Nhận xét về sự hình thành các dự án khu kinh tế, ông Hà Sỹ Đồng – Kiêm Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Trị, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho rằng đây và vấn đề “hội chứng” còn ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách gọi đó là “nở rộ”.
Vượt quá khả năng ngân sách
Thông tin trên Thời báo Kinh tế Việt Nam cho biết, hiện cả nước có 18 khu kinh tế được quy hoạch với tổng diện tích mặt đất và mặt biển 730.553 ha. Việc thành lập các khu kinh tế kéo theo nhu cầu vốn đầu tư đang vượt quá khả năng cân đối ngân sách trong khi hiệu quả hoạt động không cao. để xây dựng và đưa vào hoạt động những khu kinh tế nêu trên đều cần một nguồn tiền khổng lồ cũng đã đổ vào đây.
Cụ thể, mỗi năm, chỉ tính riêng tiền đầu tư cho hạ tầng cũng lên đến hàng nghìn tỷ đồng, bởi các khu kinh tế đều được hỗ trợ vốn từ ngân sách trung ương để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật – xã hội và các công trình dịch vụ và tiện ích công cộng quan trọng; đầu tư hạ tầng ngoài các khu chức năng, đền bù giải phóng mặt bằng các khu chức năng, xây dựng công trình xử lý nước thải và chất thải rắn.
Như trong năm 2010, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ xây dựng hạ tầng khu kinh tế là 11.361 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn từ ngân sách, khu vực này còn thu hút hàng ngàn tỷ đồng từ các nguồn vốn khác. Lũy kế đến hết năm 2010, tổng số vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong các khu kinh tế trên cả nước là gần 170.000 tỷ đồng.
Với tổng diện tích đất dành cho việc xây dựng 15 khu kinh tế đã được thành lập là 662.249 ha (dự kiến còn tăng lên), nhiều địa phương đặt mục tiêu thu hút vốn vào khu kinh tế ở mức hơn 40 tỷ đồng, thậm chí 60-70 tỷ đồng/ha, là mức huy động rất khó thực hiện trong bối cảnh phát triển kinh tế suy giảm như hiện nay, đồng thời vốn đầu tư từ ngân sách cũng đang bị thắt chặt.
Việc thành lập nhanh các khu kinh tế kéo theo nhu cầu vốn đầu tư đang vượt quá khả năng cân đối của ngân sách quốc gia, nên nhiều khu kinh tế đang gặp khó khăn trong việc triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ, đạt chất lượng đáp ứng nhu cầu vận hành và thu hút đầu tư.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, mặc dù các tiêu chí thành lập khu kinh tế đã được thể chế hóa trong Nghị định 29 của Chính phủ, song thực tiễn việc thành lập một số khu kinh tế hiện nay chỉ đáp ứng được mục tiêu triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển khu kinh tế đến năm 2020 mà không có tính khả thi để trở thành khu kinh tế.
Kiêm Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Trị, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng lại quan tâm nhiều đến vấn đề “hội chứng”, mà việc hình thành các nhà máy lọc dầu, là ví dụ.
“Hiện nay có nhiều địa phương trong cả nước không có dầu, nhưng vẫn được cấp phép khởi công xây dựng nhà máy lọc dầu, từ đó thông tin dư luận cho đây như một hội chứng”, Đại biểu Hà Sỹ Đồng nói.
Còn nhận xét chung về các khu kinh tế, Chủ nhiệm ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển gọi đó là “nở rộ”.
Mới đây, trả lời bằng văn bản nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, ông Phùng Đức Tiến về thực trạng quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu đô thị, Bộ Xây dựng cũng nhìn nhận, trên cả nước, hình thành quá nhiều khu kinh tế, quy mô các khu kinh tế quá lớn, dẫn đến lãng phí đất đai, nguồn lực thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật khung. Nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.
Bộ này cũng cho biết, trước mặt, tập trung rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp cả nước đến năm 2020 theo hướng kiên quyết giảm diện tích, đưa ra khỏi quy hoạch các khu công nghiệp chậm triển khai, không có khả năng triển khai trên thực tế.
Khu công nghệ cao thành khu “cỏ mọc cao”
Không chỉ khu kinh tế, hiện 2 khu công nghệ cao Hòa Lạc tại Hà Nội và khu công nghệ cao TP Đà Nẵng mặc dù dự án đã được phê duyệt từ nhiều năm nhưng đến nay vẫn trong tình trạng cỏ mọc um tùm, không hứa hẹn ngày cán đích.
Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã từng được kỳ vọng là thành phố khoa học tầm cỡ quốc gia. Dự kiến sẽ có khoảng 100.000 nhà khoa học, sinh viên, kỹ sư, cử nhân và thợ lành nghề làm việc trong các trường đại học, các viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm hiện đại bậc nhất Việt Nam và khu vực được đầu tư phát triển từ 1998 nhưng cho đến nay, vẫn có rất ít nhà đầu tư đến đây xây dựng cơ sở kinh doanh, sản xuất.
Một thành phố công nghệ vẫn chỉ là ước mơ xa với, còn hiện tại nơi đây chỉ là những đồi đất hoang lạnh. Một số khu đất được khoanh rào, vài tòa nhà được xây dựng nhưng đa số đều bỏ hoang.
Nhiều dự án được cắm biển khẳng định “sở hữu” đến gần chục năm nay vẫn chưa triển khai xây dựng, cỏ mọc um tùm, các biển quy hoạch thì mốc meo, rỉ sét làm cho bong tróc.
Ngay cả những dự án đang xây dựng dở dang mấy năm trở lại đây cũng không hoàn thiện được vì mục đích sử dụng chưa rõ ràng.
Ngày 3/1 vừa qua, Đại diện Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho biết, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng tồn tại hơn 10 năm qua đã được cải thiện nhờ sự giúp đỡ của Nhà nước, Bộ ban ngành.
Trước thực tế này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân vẫn đánh giá cao kết quả nỗ lực mà Ban quản lý Công nghệ cao Hòa Lạc thực hiện trong năm qua. “Những kết quả đột phá mang đến cho chúng ta niềm tin và hy vọng xây dựng khu công nghệ cao đúng với mục tiêu kỳ vọng của Chính phủ”, ông Quân nói.
Tại khu công nghệ cao Đà Nẵng (DHTP) mặc dù đã được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt quý II/2012 với tổng vốn đầu tư gần 9.000 tỉ đồng và được phân kỳ đầu tư thành 3 giai đoạn kéo dài đến năm 2020, trong đó vốn đầu tư giai đoạn 1 (2012 – 2015) gần 3.500 tỉ đồng.
Tuy nhiên, kế hoạch vốn được phân bổ từ đầu dự án đến nay chỉ mới gần 300 tỉ đồng cho cả 02 năm 2012 – 2013, chưa đạt 10% nhu cầu vốn của giai đoạn 2012 – 2015. Với nguồn vốn quá hạn hẹp này, việc đẩy nhanh xây dựng cơ sở hạ tầng của DHTP để đáp ứng nhu cầu thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư quốc tế, vào đây đang gặp nhiều khó khăn.
THEO ĐẤT VIỆT
No comments:
Post a Comment