Tuesday, April 30, 2024

Tháng Tư – và một cuộc giải phóng khác

Phạm Thanh Nghiên

Văn hóa và chính trị cộng sản Liên Xô được “nhập khẩu” vào miền Nam sau 1975 (Hình: Jean-Claude LABBE/Gamma-Rapho via Getty Images)

Một ngày nọ đi làm về, khi vừa bước vào nhà, tôi đã phát hiện cái bàn thờ ông Hồ Chí Minh không còn ở vị trí cũ. Chắc là bố tôi đã chuyển nó sang chỗ khác. Tôi ngó nghiêng tất cả những vị trí trang trọng nhất mà tôi nghĩ bố tôi sẽ đặt bàn thờ, hoặc chí ít là treo được tấm hình cho xứng tầm với sự “vĩ đại” của ông. Nhưng không, giờ đây nó nằm chềnh ềnh trong thùng rác. Bát nhang và những tấm gỗ nằm ngổn ngang, lẫn với đủ loại gốc rau, vỏ trái cây, ruột cá – thứ mà mẹ tôi vừa vứt vào khi chuẩn bị bữa tối cho cả nhà.

Trên chiếc chiếu bố tôi hay ngồi uống trà, ảnh ông Hồ đã bị lột khỏi tấm khung gỗ, nằm vật vờ, méo mó. Tôi lặng lẽ nhặt bức ảnh lên, kín đáo kẹp vào cuốn sổ tay, cất trong ngăn bàn. Tôi sốc, và cả sợ hãi. Một nỗi buồn vô cớ ập đến, bám riết lấy tâm hồn tôi. Hai mươi bảy năm sau cái ngày được gọi là “giải phóng” ấy, bố tôi đã đoạn tuyệt với ông Hồ, với chủ nghĩa Cộng Sản, theo một cách bất ngờ như thế.

Ngày ấy tôi không hiểu vì sao ông lại làm như thế. Bố tôi không bao giờ giải thích, chỉ nói cộc lốc một câu “Đừng bao giờ nhắc đến ông ta nữa.” Nhưng từ đó, mấy mẹ con tôi phải nghe những lời chửi rủa nhiều hơn, nhất là khi xem chương trình thời sự của đài truyền hình nhà nước, với những câu như “Đ.m. cộng sản” hay “Đ.m. quân lừa đảo.”

Nhưng vào lúc ấy, tôi vẫn là một thanh niên yêu ông Hồ và tin vào đảng CSVN, dù lý trí không tự giải thích được vì sao lại thế. Nếu hồi đó có người hoạnh họe về niềm tin của tôi, chắc chắn là tôi sẽ không trả lời được. Hoặc nếu có, thì sẽ lại nói như con vẹt, nói cùn như bọn dư luận viên bây giờ.

Đồng nghĩa với sự sùng bái Hồ Chí Minh và đảng CSVN của tôi lúc đó là sự căm ghét đối với chế độ VNCH, với các nhân vật lãnh đạo miền Nam như Tổng Thống Ngô Đình Diệm hay Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Tôi từng tin rằng, ông Diệm đã lê máy chém đi khắp miền Nam để giết hại đồng bào mình. Tôi từng tin những người lính phục vụ trong chế độ VNCH đều là những người ăn thịt trẻ con, giết phu hiếp phụ. Tôi đã tin, và phải tin, vì ở trường và ở nhà, tôi đều được ấn vào đầu những điều như thế.

Hai năm sau ngày đập bỏ bàn thờ ông Hồ, bố tôi qua đời. Đó là một sớm mùa Đông Tháng Mười Một Âm Lịch năm 2004 với cái lạnh tê tái, ngọt tận đến xương.

Tôi dại. Khi bố tôi nhồi nhét đủ thứ mang danh những điều “tốt đẹp, kỳ diệu, vĩ đại” gắn với ông Hồ và đảng CSVN vào đầu óc non nớt của tôi, tôi tiếp thu rất nhanh. Tôi cứ tưởng bố tôi cũng phải dạy con cách từ bỏ Hồ Chí Minh và đảng CSVN giống như cách ông dứt khoát vứt xuống đất, để giúp tôi thôi trở thành kẻ sùng bái họ. Lẽ ra, tôi phải nhận thức được ngay, từ cái ngày ông đập bỏ bàn thờ Hồ Chí Minh với lời tuyên bố “Đừng bao giờ nhắc đến ông ta nữa,” hay những câu chửi tục “Đ.m. cộng sản,” “Đ.m. quân lừa đảo” khi nhìn thấy những lời tuyên truyền trên TV.

Tôi vẫn tiếp tục yêu ông Hồ như thế, cho đến một ngày, tôi lôi tấm hình ông Hồ ra, tự tay xé nát thành từng mảnh vụn. Lúc ấy cũng vào một ngày mùa Đông năm 2006. Khi ấy, tôi vừa tròn 29 tuổi.

Mọi thứ, đến chầm chậm với tôi, nhưng dứt khoát và mãnh liệt, qua những trang tin điện tử từ hải ngoại mà tôi phải vượt tường lửa mới tiếp cận được. Có một sự thật rất khác với cái được gọi là “sự thật” mà người ta muốn tôi, muốn cả dân tộc này phải tin.

Tôi như trải qua một cơn bạo bệnh. Lần đầu tiên trong đời tôi cảm nhận một cách trọn vẹn dư vị của nỗi đắng cay khi biết, và nhận rõ mình bị lừa dối. Và cả sự xấu hổ, ê chề. Tôi chưa bao giờ thấy xấu hổ như thế cho dù không ai nhận ra cơn chấn động tinh thần của mình.

Đa số, nếu không nói là tất cả người dân miền Bắc, nhất là thế hệ sinh sau năm 1975 như tôi, đều được nhồi sọ là phải tôn thờ Hồ Chí Minh, phải tin tuyệt đối vào “sự lãnh đạo tài tình của đảng.” Cho nên, khi tôi hòa mình vào đám đông im lặng – sản phẩm của sự nhồi sọ ấy, tôi là bạn. Ngược lại, khi tôi đứng lên cùng với sự thật, chính những con người đó đã kết án, đã chửi rủa tôi không chỉ riêng vì tội thôi sùng bái ông Hồ, mà là tội dám từ bỏ niềm tin cộng sản.

Tôi thấy mình cần phải có một thái độ dứt khoát trước thời cuộc dù tôi chỉ là một đứa con gái còi cọc, nhát gan, nặng chưa đầy 36 kg và nhất là chữ nghĩa chẳng được bao nhiêu. Nếu tôi không làm gì, có lẽ thời cuộc cũng chẳng thèm giận hờn gì tôi cả. Tôi chỉ là một kẻ vô danh trên cõi đời này, thêm hay bớt thì nhân gian này vẫn thế.

Nhưng tôi cần sám hối, cần xét đoán lại mình, đơn giản để được là chính tôi. Tôi phải tự thoát khỏi cơn mê, chui ra khỏi cái vỏ trứng để làm một sinh linh dù yếu ớt, nhưng nhìn thấy ánh sáng của sự thật và làm chứng cho sự thật. Quyết định ấy không phải sản phẩm của một cơn bốc đồng thời cuộc, sự nổi loạn của tuổi trẻ hay lòng tự ái bị tổn thương, đến ào ạt rồi tan biến để rồi chỉ còn sự tiếc nuối và sợ hãi. Bày tỏ thái độ trước thời cuộc đồng nghĩa với việc bị liệt vào danh sách “kẻ thù của chế độ,” để bước vào một cuộc đời khác đầy bão tố, chông gai và tù đày. Nhưng tôi được là chính mình.

Tôi không bao giờ quên lần đầu tiên tận mắt nhìn thấy những chú thương phế binh VNCH bằng xương bằng thịt tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, Sài Gòn, vào cuối năm 2015. Đêm hôm trước, tôi rất hồi hộp vì sắp được gặp những con người mà mình từng nghĩ oan, từng được giáo dục là phải căm ghét và coi họ như những tội đồ của dân tộc. Lần thứ hai sau gần chục năm, ý nghĩ sám hối lại trở về với tôi.

Tôi đứng lặng lẽ ở một góc của sân Hiệp Nhất trong nhà thờ, nơi tổ chức các buổi “Tri ân thương phế binh VNCH,” và khóc. Đầu tiên, tôi còn kìm được. Càng về sau, nước mắt càng tuôn ra, với những tiếng nấc cứ lớn dần lên. Một người bạn, là con của một cựu quân nhân VNCH chạy đến, ôm tôi. Cả hai chúng tôi cùng khóc. Chúng tôi khóc, không chỉ xót thương cho “những con người bị bỏ rơi hơn cả” trong chế độ cộng sản tàn ác này. Khóc, để xót thương cho một nửa đất nước từng phồn thịnh, tự do, đẹp đẽ đã bị bức tử bởi những kẻ man rợ nhân danh đủ thứ chủ nghĩa bệnh hoạn. Khóc cho sự ngu dại một thời của tôi, của biết bao người dân miền Bắc vẫn chưa có cơ may, hoặc chưa đủ dũng khí để làm một cuộc gột rửa bản thân đặng góp phần cứu nguy cho dân tộc.

Thương phế binh VNCH tại một cuộc họp mặt chương trình Tri ân Thương phế binh Việt Nam Cộng Hoà (Hình: Tin mừng cho người nghèo)

Quê hương Việt Nam quá dư thừa những nỗi đau. Còn nỗi đớn đau nào đau hơn khi phải chứng kiến cảnh triệu triệu đồng bào ăn mừng trên nỗi đau thương, bất hạnh của triệu triệu đồng bào khác cũng mang tên Việt Nam, vào mỗi dịp Tháng Tư về.

Dẫu vậy, tôi vẫn tin, và hy vọng rằng ngày mai trên con đường đổi thay đất nước, sẽ rộn rã những gương mặt mà hôm nay rất có thể đang còn ngu dại như tôi thuở nào. Để không còn mang danh “Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm. Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi” (*). Ngày mai, sẽ rộn ràng như thế.

______________

(*) Lời bài thơ “Đất nước mình ngộ lắm phải không anh” của Trần Thị Lam, giáo viên văn trường THPT chuyên ở Hà Tĩnh. Cô giáo Lam bỏ lên Facebook ngày 25 Tháng Tư, 2016, thời điểm xảy ra sự kiện cá chết hàng loạt gây ô nhiễm biển ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Bài thơ đã tạo thành con bão hưởng ứng khắp nơi, và chính cô cũng gặp khó khăn với nhà cầm quyền vào thời điểm ấy.

No comments:

Post a Comment