Monday, December 23, 2013

Hun Sen sang Việt Nam 'tìm sự hỗ trợ'?

Cập nhật: 12:52 GMT - thứ hai, 23 tháng 12, 2013

Người biểu tình không đòi ông Hun Sen 'đi Việt Nam' mà hãy ra đi
Thủ tướng Campuchia Hun Sen cùng phu nhân sẽ đi thăm Việt Nam 26-28/12 theo lời mời của người tương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng trong lúc các cuộc biểu tình ở Phnom Penh không giảm đi.
Chuyến đi diễn ra giữa lúc ông Hun Sen hiện đang gặp nhiều thách thức chính trị ở trong nước sau cuộc bầu cử kết thúc vài tháng trước cho ông tiếp tục làm thủ tướng thêm một nhiệm kỳ.

Biểu tình lớn nhất

Ông Hun Sen, người từng muốn cầm quyền cho tới năm 90 tuổi, sẽ đi Việt Nam vào lúc phe đối lập đã tổ chức cuộc biểu tình lớn nhất ở kể từ khi bầu cử mấy tháng trước ở Phnom Penh.
Hôm Chủ nhật ngày 22/12 con số người tham gia biểu tình được cho là lên tới hàng chục ngàn.
Trước đó, hôm 20/12 cũng đã có một cuộc biểu tình khác.
Đây là một trong hàng loạt cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử mà Đảng Cứu quốc (CNRP) đối lập của ông Sam Rainsy cho là gian lận.

Vương Quốc Campuchia

  • Dân số: 14.5 triệu (LHQ, 2012)
  • Diện tích: 181,035 km2
  • Ngôn ngữ chính: Khmer
  • Quốc giáo: Đạo Phật
  • Tuổi thọ: 62 năm (đàn ông), 65 năm (phụ nữ)
  • Tiền tệ: 1 riel = 100 sen
  • Xuất khẩu chính: Hàng dệt may, gỗ, đồng
  • GNI bình quân: $820 (Ngân hàng Thế giới, 2011)
Trước đó, sau khi có kết quả bầu cử, Việt Nam đã nhanh chóng công nhận chiến thắng và chúc mừng ông Hun Sen và Đảng CPP của ông.
Trong cuộc tuyển cử khép lại tháng 9 vừa qua, đảng CNRP của ông Sam Rainsy, nhân vật có thái độ chống Việt Nam mạnh mẽ, đã tăng vọt từ 29 ghế lên 55 ghế trong khi CPP giảm từ 90 xuống chỉ còn 68 ghế. Điều này làm cho Hà Nội lo ngại.
Từ Phnom Penh, nhà báo tự do Lý Định Phát nhận định với BBC rằng đây là một ‘chuyến thăm đặc biệt’ trong bối cảnh Campuchia hiện nay.
Ông cho biết có thể một trong những mục tiêu chính của chuyến đi này của ông Hun Sen là ‘tìm cách giữ vững tình hình chính trị hiện nay trước thách thức của phe đối lập’.
Hun Sen và Nguyễn Tấn Dũng
Hà Nội hiện đang lo lắng về tình hình hiện nay ở Campuchia
“Những việc có liên hệ đến sự tồn vong của chính quyền Hun Sen thì sẽ có sự góp ý, tư vấn của Hà Nội,” ông nói và cho biết sự bất mãn của người dân Campuchia đang dâng cao đối với việc Hun Sen và gia đình ‘ngồi trên quyền lực quá lâu’.
“Người dân muốn thay đổi tình hình chính trị thông qua biểu tình,” ông nói, “Đây là thách thức rất lớn đối với Hun Sen.”
Theo nhà quan sát Lý Định Phát thì ông Hun Sen ‘muốn thiết lập chế độ gia đình trị ở Campuchia’ và đã ‘chuẩn bị cho con trai con gái của ông ta vào những chức vụ lãnh đạo Campuchia trong tương lai’.
“Hun Sen không muốn rời chức vụ thủ tướng cũng như không muốn thay đổi tình hình chính trị tại đây,” ông nói.
Ông Hun Sen, theo trang BBC News, đã nói hồi tháng 6/2013 ông không muốn "các cuộc bỏ phiếu làm vỡ quốc gia, xã hội, thôn xóm và gia đình" ở Campuchia.

‘Bất lợi’

Đối với tác động của chuyến đi này đối với uy tín trong nước của Thủ tướng Hun Sen, ông Lý Định Phát cho là ‘bất lợi’.
“Dư luận cho rằng Hun Sen đi Việt Nam là để tìm kiếm sự giúp đỡ.”
“Nhiều người phê phán trên Đài phát thanh độc lập Tổ ong rằng: ‘Ông Hun Sen mang trong mình không phải dòng máu Khmer mà là Việt Nam’,” ông cho biết.
Hôm Chủ nhật ngày 22/12, ông Sam Rainsy viết trên trang Facebook của mình rằng ‘khoảng 500.000 người biểu tình kéo dài 5km trên Đại lộ Monivong ở thủ đô Phnom Penh’.

Hai ông Sam Rainsy và Hun Sen từng đàm phán hai lần không thành công
Nhưng trang Tân Hoa Xã của Trung Quốc nói con số người biểu tình chỉ khoảng 20 ngàn.
Theo Đài Á châu Tự do thì những người biểu tình đã hô khẩu hiệu yêu cầu ông Hun Sen từ chức.
Đảng CNRP của ông Rainsy thề sẽ tiếp tục biểu tình trong ba tháng cho đến khi nào bầu cử lại mới thôi.
Tuy nhiên, Hun Sen đã bác bỏ yêu cầu ông từ chức và bầu cử lại với lý do không có điều khoản nào trong Hiến pháp cho phép bầu cử lại.
Cũng theo đài RFA thì người biểu tình nói rằng họ đã chán nản với những vấn đề của đất nước như tham nhũng, thất nghiệp, bất công xã hội và cưỡng chế đất đai.

No comments:

Post a Comment