Sunday, December 22, 2013

Gánh hàng rong đong đầy phải trái

23/12/2013 11:22 (GMT + 7)
TT - Tất tả mưu sinh trên đường phố, kiếm từng đồng bạc cắc để trang trải cho cuộc sống gia đình, những người bán hàng rong trên vỉa hè, đầu đường xó chợ - dù biết là sai - vẫn âm thầm nuôi ước mơ về một ngày mai tốt đẹp hơn.

Bà Nguyễn Thị Nguyên với mớ quần áo trẻ em ế ẩm của mình  - Ảnh: Yến Trinh

Lạc lõng giữa những vựa trái cây đông đúc bên ngoài chợ đầu mối nông sản Hóc Môn (TP.HCM) là xe ba gác bán rau củ của bà Lê Thị Lợi, 51 tuổi. Hôm nay bà bán buổi sáng chẳng được bao nhiêu, nên chiều lặn lội đạp xe từ khu các công ty, nhà máy ở cầu vượt Quang Trung (Q.12) lên đây bán thử. “Nghe nói ở đây nhiều công nhân nhưng tôi qua lại nhiều lượt ở đường này rồi mà chỉ bán được mấy cái bắp cải. Kiểu này bữa nay ăn cơm với bầu bí kho mặn thôi cho đỡ hụt tiền...” - bà buồn rầu nói.
Biết là sai, nhưng...
Không tiền thuê chỗ trong chợ
Bà Nguyễn Thị Nguyên nói trước đây bà cũng thử đem đồ vào một số chợ ở Q.12, Q.Tân Bình bán nhưng dù ngồi ở mé ngoài, một buổi cũng bị thu tiền chỗ ngồi hết 60.000 đồng, có nơi lấy tới 100.000 đồng/buổi. “Mà chắc gì bữa đó đã bán được bộ nào để trả được tiền chỗ ngồi, có bữa bán được thì vừa đủ trả, coi như không kiếm được đồng nào để trang trải cho gia đình. Nên có nhiều khi tôi gánh ngang qua chợ bán được cái nào hay cái đó, nhưng làm vậy không bền nên thôi. Còn thuê mặt bằng thì tôi không dám mơ” - bà nói.
Từ năm 2006, bà Lợi cùng ba con rời bỏ quê nhà Hà Nam vào Sài Gòn kiếm sống. Ban đầu chưa có vốn, bà trải tấm bạt ra lề đường bán rau củ, dè sẻn cũng qua ngày mà lo cho ba con thơ. Chừng một năm, làm theo mấy người cùng khu trọ, bà sắm chiếc xe ba gác để bán buôn thuận tiện hơn.
Sáng, bà đi từ 5g qua những khu trọ công nhân, sinh viên ở Q.Thủ Đức, Q.12... để bán được hàng với giá rẻ hơn trong chợ. Trưa bà về phòng trọ nghỉ chút rồi 15g lại đạp xe đi tiếp tới đêm. Ngày nào nhiều người mua, bà kiếm lời tròm trèm 200.000 đồng, bữa ế chỉ mấy chục ngàn đồng đủ tiền gạo mắm trong ngày. Cứ vậy bà nuôi được hai người con trai lớn học hết cấp II rồi đi làm công nhân, còn cô con út đang học THPT.
Câu chuyện đang dở dang bỗng bị gián đoạn khi có người la lên: “Đô thị, đô thị tới!”. Bà Lợi lật đật lên xe đạp chúi vào một con hẻm gần đó. Chừng mười phút sau, bà quay xe ra ngả khác rồi kể: “Lần đầu bị hốt, tôi có biết gì đâu vì ở quê có gặp chuyện này bao giờ. Khi đó tôi đang đứng bán ở một khu chợ ven đường, đâu biết mà chạy, mấy chú đó hốt luôn xe về phường mà chẳng nói chẳng rằng. Tôi mếu máo khóc, người dân kêu tôi lên phường xin lại. Lần đó tôi bị phạt 200.000 đồng nhưng được trả lại xe hàng, cũng đỡ nhưng về nhà kể lại cho mấy đứa con nghe, rồi bốn mẹ con ngồi khóc vì tủi thân quá. Biết là mình vi phạm nhưng vì nghèo, ráng kiếm cái ăn thôi...”.
Cách đây một năm, bà bị tịch thu luôn xe hàng, tính ra tiền vốn hơn triệu đồng. “Bữa đó, tôi cứ đạp xe ba gác đi lang thang vì biết về nhà nói năng với mấy đứa con sao đây. Lấy đâu ra tiền mua đồ ăn cơm, tiền đâu sắm lại rau củ, rồi tiền đâu cho tụi nhỏ đóng học phí” - bà Lợi không kìm được nước mắt. Bà nói hiện hai người con lớn đã có gia đình mà đứa nào cũng khổ, con gái chưa học xong, giờ bà nghỉ bán thì chỉ có ăn muối. “Tôi biết mình đi bán rong vậy là sai rồi, nhưng nếu không bán lấy gì mà sống. Người nghèo như chúng tôi vào Sài Gòn này chỉ biết bán buôn nhỏ lẻ, cũng biết là mất mỹ quan đô thị nên chúng tôi chỉ bán cho mấy khu công nhân, sinh viên nghèo, cũng xa trung tâm mà...”.
Chuyển ngành... công nhân, ôsin
Đó là ý định của mấy người phụ nữ trẻ đang đứng bán quần áo, giày dép hai bên đường vào Khu công nghiệp Tân Bình (Q.Tân Phú) sau khi bị phạt nhiều lần và nhiều năm bán hàng trong nỗi nơm nớp sợ bị mời lên UBND phường làm việc vì lấn chiếm lề đường. Dọc đường vào khu này và những con đường nhỏ dẫn vào các khu trọ công nhân, dài dài những tấm bạt mà trên đó bày biện vốn liếng mưu sinh của bao nhiêu phận người: quần áo, bóp ví, giày dép, đồ dùng sinh hoạt, thịt cá rau củ...
Chị Nguyễn Thị Thương chỉ vào mớ áo quần treo đằng trước nói: “Tui dọn hàng từ 16g mà chưa bán được cái nào. Mắc con nhỏ ở nhà nên mỗi tuần tui chỉ bán được ba buổi. Chồng đi làm thợ hồ cũng chật vật từng ngày”. Chị kể khoảng nửa năm trở lại đây, hầu như ngày nào lực lượng chức năng cũng chạy xe ngang kiểm tra, xử lý, có ngày mấy lần. Nhiều lần khách đang móc tiền trả mà thấy đoàn kiểm tra chạy ngang, chị hoảng quá không lấy được tiền của khách luôn. “Riết rồi khách cũng ngại khi đang lựa đồ mà tụi tui phải chạy nên ngày càng ế. Cuối năm ngoái, khách mua đông lắm, nhưng giờ mỗi tối bán được 1-2 cái là mừng hết lớn” - chị nói. Mỗi cái áo, cái quần chị lời nhiều lắm là 10.000 đồng vì bán cho công nhân, nếu nói giá cao họ đâu có tiền mua.
Chị Thương cùng với chị Trần Ánh Ngọc bán gần nhau tính: ráng bán hết hàng năm nay, qua tết họ sẽ xin vào làm công nhân, dù sao cũng có lương tháng ổn định. Nhưng như vậy con nhỏ phải gửi nhà trẻ, lại tốn mỗi tháng 1,5 triệu đồng, biết xoay xở đâu ra. Mấy phụ nữ gần đó nghe chuyện cũng tới bàn nhau ý định đi làm công nhân. Còn bà Bùi Thị Minh - 45 tuổi, bán giày dép - định xin làm ôsin nhưng e ngại vì quê mùa cục mịch, lại chẳng học hành gì ai người ta mướn!
Ước mơ cuối năm
Mớ đồ trẻ em treo trên dây của bà Nguyễn Thị Nguyên, 54 tuổi, bày bán hơn ba giờ vẫn còn y nguyên. Vài người đi ngang ghé vào xem nhưng chẳng ai mua dù bà đã chào mời hết lời. Bà Nguyên quê ở Bắc Ninh, cuộc sống chật vật quá nên mới vào Sài Gòn. “Tết này tôi không định về quê mà ở lại ráng “cõng” quần áo đi mấy khu nhà trọ bán, vì mỗi lần về quê với hai con tốn hơn chục triệu đồng. Tết nhất đến nơi rồi, chỉ mong có phép lạ cuối năm buôn may bán đắt, có chút vốn rồi sang năm đổi nghề” - bà thở dài.
Ở gầm cầu vượt gần Khu công nghiệp Tân Tạo (Q.Bình Tân), bà Trần Thị Huệ cùng con trai đang bày bán mớ rau và ngó sen hái được ngoài đồng ruộng. Mớ rau đó bà phải làm sao bán được hết để về đong gạo nuôi mẹ già 78 tuổi nằm liệt giường. Anh con trai 17 tuổi thường lội bùn sình kiếm rau cùng mẹ, người ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Con gái lớn của bà bị câm bẩm sinh, hiện đang làm công nhân. Mỗi sáng, bà cùng con trai cầm rổ lội xuống các ao nước ở xã Tân Kiên (Bình Chánh) hái rau dại, rau muống... đi bán. Có những ngày hai mẹ con phải lủi thủi lên tận Q.7 mò ngó sen. Cũng như nhiều người bán hàng rong ở khu này, bà Huệ chỉ mong cuối năm ngày nào cũng bán được hết rau để lo chén cơm, bữa thuốc cho mẹ già đang đợi ở nhà.
YẾN TRINH - ĐỨC PHÚ

No comments:

Post a Comment