Nếu lời khai của Dương Chí Dũng là xác thực về việc nhận 500.000 USD thì người nhận khoản tiền này đã phạm tội “Nhận hối lộ” với mức hình phạt cao nhất có thể tử hình.
Trong phiên tòa xét xử cựu đại tá Dương Tự Trọng (nguyên Phó Giám đốc Công an TP.Hải Phòng) cùng 6 đồng phạm về hành vi tổ chức người khác trốn đi nước ngoài, với tư cách là nhân chứng, Dương Chí Dũng (người vừa bị tuyên án tử hình trong vụ án Vinalines) đã khai ra người báo tin cho mình bỏ trốn là một “ông anh” cao cấp. Ông Dũng cũng khai đã đưa 500.000 USD cho “ông anh” này để nhờ chạy án.
Dù đây mới chỉ là lời khai một chiều, chưa hề được kiểm chứng, nhưng tình tiết này cũng đủ gây chấn động dư luận. Lý do là trước đó, trong phiên tòa xét xử mình, ông Dũng nhất quyết không nêu thông tin về người này.
Ngay khi ông Dũng công bố tin này, luật sư Nguyễn Đình Hưng – người bào chữa cho Dương Tự Trọng (em trai ông Dũng) đã kiến nghị tòa nên dừng vụ án này, chờ làm rõ hành vi đó rồi xem xét vụ tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài mới đúng bản chất. Tuy nhiên, điều này bị tòa bác bỏ ngay sau đó.
Chiều 8/1, TAND TP.Hà Nội đã tuyên Dương Tự Trọng chịu 18 năm tù, là mức án cao nhất trong 7 bị cáo. Sau khi đọc xong bản kết án các bị cáo, chủ tọa phiên tòa cũng công bố Quyết định khởi tố vụ án làm lộ bí mật nhà nước theo điều 263 Bộ luật Hình sự và giao cho VKSND TP.Hà Nội báo cáo với VKSND tối cao để xử lý theo quy định của pháp luật. Quyết định này do thẩm phán Trương Việt Toàn ký ngày 8/1/2014.
Trao đổi với chúng tôi xung quanh hành vi của người “mật báo” cho Dương Chí Dũng, cựu thẩm phán, luật sư Phạm Công Út (hiện là Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Phạm Nghiêm) cho biết: Người mật báo cho Dương Chí Dũng về việc Thủ tướng đã đồng ý khai hỏa phá vụ đại án Vinalines để ông Dũng tìm đường thoát thân có thể đối diện với mức án phạt đến 15 năm tù về hành vi làm lộ bí mật nhà nước theo điều 263 Bộ luật Hình sự.
Cũng theo luật sư Út, việc Dương Tự Trọng giúp anh trai là Dương Chí Dũng bỏ trốn thì tình ruột thịt trong Luật không được xem là tình tiết giảm nhẹ vì đó là hành vi phạm tội chứ không là tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điều 46 Bộ luật Hình sự.
Cùng trao đổi về vấn đề này, một luật sư của Liên đoàn luật sư Việt Nam nhận định, trong lời khai của Dương Chí Dũng có hai ý. Một là báo tin đã khởi tố, có lệnh bắt, tức là làm lộ bí mật thông tin. Tiếp đó người “mật báo” khuyên ông Dũng tắt điện thoại, lánh đi, việc này có dấu hiệu đồng phạm xúi giục của tội tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài.
Như vậy, người đã báo tin cho Dương Chí Dũng đối mặt hai tội danh: Làm lộ bí mật thông tin và có dấu hiệu là người đồng phạm với vai trò xúi giục ông Dũng bỏ trốn.
“Ở đây, nếu chứng minh được người “mật báo” bàn với Dương Chí Dũng trốn đi bằng cách nào, phương thức gì… thì sẽ đồng nghĩa với việc người “mật báo” đó là người tổ chức, chỉ huy trong cuộc bỏ trốn này”, vị luật sư này nói.
Trong phiên xét xử Dương Tự Trọng, ông Dũng khai có dùng 500.000 USD để đưa cho người đã “mật báo”, nếu thông tin này xác thực thì người đã nhận khoản tiền này phải chịu trách nhiệm hình sự độc lập về hành vi “Nhận hối lộ” theo khoản 4 điều 279 Bộ luật Hình sự, với mức hình phạt có thể tử hình.
THEO TRI THỨC TRẺ
No comments:
Post a Comment