đối tác của mình, như Nhật Bản, đã dẫn đến việc Mỹ tiến hành « xoay trục » và đây là mục tiêu mà Trung Quốc cần phải triệt hạ.

Vậy điều gì có thể hạn chế sức mạnh hoặc sự thống trị của Trung Quốc trong khu vực ?

Nếu không có chiến lược xoay trục của Mỹ, người ta cảm nhận rõ sự khó khăn trong việc ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc, trong bài diễn văn của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, khách mời của Hội nghị Shangri-la năm nay. Nếu các nước trong vùng không tin vào sự ủng hộ của Hoa Kỳ nữa, thì có nguy cơ là các nước sẽ phát triển khả năng quân sự.

Nhật Bản ngày nay rất bị hạn chế về sức mạnh quân sự do Hiến pháp của nước này. Thế nhưng Tokyo đã có các dự án sửa đổi Hiến pháp, cho phép Nhật Bản tiến hành các hành động phòng thủ tập thể với các đồng minh trong khu vực. Tokyo cũng đề xuất với các nước Đông Nam Á giúp đỡ họ về thiết bị, công nghệ và huấn luyện, điều này sẽ giúp các nước có được khả năng thực sự về tuần duyên để chống lại Trung Quốc.

Do vậy, người ta có thể chứng kiến sự hồi sinh sức mạnh quân sự của Nhật Bản. Không nên quên rằng, về mặt công nghệ và khả năng quân sự, Nhật Bản, nếu muốn, có thể dư sức bắt kịp các khả năng quân sự của Trung Quốc, một cách nhanh chóng.

Phải chăng Hoa Kỳ thực sự có các phương tiện để thực hiện tham vọng của mình ? Liệu họ có thể đóng vai trò là tác nhân chính trong khu vực này, bởi vì một số khu vực khác trên thế giới cũng đang cần đến Mỹ ?

Đó là nội dung bài diễn văn của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, cũng như của nhiều bài diễn văn của Tổng thống Obama. Hoa Kỳ tái khẳng định sự hiện diện trong vùng Thái Bình Dương, họ sẽ ở lại đây, bên cạnh các đồng minh và đối tác và sẽ đóng vai trò đối trọng với Trung Quốc trong khu vực.

Đương nhiên là có vấn đề ngân sách, nhưng người ta có cảm giác là vì hàng loạt lý do kinh tế và chiến lược, Hoa Kỳ cho rằng Châu Á là khu vực ưu tiên nhất hiện nay. Điều mà người ta đã nghe thấy tại Hội nghị Shangri-la và tại một số diễn đàn khác là việc Mỹ triệt thoái khỏi Afghanistan, dấn thân có chừng mực trong một số vấn đề ở trung và đông Âu, khẳng định tham vọng thực sự của Hoa Kỳ muốn đóng một vai trò chiến lược sống còn đối toàn bộ các nước trong khu vực Châu Á.

No comments:

Post a Comment