ĐĂNG BỞI  - 
Với mục đích "đảm bảo mỹ quan đô thị" của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội về việc quy hoạch khu vực hoạt động các ông đồ tại Văn miếu Quốc tử giám, hiện chỉ còn khoảng 70 ông đồ được hoạt động, đặc biệt là phải được cấp thẻ mới có quyền tham gia. 
Trong khi đó, mỗi năm ước chừng có tới hơn 150 ông đồ tới đây. Ông đồ nào cố tình làm sai quy định hoạt động mới thậm chí sẽ bị cưỡng chế dừng hoạt động nên vẫn có nhiều ông đồ bày bán chữ trên vỉa hè và sẵn sàng bỏ chạy khi có an ninh phường đi tuần tra.
Không chỉ vậy, 36 căn lều với khung sắt, mái vải cùng bàn ghế khang trang sẽ được dựng lên cho hoạt động thư pháp của phố ông đồ cùng câu lạc bộ Thư pháp UNESCO Việt Nam tại Hồ Văn, thuộc Văn Miếu - Quốc Tử Giám, diễn ra từ ngày 15.1 đến 15.2.2014. Nhưng mỗi căn lều chỉ cho phép có 2 ông đồ ngồi sáng tác. Giá bán chữ cũng được niêm yết rõ ràng, tránh tình trạng chặt chém, vòi vĩnh khách hàng.
Là chợ chữ hay phố ông đồ?
Không có tên trong danh sách được cấp thẻ hoạt động, một ông đồ bức xúc: “Thực ra, tại khu vực vỉa hè này, những ông đồ hoạt động khá tách biệt nhau chứ không phải là hội viên của một câu lạc bộ hay một nhóm thư pháp nào. Cho nên, không phải ai trong số các ông đồ vẫn hoạt động tại đây mọi năm đều biết rõ đến quy định mới để sớm đăng ký hoạt động ở hồ Văn. Tôi nghĩ hình thức hoạt động mới đã bị quy hoạch và bị thương mại hóa, mất đi nét gần gũi. Khu vực mới sẽ giống như chợ chữ chứ không thể gọi là phố ông đồ được”.
Ông Trần Mạnh Hải, sinh sống ở khu vực phố Nguyễn Khuyến gần đó cũng đồng tình: “Hình ảnh ông đồ đã đi vào thơ ca quen thuộc. Nay quy hoạch như vậy thì biệt lập quá, mất đi nét sinh động, mất đi tính dân dã trong nét cổ truyền của hoạt động này. 
Mấy ngày nay, nhiều ông đồ không có giấy phép chỉ dám trải thảm, đặt chiếc bàn nhỏ, treo một, hai câu đối ngoài vỉa hè Văn Miếu để "tranh thủ kiếm chút tiền trả phòng trọ, cơm ăn" và sẵn sàng "chạy" khi có an ninh phường tuần tra.
Mà mỗi năm hoạt động thư pháp của ông đồ chỉ có 1 lần, mỗi lần diễn ra chỉ có hơn 1 tháng. Trong khi, giá trị của hình ảnh ấy đã tồn tại được cả ngàn năm rồi chứ không phải chỉ ở một thời điểm nhất định”.
Là một "tay viết" không có tên ở danh sách được hoạt động tại hồ Văn, ông Văn Thùy (quê Hưng Yên) cũng nói: "Tôi lên Hà Nội viết chữ đã được 1 tuần nhưng 3-4 lần bị an ninh phường xua đuổi. Ông đồ viết chữ cầu may mà giờ phải làm chui lủi như người phạm pháp, thật đau lòng quá".
Mấy ngày nay, những người đồng cảnh ngộ như ông chỉ dám trải thảm, đặt chiếc bàn nhỏ, treo một, hai câu đối ngoài vỉa hè Văn Miếu để "tranh thủ kiếm chút tiền trả phòng trọ, cơm ăn" và sẵn sàng "chạy" khi có an ninh phường tuần tra.
Một ông đồ khác cũng cho rằng, quyết định này chưa hợp lý bởi những người viết chữ luôn ngồi sát tường bao, người dân vẫn đi lại trên vỉa hè được nên không gây ách tắc giao thông. Chuyện lều bạt làm mất mỹ quan đô thị, theo ông, "chỉ cần chính quyền yêu cầu, chúng tôi sẽ làm gian hàng đẹp đẽ đúng quy định".
Vấn đề "hét giá", ông này khẳng định, đó là hiếm xảy ra bởi trước khi mua chữ khách đều hỏi giá, thuận lòng thì mới lấy chữ. "Những ông đồ đang vất vưởng chỉ mong chính quyền tạo điệu kiện cho hoạt động tiếp trên phố hoặc một địa điểm nào đó được quy hoạch", ông nói.
"Sẽ tiếp thu và cải tiến…"
Mặc dù người dân và "nhân vật chính" cũng đã lên tiếng, song Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội Trương Minh Tiến khẳng định, sẽ tiếp thu và cải tiến khâu tổ chức trong những năm sau, riêng năm 2014 kiên quyết không cho phép ông đồ viết chữ trên vỉa hè Văn Miếu.
"Giờ đã cận Tết, việc thay đổi quyết định là không thể vì khâu bàn tính đảm bảo an ninh trật tự, giao thông, môi trường cho phố ông đồ khá mất thời gian, cần nhiều bên tham gia. Ý kiến của người dân, chúng tôi sẽ tiếp nhận và sang năm rút kinh nghiệm để có phương án tổ chức hợp lý. Riêng năm nay, chắc chắn sẽ không có ông đồ nào được hoạt động ngoài Văn miếu", ông Tiến nói.
Ông cũng nhấn mạnh, sau khi được vận động, ông đồ nào còn cố tình làm sai quy định hoạt động ở vỉa hè, sẽ cưỡng chế dừng hoạt động. Những ai chưa có chỗ hoạt động trong Văn Miếu có thể đăng ký thêm với ban tổ chức để được cấp thẻ. Nếu số lượng quá tải, ban tổ chức có thể phân chia ngày hoạt động theo chẵn, lẻ để các ông đồ đều được tham gia viết chữ trong Tết này.
Một số ý kiến đồng tình với quy định mới:
Ông Đặng Thủy, sinh sống tại Minh Khai, Hà Nội bày tỏ: “Hoạt động văn hóa mà diễn ra ở bên vỉa hè trông sẽ rất lộn xộn, ảnh hưởng tới cả giao thông. Đặc biệt, trong những ngày Tết, đường phố lại rất đông. Nếu quy hoạch để khu vực trở nên khang trang, gọn ghẽ hơn thì tôi ủng hộ. Theo tôi, Sở có thể bố trí thành nhiều hoạt động khác nhau, không nhất thiết phải là một tụ điểm. Còn trước mắt, không có khu vực quy hoạch rộng rãi hơn thì cứ tạm ở khu vực hạn hẹp như vậy đã, dần dần sẽ có quy mô phát triển hơn”.
Anh Nguyễn Văn Hưng, một người khách tới xin chữ nhận định: “Theo tôi, Sở đã có quy hoạch thì nên có quy hoạch một cách cụ thể, sáng suốt. Không thể vì quy định mới mà làm mất dần một nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Cần có cách quản lý, tổ chức tốt hơn, không thể để nhiều ông đồ không được cấp thẻ hoạt động rơi vào tình trạng như hiện tại. Tôi nghĩ đây là một hoạt động cần được bảo tồn để trở thành một nét đẹp của du lịch Việt Nam”.
A.T tổng hợp
Ảnh minh họa từ Quỳnh Trang (VnExpress)