Sunday, December 22, 2013

Ngán ngẩm bữa ăn trên tàu

23/12/2013 11:33 (GMT + 7)
TT - Sau khi Tuổi Trẻ đăng một số bài liên quan đến chất lượng dịch vụ trên tàu lửa, cơ quan chức năng hứa sẽ khắc phục. Nhưng theo ghi nhận mới nhất của PV, tình hình vẫn chưa có chuyển biến gì.

Đầu bếp trên tàu TN1 cởi trần khi chế biến thức ăn - Ảnh: M.Trường

Trưa 11-12, chúng tôi lên tàu SE22 xuất phát từ ga Sài Gòn đi ga Diêu Trì. Tàu vừa chuyển bánh, bà Đoàn Thị Nuôi (57 tuổi, quê Quảng Ngãi) lấy hộp cơm trong balô ra ngồi ăn ngon lành. “Đi lại nhiều lần nên tui có kinh nghiệm trong chuyện ăn uống trên tàu. Mỗi chuyến tàu tôi phải ăn hai bữa. Bữa cơm đầu tiên trên tàu tôi mang từ nhà đi. Còn bữa ăn thứ hai thì tôi mua xôi hoặc trứng gà luộc tại các ga nhỏ dọc đường. Dứt khoát không ăn cơm nhà tàu, vừa tốn tiền vừa dở” - bà Nuôi cho biết.
Giá cao, chất lượng thấp
Từ bữa ăn của bà Nuôi, câu chuyện trên tàu bỗng rôm rả hẳn khi nhiều người cùng bàn tán chuyện ăn uống, ngủ nghỉ trên tàu. Ngồi cạnh băng ghế 20, toa số 3 của chúng tôi là hai ông trung niên người Huế. Họ tình cờ gặp lại nhau trên tàu và một trong hai người gợi ý uống vài lon bia mừng lần hội ngộ bất ngờ. Sau đó, một người tên Trung đến căngtin trên tàu nhưng liền quay lại chỗ ngồi và không mua được bia. “Giá bán ngoài thị trường chỉ có 7.000 đồng/lon. Mắc lắm cũng chỉ 10.000 đồng nhưng trên tàu bán 15.000 đồng. Mắc rứa ai nhậu cho nổi” - ông Trung vừa nói vừa cười gượng.
Trên chuyến tàu này, chúng tôi gọi hai suất cơm sườn nướng, nhân viên tính tiền báo giá 70.000 đồng. Suất cơm chỉ có một miếng sườn, vài cọng rau luộc và một ly canh lõng bõng nước. Còn mì gói loại tô pha sẵn cộng thêm hai lát chả bằng hai ngón tay, nhân viên báo giá 25.000 đồng.
Ngày 14-12, chúng tôi tiếp tục lên tàu TN1 tại ga Yên Trung để vào TP.HCM. Trưa hôm sau, chúng tôi gọi một phần cơm trứng giá 30.000 đồng. Phải nhắm mắt để nuốt do cơm khô, thức ăn nấu nhạt. Nhiều người cùng toa với chúng tôi cũng lắc đầu ngao ngán: “Giá thì tính theo nhà hàng hạng sang mà chất lượng thì cơm bụi”.
Căngtin của chuyến tàu TN1 khá rộng rãi, được bài trí khá thoáng. Trái ngược với hình ảnh này là nhà bếp của tàu nằm phía sau căngtin. Hai bên chất kín các khay, chậu đựng thức ăn khiến lối đi chính giữa hẹp lại. Các đầu bếp làm việc tại đây cởi trần trùng trục để làm thức ăn.
Lập lờ niêm yết giá
Khuya 12-12, chúng tôi lên tàu SE2 tại ga Diêu Trì (Quy Nhơn) đi ga Vinh (Nghệ An). Tàu SE2 được nhiều hành khách nhận định có chất lượng phục vụ tốt nhất hiện nay.
Vừa lên tàu, chúng tôi gọi một tô cháo gà ăn lót dạ bữa khuya. Nhân viên phục vụ đồ ăn báo giá 30.000 đồng. Trong khi đó một người đàn ông khác cùng toa gọi một tô cháo với giá 20.000 đồng. Khi nhân viên đẩy xe hàng ăn đi, tôi thắc mắc thì người đàn ông này nói: “Khi gọi cháo, nếu khách không nói mua cụ thể bao nhiêu thì nhân viên sẽ mặc định bán một tô với giá 30.000 đồng. Còn nói giá cụ thể, họ sẽ bán theo yêu cầu”. Thực chất hai tô cháo giá 20.000 hay 30.000 đồng cũng gần bằng nhau. Tô ít, tô nhiều hơn chút đỉnh.
Sáng hôm sau, chúng tôi vào căngtin trên tàu SE2 gọi một ly cà phê đen đá. Dù trên bảng niêm yết giá là 13.000 đồng nhưng khi tôi trả tiền, nhân viên phục vụ tỉnh bơ nói 15.000 đồng. Tôi thắc mắc sao giá niêm yết một đàng thu tiền một nẻo, nhân viên này không trả lời.
Các loại nước ngọt trên xe đẩy bán dạo trên tàu đều bán với giá 15.000 đồng. Dù có bảng niêm yết giá nhưng nhân viên cố ý úp bảng giá vào phía trong xe, không ai biết giá chính xác là bao nhiêu. Do đó khi nhân viên báo giá bằng miệng thì phần lớn hành khách đều lẳng lặng trả tiền.
MẬU TRƯỜNG
Sẽ tiếp tục chấn chỉnh
Sau khi tiếp nhận thông tin về những phản ảnh trên tàu SE2 (ngày 12-12), ông Hoàng Văn Cẩn, trưởng tàu phụ trách đoàn tàu SE2, cho biết: “Sau khi xác minh lại sự việc, chúng tôi sẽ có hướng xử lý cụ thể, đồng thời chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót để phục vụ hành khách tốt hơn”.
Về việc nhân viên nấu ăn trên tàu TN1 cởi trần chế biến thức ăn, ngày 22-12 ông Phạm Ngọc Tùng - trạm phó trạm kinh doanh dịch vụ tổng hợp trên tàu thuộc Xí nghiệp Vận dụng toa xe khách Hà Nội - cho biết nhân viên trên tàu đều phải mặc đồng phục theo quy định. Nhân viên nhà bếp cởi trần để chế biến thức ăn là hình ảnh phản cảm. “Chúng tôi sẽ căn cứ vào thời gian tàu chạy nhằm xác minh lại tổ phục vụ trên tàu hôm đó (ngày 15-12) để có hướng xử lý cụ thể” - ông Tùng nói.

No comments:

Post a Comment