Saturday, January 18, 2014

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Tôi rất buồn ? !


images1315223_thu_truong_ngoai_giao_phai_manh_liet_cai_cach_nen_giao_duc_datviet.vn
“Tôi rất buồn khi vừa qua, ở nước ta có các hiện tượng hôi của như vậy. Ngẫm lại, ngay trong cùng một dân tộc với nhau mà còn làm những việc như vậy thì chúng ta nói gì đến bên ngoài”, TS Nguyễn Thanh Sơn – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao chia sẻ.
PV:- Thưa Thứ trưởng, nhìn lại một năm ngoại giao văn hóa của Việt Nam, những sự kiện và kết quả nào mà ông đánh giá cao nhất và vì sao?
TS Nguyễn Thanh Sơn:- Nói đến phạm trù ngoại giao văn hóa có thể hiểu với nhiều nghĩa khác nhau, nhưng tựu trung lại ý nghĩa của nó là thông qua các hoạt động ngoại giao để nâng vị trí dân tộc, giới thiệu với bạn bè quốc tế những hình ảnh tốt đẹp, tinh hoa nhất của văn hóa Việt.
Cụ thể, trong năm vừa qua, ngành ngoại giao đã đóng góp được rất nhiều cho việc phát triển, vận dụng “sức mạnh mềm” của chúng ta trên mặt trận ngoại giao.
Bởi vì văn hóa là thế mạnh của dân tộc Việt Nam, đặc biệt trong năm vừa qua, những sự kiện mà để lại dấu ấn lớn đó là chúng ta tiếp tục có những di sản mới được vinh danh trong lĩnh vực phi vật thể như đờn ca tài tử Nam Bộ, tiếp tục trúng cử Hội đồng di sản thế giới, đây là một niềm tự hào của dân tộc.
Đây chính là những vinh danh đối với khả năng, trí tuệ của Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa, cho nên chúng tôi hi vọng năm 2013 qua đi với nhiều thành tích nổi bật trong công tác ngoại giao văn hóa, năm 2014 tới đây với đà phát triển như hiện tại, chúng ta sẽ có thêm nhiều thành tích mới.
Bên cạnh đó, trong năm 2013, thông qua các hoạt động ngoại giao của nước ta mà bạn bè quốc tế đã ghi nhận được hình ảnh, đất nước con người Việt Nam với một truyền thống văn hóa lịch sử rất lâu đời.
Chúng ta được bạn bè quốc tế ghi nhận với những danh thắng của Việt Nam như Phong Nha-Kẻ Bàng, Cố đô Huế… những địa điểm đã được bình chọn, ghi nhận, trở thành di sản sinh quyển, gắn với hoạt động ngoại giao 2013. Không những vậy, các địa danh này còn được khéo léo kết hợp với các hoạt động văn hóa để nâng tầm công tác đối ngoại, giới thiệu với bạn bè quốc tế.
PV:- Việc đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới và việc tiếp nhận những ảnh hưởng của văn hóa thế giới ở nước ta đang có một sự lệch pha không tốt.
Những hình ảnh xấu xí về Việt Nam như ăn thịt chuột, hôi bia, hôi hoa… bị đưa lên các báo lớn ở Mỹ, Nhật, Nga.Trong khi đó những hình ảnh đẹp, những nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam lại ít được nhắc đến.
Văn hóa nước ngoài đang tràn vào Việt Nam rất mạnh từ sách dịch, truyện tranh, phim ảnh…. đến thời trang, lối sống, lối ứng xử. Tuy nhiên có vẻ như những sản phẩm thấp cấp lại được đón nhận quá nồng nhiệt (phim ảnh, thời trang, đồ dùng, sex thoáng, tâm lý sính ngoại…), còn những nét văn hóa đặc sắc của quốc tế (âm nhạc thính phòng, hội họa, kiến trúc, bảo vệ môi trường sống…) lại rất khó được tiếp nhận ở ta. Vậy ông có nhận xét gì về hiện tượng lệch pha trên cả 2 chiều này?
TS Nguyễn Thanh Sơn:- Chúng ta đang thực hiện quá trình hội nhập sâu rộng với quốc tế, Nghị quyết Đại hội Đảng CSVN lần thứ 11 cũng đã khẳng định, phải tích cực hội nhập với quốc tế.
Hiện nay, chúng ta cũng đang thực hiện những nghĩa vụ đối với quốc tế với tư cách thành viên Liên hợp quốc, với tư cách trở thành sắp là một thành viên đầy đủ của tổ chức WTO, nên phải chơi với các sân chơi quốc tế một cách sòng phẳng.
Điều đương nhiên, nếu chúng ta mở cửa hội nhập với thế giới thì chúng ta phải đón nhận văn hóa du nhập vào đất nước chúng ta với rất nhiều nguồn khác nhau.
Nhưng dĩ nhiên chính bản thân chúng ta phải có chọn lọc, những tinh hoa văn hóa thế giới để đưa về Việt Nam. Cần phải nhìn lại, tại sao các báo nước ngoài lại đưa những thông tin nói về thói hư, tật xấu của chúng ta như ăn thịt chó, thịt mèo, những động vật cấm. Không nên để sự việc này tiếp tục diễn ra vì đây chỉ là thiểu số trong xã hội chung.
Còn trong xã hội có nhiều tầng lớp khác nhau, có nhiều suy nghĩ khác nhau, nhưng cái chung nhất là nên tiếp thu những tinh hoa văn hóa tốt đẹp của thế giới để đưa về với dân tộc, chứ không phải tiếp nhận những cái tiêu cực, xấu xa.
Tôi rất buồn khi vừa qua, ở nước ta có các hiện tượng hôi của như vậy. Ngẫm lại, ngay trong cùng một dân tộc với nhau mà còn làm những việc như vậy thì chúng ta nói gì đến bên ngoài.
Cho nên những sự việc xảy ra vừa qua như hôi bia, hôi dầu thậm chí hôi tiền, nó cũng thể hiện một số nhỏ trong xã hội chúng ta còn tư tưởng không phù hợp với thực tế truyền thống của dân tộc, phải đùm bọc yêu thương lẫn nhau chứ không phải có những hành vi vô cảm như vậy.
PV: – Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến sự lệch pha trong việc đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới và tiếp nhận những ảnh hưởng của thế giới hiện nay ở nước ta?
TS Nguyễn Thanh Sơn:- Tôi thấy việc văn hóa cấp thấp ngày càng tồn tại, du nhập vào nhiều, trách nhiệm thuộc ngành văn hóa, trách nhiệm này rất lớn.
Thứ nhất, trước hết phải có “phễu” sàng lọc, bởi vì quản lý du nhập các sản phẩm văn hóa từ nhiều quốc gia vào trong nước phải có sự lựa chọn đó là hàng rào các cơ quan quản lý thị trường, hải quan, biên giới.
Bên cạnh đó là trách nhiệm của ngành văn hóa khi cho thanh tra, kiểm tra trên thị trường những sản phẩm văn hóa không phù hợp với đất nước, du nhập từ bên ngoài vào.
Đành rằng, chúng ta cũng đã có những xử lý và bài trừ đối với những sản phẩm văn hóa ảnh hưởng đến tập tục, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Nhưng một số sản phẩm có thể lọt qua các kênh khác nhau, phổ biến hiện nay là tranh, ảnh, tạp chí, đồ chơi.
Tôi cho rằng những cái đó có thể xử lý được. Còn những vấn đề lớn hơn nữa, thì nó thuộc tư tưởng, thuộc lĩnh vực văn hóa lớn, phạm trù rộng, các cơ quan chức năng của nhà nước trong đó có cả ngành văn hóa, ngành ngoại giao, cho đến các cơ quan kiểm soát biên giới và các cơ quan công an, tư pháp phải vào cuộc, để xử lý các chất độc của văn hóa.
Thứ hai, tôi cho rằng nguyên nhân một phần là do dân trí của chúng ta còn thấp, trình độ dân trí mỗi địa phương, các tầng lớp trong xã hội cũng khác nhau. Sau những sự việc này, chúng ta có thể lấy hình ảnh đó để giáo dục, nâng cao dân trí của chúng ta nhiều hơn nữa.
PV:- Ông có đề xuất gì, chúng ta phải làm thế nào để xử lý độ lệch pha này?
TS Nguyễn Thanh Sơn:- Trước tiên, phải giáo dục ý thức toàn dân, phải nâng cao dân trí mà ở đây không phải là một bộ phận mà từ nền tảng giáo dục cơ sở của ngành giáo dục, từ các lớp mẫu giáo cho đến các bậc tiểu học, trung học, đưa chương trình giáo dục nâng cao dân trí vào trong hệ thống nhà trường, đưa giáo dục toàn diện không đơn thuần một tầng lớp nào trong xã hội.
Bởi vì, cơ bản nền tảng dân trí nói chung phải từ thế hệ trẻ, chính vì vậy chúng ta đang cần thực hiện công tác cải cách mãnh liệt trong công tác giáo dục, để làm sao nhận thức về xã hội, ý thức, trách nhiệm đối với xã hội của nhân dân ngày càng được nâng cao.
Không được để tồn tại suy nghĩ cho rằng, việc thay đổi chỉ ở một số tầng lớp có chức năng, có trách nhiệm trong xã hội, mà nó phải của toàn dân, của tất cả các tầng lớp từ thế hệ nhỏ tuổi nhất.
PV:- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
BÁO ĐẤT VIỆT

No comments:

Post a Comment