04-19-2014 2:15:15 PM
QUẢNG NINH 19-4 (NV) - Bảy người chết ở cửa khẩu Bắc Phong Sinh tỉnh Quảng Ninh là hậu quả của một vụ vượt biên tỵ nạn chính trị bất thành của nhóm người Hồi Giáo gốc Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương?
Tấm hình này trên tờ Tiền Phong được chú thích: "Bộ đội Biên phòng Việt Nam bàn giao nhóm đối tượng cho phía Trung Quốc" hiện đã bị lấy xuống. Các người phụ nữ che mặt và trang phục thường thấy của người Hồi giáo. (Hình: Tiền Phong)
Đây là nghi vấn được một số bloggers ở Việt Nam nêu ra và cũng là nhận xét của báo New York Times khi viết về vụ nổ súng xảy ra tại cửa khẩu nói trên của Việt Nam với Trung Quốc vào trưa 18 tháng Tư, 2014, gây sửng sốt dư luận.
Báo chí nhà nước tại Việt Nam đăng tải tin tức và hình ảnh nói rằng 16 người quốc tịch Trung Quốc vượt biên vào Việt Nam bất hợp pháp, gồm 10 đàn ông, 4 phụ nữ và 2 trẻ em. Phía Trung Quốc thông báo cho biên phòng Việt Nam về nhóm người này từ 5 giờ 30 phút sáng, theo tờ Thanh Niên, và họ đã bị lực lượng biên phòng Việt Nam bắt đưa về đồn, chuẩn bị thủ tục trao trả cho Trung Quốc. Tuy nhiên, TTXVN thuật lời viên chức tỉnh Quảng Ninh nói rằng lực lượng biên phòng đã thấy những người đó xâm nhập khoảng một giờ trước đó.
“Khoảng 12 giờ cùng ngày, trong khi đang chờ làm thủ tục để bàn giao cho phía Trung Quốc, bất ngờ vài người đàn ông trong nhóm trên cướp súng của một chiến sỹ biên phòng xả đạn vào lực lượng biên phòng Việt Nam, khiến 1 chiến sỹ hy sinh tại chỗ. Lập tức, lực lượng Biên phòng Việt Nam buộc phải bắn chỉ thiên nhưng các đối tượng vẫn lao vào tấn công và khống chế văn phòng làm việc tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh.” Báo Tiền Phong tường thuật, và cho hay rằng “Mặc dù lực lượng chức năng phía Việt Nam và Trung Quốc kêu gọi, thuyết phục các đối tượng giao nộp vũ khí và đầu hàng nhưng các đối tượng vẫn quyết cố thủ, đập phá trụ sở. Lực lượng chức năng phải dùng các biện pháp nghiệp vụ tiếp cận, khống chế và bắt giữ. Các đối tượng đã chống trả lực lượng biên phòng, đồng thời tự gây sát thương, một số tự sát và nhảy lầu tự tử.”
Hệ quả của vụ đấu súng là 7 người thiệt mạng, gồm có 2 sĩ quan Biên phòng CSVN, 5 người đàn ông Trung Quốc và nhiều người bị thương, trong đó có 4 lính Biên phòng Việt Nam. Không thấy nói 5 người đàn ông Trung Quốc còn sống có bị thương không và có bị còng hay không. Báo chí Việt Nam cho hay tất cả 5 thi hài và 11 người còn sống đều được giao trả cho phía Trung Quốc ngay trong buổi chiều 18 tháng Tư.
Tuy nhiên, nhìn tấm hình của tờ Tiền Phong về trao trả người “vượt biên trái phép” cho Trung Quốc, người ta chỉ thấy có 4 phụ nữ và 2 trẻ em. Bốn người phụ nữ đều có mạng che mặt và mặc trang phục quen thuộc của người Hồi Giáo. Tất cả đều được hướng dẫn di chuyển thong thả và không bị còng. Hiện tấm hình này đã bị lấy xuống. Chỉ còn trên internet tấm hình trên báo điện tử VNExpress cảnh trao trả người cho phía Trung Quốc mà người ta chỉ nhìn thấy từ phía sau lưng các người phụ nữ.
Sau sau vụ việc xảy ra, ông Đặng Duy Hậu, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh vội vã lên tiếng cho hay “Vụ gây mất an ninh trật tự ở khu vực cửa khẩu Bắc Phong Sinh, huyện Hải Hà, Quảng Ninh vào trưa cùng ngày không phải là vụ tấn công khủng bố mà chỉ là phản ứng manh động của các đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam,” TTXVN tường thuật.
Không có thông tin chắc chắn, nhưng nhìn những tấm hình của hai tờ Tiền Phong và VNExpress, nhiều người tin rằng nhóm người “vượt biên trái phép” nói trên là người tìm đường tị nạn chính trị thuộc sắc tộc Uighurs (Duy Ngô Nhĩ) ở khu vực Tân Cương (Xinjiang) bị người Hán Trung Quốc cướp đất và đang tiến hành kế hoạch đồng hóa diệt chủng.
Các phụ nữ có vẻ là dân Ngô Duy Nhĩ (Uighurs), được Biên phòng CSVN vội vã trả cho Trung quốc sau vụ nổ súng, chỉ nhìn thấy từ phía sau lưng hiện còn trên báo điện tử VNExpress. (Hình: VNExpress)
Người Uighurs theo đạo Hồi hệ phái Sunny và nói ngôn ngữ giống người Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Tân Cương, những năm gần đây xảy ra rất nhiều cuộc đụng độ đẫm máu giữa người Hán nắm giữ quyền cai trị và người Uighurs, hậu quả của chính sách cai trị hà khắc của Bắc Kinh. Còn người Hán di cư tới đây cũng ra sức chèn ép, khủng bố, kỳ thị người Uighurs làm cho xung đột chủng tộc ngày càng leo thang.
Các nỗ lực vùng vẫy của người Uighurs chống áp bức, bất công bị nhà cầm quyền Bắc Kinh gọi là “khủng bố” và ra lệnh đàn áp thẳng tay. Một số người Uighurs cảnh cáo rằng các thành phần cực đoan sẽ hành động nếu như nhà cầm Trung quốc không thay đổi chính sách kìm kẹp người Uighurs.
Những biến cố gần đây khiến người Hán cảm thấy bất an. Đầu Tháng Ba vừa qua, một nhóm người cầm dao đã sát hại ít nhất 29 người và làm bị thương khoảng 150 người khác tại một trạm xe lửa ở thành phố Côn Minh tỉnh Vân Nam. Báo chí chính thức của Trung Quốc nói 9 người đã bị bắt và gọi đó là những phần tử “khủng bố” dù khong chính thức nói đó là người Uighurs.
Nhiều nhóm người Uighurs đông đảo đã tìm cách đi khỏi Tân Cương và Trung Quốc. Các đường bộ tới một số quốc gia Đông Nam Á là một lộ trình ngày càng có nhiều nhóm người này tìm cách vượt biên. Trong Tháng Ba vừa qua, một nhóm khoảng hơn 400 người di dân bất hợp pháp bị bắt giữ tại một đồn điền cao su của miền nam Thái Lan mà người ta tin họ là người Uighurs. Tin tức cho hay nhóm người này tìm cách đến Malaysia, xứ có nhiều người Hồi giáo, rồi từ đó tìm cách đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong bản thông cáo công bố hôm 26/03/2014, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch lên tiếng tố cáo Cambodia đã câu lưu rồi trục xuất qua Thái Lan một nhóm 15 người Uighurs. Đây chính là số người bị Thái Lan bắt giữ sáng Chủ nhật 23/03 tại tỉnh Sakaeo sát biên giới Cambodia.
Việc nhà chức trách Việt Nam bàn giao cho phía Trung Quốc mà không thông qua điều tra, xét xử, có thể đã bỏ qua một các nguyên tắc về 'độc lập chủ quyền quốc gia', 'tôn trọng nhân quyền' và 'nhân đạo', theo luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội CSVN nói với đài BBC trong cuộc phỏng vấn.
"Trao trả một cách gấp gáp như thế, tôi nghĩ cũng là một vấn đề phải suy nghĩ, bởi vì phải coi những người đó lý do tại sao họ sang Việt Nam, lý do là gì, bởi vì trong Hiến pháp của Việt Nam cũng nói rằng những người tị nạn chính trị vì lý do này khác, đôi khi cũng có thể xem xét, chứ không phải là tất cả những người nước ngoài chạy vào Việt Nam thì mình (Việt Nam) bắt và mình trao trả liền.” Ông Thuận nói.
Bản tin Tân Hoa Xã tường thuật vắn tắt biến cố tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh và cho hay Bộ Ngoại Giao Trung Quốc “đang kiểm chứng” sự việc. Ông Trần Quốc Thuận chỉ trích hành động giao trả người vội vã cho Trung quốc là “không đúng quy trình, không đúng thủ tục về hoạt động tư pháp. Nghĩa là “không phù hợp với quy định của luật pháp Việt Nam”.
Một số bloggers tại Việt Nam tỏ vẻ ngạc nhiên trước cách hành sử của nhà cầm quyền Việt Nam. Nhà báo Huy Đức viết trên mạng xã hội facebook: "Sẽ không có 7 người chết (trong đó có 2 bộ đội biên phòng Việt Nam) và nhiều người khác bị thương nếu những người (có thể là) Duy Ngô Nhĩ "vượt biên trái phép" đó được giữ lại điều tra và trước khi trao trả, chính quyền hai bên đàm phán các điều kiện đảm bảo an toàn cho họ”.
Ông Huy Đức viết tiếp rằng “Đành rằng, vẫn biết Hà Nội và Bắc Kinh là hai nhà nước có thể "chia sẻ" với nhau cách đối xử với những người bất đồng với chính quyền. Đành rằng, tiêu diệt một nhóm người có vũ trang thì không ai trách cứ được mình. Nhưng, nếu 16 người vượt biên (có 4 phụ nữ và 2 trẻ em) này không bị đối xử quá lạnh lùng thì người Việt đã không phải đổ máu và bàn tay người Việt đã không phải dính máu người Duy Ngô Nhĩ." (TN)
No comments:
Post a Comment