Saturday, May 17, 2014

Kinh tế Việt Nam ảnh hưởng nặng sau biểu tình bạo loạn

SÀI GÒN (NV) .- Một số hãng xưởng ngoại quốc lớn nhỏ vẫn đóng cửa, một số mở lại trong âu lo, nền kinh tế của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nhiều hay ít tùy tình hình trong những ngày sắp tới.


 Cơ sở hãng Formosa (đầu tư Đài Loan) bị người biểu tình chống Trung quốc bạo động đốt cháy ở khu kinh tế Vũng Áng tỉnh Hà Tĩnh chiều tối 14/5/2014. (Hình: Thanh Niên Công Giáo)

Sau cuộc biểu tình bạo động của hàng chục ngàn người chống Trung Quốc các ngày từ 12 đến 14/5/2014 ở Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh và ngay cả Sài Gòn, hãng lớn như Foxxcom (đầu tư Đài Loan) ở Bình Dương, sản xuất điện thoại i-phone và i-pad cho công ty Apple ở Mỹ đã ngừng hoạt động từ ba ngày qua, chờ xem tình hình ra sao.  Một hãng khác sản xuất giày dép, Freetrend (vốn Đài Loan) ở khu kỹ nghệ Linh Trung (Thủ Đức) cũng bị đập phá  nhưng thiệt hại nhẹ, đã mở cửa lại từ ngày Thứ Sáu. Hãng Yue Yuen, ở Thủ Đức, cung cấp giày thể thao cho Addidas và Nike cũng đã mở cửa lại.

Đại diện nhà cầm quyền các địa phương đã tới thăm cơ sở của các nhà đầu tư ngoại quốc tại các khu công nghệ kêu gọi họ mở cửa trở lại, tăng cường nhân viên an ninh và “bảo đảm an toàn cho doanh nghiệp nước ngoài”, theo bản tin TTXVN ngày Thứ Sáu 16/5/2014.

Tuy vậy, hàng đoàn người Trung Quốc và Đài Loan vẫn chờ lên máy bay về nước. Hãng hàng không của Đài Loan đã phải tăng cường thêm hai chuyến bay đồng thời với hai chuyến thường lệ để thỏa mãn như cầu tăng vọt. Nhà cầm quyền Hà Tĩnh chỉ nhìn nhận có một người chết, Trung Quốc nói 2 chết, trong khi hãng thông tấn Reuters thì nói 21 người chết và hơn trăm người bị thương khi người dân xông vào nơi đang xây dựng nhà máy luyện thép Formosa ở Vũng Áng.

Không còn biểu tình bạo động nhưng nhiều người Đài Loan và Trung quốc vẫn sợ hãi cuộc biểu tình chống Trung quốc được loan báo trên Internet dự trù vào ngày Chủ Nhật 18/5/2014 tới đây dù những người kêu gọi biểu tình nói đó là cuộc biểu tình ôn hòa, bất bạo động. Người ta không biết những diễn biến vẫn còn tiếp tục trên biển sẽ đưa tới đâu.

David Lin, Bộ trưởng ngoại giao Đài Loan nói với các nhà lập pháp của họ hôm Thứ Năm rằng Đài Loan sẽ làm tất cả những gì có thể làm được để giúp công dân của họ nếu muốn rời Việt Nam.

Hiện không có thống kê đích xác sự thiệt hại của các hãng xưởng và số lượng hãng xưởng bị đập phá hay đốt cháy. Tin của một hai ngày trước thì cho biết khoảng 15 cơ sở bị đốt cháy trong số khoảng 400 cơ sở sản xuất kỹ nghệ bị đập phá. Phần lớn là cơ sở của người Đài Loan.

Hơn 1,000 người đã bị nhà cầm quyền bắt giữ, thẩm vấn sau các cuộc biểu tình bạo động. Nhiều người có thể bị kết án nặng nề vì nhà cầm quyền trung ương Hà Nội đe dọa trừng phạt nghiêm khắc các hành vi bạo loạn. Khi cơn phẫn nộ của quần chúng lên cao, nhà cầm quyền đã không dám đưa công an, cảnh sát cơ động hay đám lực lượng phụ thuộc như dân phòng, cán bộ đảng viên đến đối phó với một lượng người quá đông đảo ngoài sự kiềm chế.

Sự giận dữ cao độ của quần chúng Việt Nam dẫn đến bạo động gây nhiều thiệt hại sản xuất trầm trọng, trước hành động ngang ngược của Trung quốc khi đưa dàn khoan khổng lồ tới dò tìm dầu khí tại vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, làm nổi bật sự quan trọng của Việt Nam trong chuỗi sản xuất công kỹ nghệ và tiêu thụ toàn cầu.

Các hãng xưởng lớn nhỏ của Việt Nam, từ quốc doanh tới tư doanh, phần lớn đang dở sống dở chết vì không vay được tiền ngân hàng, trong khi ngân hàng thì điêu đứng với nợ xấu. Nhưng các hãng xưởng của các nhà đầu tư ngoại quốc thì phát đạt, đóng góp một phần không nhỏ vào nền kinh tế Việt Nam. Nhờ họ bơm khoảng 17% cho tổng sản lượng quốc gia (GDP) và một lượng lớn ngoại tệ mà nền kinh tế Việt Nam vẫn còn chưa sập xuống.

Bên Trung Quốc, lương công nhân tăng nhanh chóng từ 10% đến 15% mỗi năm nên không ít công ty, kể cả công ty của chính Trung Quốc chứ không riêng gì các công ty ngoại quốc, bỏ chạy khỏi nước này, tìm đến những nước như Việt Nam đầu tư sản xuất. Lương công nhân tại Việt Nam rẻ hơn, chỉ bằng nửa lương công nhân ở Trung quốc, lại sát Trung quốc nên được hưởng lợi rất nhiều từ các cuộc di cư kỹ nghệ này.

Hai đại công ty Hàn Quốc là Samsung và LG, công ty Nhật sản xuất máy in cho máy điện toán Fuji Xerox, hãng Nhật sản xuất vỏ xe Bridgestone, nhà sản xuất chip điện tử Intel của Mỹ đã đầu tư nhiều tỉ đô la cho các cơ sở sản xuất tại Việt Nam.

Theo thống kê, Samsung sản suất 11 triệu sản phẩm/tháng, tạo việc làm cho 24,000 lao động, doanh thu xuất khẩu năm 2012 khoảng trên 10 tỷ USD. Đến năm 2015, khi các cơ sở mở rộng sản xuất của Samsung hoàn tất với 2 tỉ đô la đầu tư, khoảng 40% điện thoại thông minh của công ty sẽ sản xuất từ Việt Nam, tung ra thị trường thế giới.

Trong khi sản xuất nội địa từ quốc doanh đến tư doanh đều gặp khó khăn, xuất cảng của Việt Nam từ các công ty ngoại quốc tăng đến 27% hồi năm ngoái, đạt 88 tỉ USD. Con số này chiếm tới 2/3 lượng trị giá hàng xuất cảng của cái nền kinh tế 170 tỉ đô la này. Riêng hãng Samsung tại tỉnh Thái Nguyên đã xuất cảng hồi năm ngoái một lượng điện thoại thông minh tăng 69% so với năm trước đó, thu được 21 tỉ USD. Chiều hướng tốt đẹp này còn đang tiếp diễn trong năm nay với con số xuất càng tăng 29% của 4 tháng đầu năm.

Rất nhiều công ty Hàn Quốc và Nhật bản gia tăng tốc độ đầu tư sản xuất tại Việt Nam sau đợt tấn công các công ty Nhật ở Trung Quốc hồi Tháng 9-2012. Từ trước tới nay, giới đầu tư ngoại quốc tuy than phiền nhiều thứ từ hạ tầng cơ sở yếu kém đến nạn vòi vĩnh hối lộ của quan chức nhà nước, họ vẫn thấy Việt Nam, dù là một nước độc tài cộng sản, tương đối ổn định để đầu tư sản xuất. Bây giờ, với những gì vừa xảy ra, người ta sẽ phải nghĩ lại.

“Nhà đầu tư không chỉ chú ý tới chi phí hay khả năng chuyên môn của nhân công mà họ còn phải cân nhắc yếu tố tâm lý người địa phương khi đụng chạm tới lòng ái quốc đột ngột nổi lên, có thể cản trở sản xuất.” Leong Wai Ho, một phân tích gia của ngân hàng đầu tư Baclays tại Singapore nói với hãng thông tấn Reuters. “Cuộc biểu tình có thể chấm dứt hay qua đi nhưng sự căng thẳng tiềm ẩn bên dưới vẫn còn đó, cũng có thể tồi tệ hơn sau này”.

Các công ty Đài Loan vội vã treo cờ Đài Loan và viết những tấm bảng phân biệt họ với Trung Quốc. Hàng trăm công ty Đài Loan bị buộc phải đóng cửa vì bị phá hoại hay đốt cháy. Tuy nhiên, không phải chỉ có các công ty của Đài Loan và Trung Quốc là nạn nhân mà vạ lây còn có cả cơ sở của các công ty Hàn Quốc, Nhật Bản, ngay cả của người Việt Nam.

Hàng ngàn công ty ngoại quốc từ hơn 20 quốc gia đầu tư trên 110 tỉ đô la sản xuất các loại hàng hóa tại Việt Nam, hầu hết đều xuất cảng ra nước ngoài. Các khu kỹ nghệ tại Việt Nam thu dụng 2.1 triệu người. Từng có hàng ngàn cuộc đình công những năm qua nhưng chỉ là chống lại điều kiện làm việc tồi tệ và lương bổng quá thấp. Nay là lòng ái quốc kích thích họ có các hành động không kềm chế.

Theo nhận định của tờ Financial Times, nếu Việt Nam chế ngự được các vụ bạo động, hậu quả đối với nền kinh tế Việt Nam nhiều phần rất giới hạn. Chỉ một số nhỏ trong hàng ngàn xí nghiệp sản xuất tại Việt Nam bị ảnh hưởng và nhiều công ty quốc tế lớn đều có mua bảo hiểm. Nhưng nếu các vụ bạo động vẫn tái diễn tràn lan, các nhà đầu tư ngoại quốc sẽ phải cộng thêm vào quyết định đầu tư của họ yếu tố nguy cơ chính trị. Khi đó, nền kinh tế của Việt Nam sẽ đối diện với thảm họa. (TN)
05-16-2014 4:52:52 PM

No comments:

Post a Comment